Đồng nhiễm viêm gan B, C sẽ làm gia tăng tỉ lệ tử vong, trở nặng đối với bệnh nhân HIV, kể cả người đang điều trị với thuốc ARV. Vì vậy, cần chủ động phòng ngừa đồng nhiễm viêm gan virus ở bệnh nhân HIV hiệu quả.
Đồng nhiễm viêm gan virus sẽ làm gia tăng tỉ lệ tử vong và trở nặng đối với bệnh nhân HIV, kể cả người đang điều trị với thuốc ARV. Ảnh minh họa |
Nhiễm viêm gan B (VGB) chiếm khoảng 5-20% trong số 36 triệu người mắc HIV trên thế giới. Đồng nhiễm viêm gan C (VGC) với HIV chiếm 5-15%, nhưng tỉ lệ đồng nhiễm viêm gan C lại lên đến 90% đối với người tiêm chích ma túy. Đồng nhiễm viêm gan virus sẽ làm gia tăng tỉ lệ tử vong và trở nặng đối với bệnh nhân HIV, kể cả người đang điều trị với thuốc ARV.
PG.TS.Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch hội Gan mật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đồng nhiễm virus viêm gan B và C có thể xảy ra trên bệnh nhân HIV/AIDS, bởi có chung đường lây truyền. Hiện nay, vấn đề sàng lọc đồng nhiễm các virus nêu trên đã được thực hiện rất tốt nhưng vẫn còn không ít trở ngại.
Không ít trường hợp nhiễm HIV, VGB, VGC không muốn công khai bệnh, thậm chí họ còn giấu bệnh với cả nhân viên y tế. Khi đi khám bệnh, người nhiễm HIV được bác sĩ tư vấn làm xét nghiệm kiểm tra thêm về tình trạng nhiễm HBV và HCV nhưng họ từ chối vì e ngại. Đây là vấn đề rất nguy hiểm vì khi bản thân người bệnh họ không tự nguyện đi kiểm tra thì chúng ta rất khó vì không thể bắt buộc họ được.
Bệnh nhân HIV/AIDS nguy cơ cao đồng nhiễm virus viêm gan B và C
Viêm gan siêu vi do nhiều loại siêu vi có ái tính với tế bào gan và có khả năng gây ra hội chứng viêm và hoại tử. Dựa vào biểu hiện lâm sàng kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, viêm gan siêu vi được chia thành 2 loại: Viêm gan siêu vi cấp tính: triệu chứng lâm sàng và các bất thường trong xét nghiệm chức năng gan kéo dài không quá 6 tháng; Viêm gan siêu vi mãn tính, triệu chứng lâm sàng và bất thường trong xét nghiệm chức năng gan kéo dài trên 6 tháng.
Đồng nhiễm viêm gan B và C là một tình trạng thường gặp, đặc biệt ở những vùng dịch bệnh lưu hành. Nếu nhiễm cùng lúc 2 loại virus viêm gan B, viêm gan C thì bệnh sẽ tiến triển rất nhanh, tăng nguy cơ xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.
Virus viêm VGB và virus VGC là những nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh gan mạn tính trên khắp thế giới, hai loại bệnh này có chung đường lây truyền, vì vậy đồng nhiễm viêm gan B và C hay gặp ở những người bệnh sống trong vùng lưu hành HBV. Đặc biệt ở những người có nguy cơ cao nhiễm virus qua đường tiêm (người sử dụng ma túy dạng tiêm), người có nhiều bạn tình, bệnh nhân thẩm phân máu, bệnh nhân ghép tạng và những người dương tính với virus gây suy giảm miễn dịch ở người (bệnh nhân HIV).
Hiện nay, số lượng các bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan virus HBV/HCV chưa được biết chính xác. Tỉ lệ đồng nhiễm HBV/HCV thay đổi từ 9 - 30% tùy vùng địa lý. Con số này có thể đánh giá không đúng số lượng chính xác những người đồng nhiễm HBV/HCV do đặc tính nhiễm HBV ẩn (bệnh nhân có kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B [HBsAg] âm tính nhưng nồng độ HBV DNA trong huyết thanh phát hiện được) ở những bệnh nhân viêm gan C mạn tính.
Chẩn đoán đồng nhiễm VGB, VGC ở bệnh nhân HIV
Chẩn đoán viêm gan B mạn/bệnh nhân HIV
Các phương pháp chẩn đoán viêm gan B mạn ở bệnh nhân HIV bao gồm:
Viêm gan B mạn: kết quả xét nghiệm HBsAg (+) > 6 tháng
Viêm gan virus B mạn tiến triển: kết quả xét nghiệm HBsAg (+) > 6 tháng, AST và ALT tăng hơn 2 lần giá trị bình thường, tăng từng đợt hoặc tăng liên tục > 6 tháng hoặc có bằng chứng cho thấy tình trạng tổn thương mô bệnh học tiến triển ở gan, xơ gan (sinh thiết gan/đo độ đàn hồi gan/fibrotest/chỉ số APRI) không do căn nguyên khác.
Chẩn đoán viêm gan C mạn ở bệnh nhân HIV
Các phương pháp chẩn đoán viêm gan C mạn ở bệnh nhân HIV bao gồm:
Viêm gan C mạn: kết quả xét nghiệm Anti HCV (+) > 6 tháng; Viêm gan C mạn tính tiến triển: kết quả Anti HCV (+), HCV RNA (+) và có/không có xơ gan (xem xét dựa trên chỉ số APRI/sinh thiết gan có hình ảnh viêm gan mạn và xơ hóa có ý nghĩa/FibroScan);
Viêm gan C là bệnh nhiễm trùng do virus tấn công gan, giống như viêm gan B, nó có thể gây bệnh cấp hoặc mạn tính. Đa số bệnh nhân viêm gan C có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khi nhiễm bệnh nhưng dần dần sẽ tiến triển thành mạn, 85% còn lại tồn tại virus trong máu suốt đời.
Nếu không điều trị, viêm gan C sẽ diễn biến thành các biến chứng và tăng nguy cơ tử vong, ở người nhiễm viêm gan C đơn thuần mất khoảng 30-40 năm, ở bệnh nhân HIV đồng nhiễm viêm gan C mất khoảng 10-20 năm.
Phòng ngừa đồng nhiễm viêm gan virus ở bệnh nhân HIV/AIDS
Virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) là những nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh gan mạn tính. Đặc biệt, những người sống chung với HIV có tiêm chích ma tuý, nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ và phụ nữ mại dâm... là những người có nguy cơ nhiễm cả viêm gan virus và HIV cao nhất ở Việt Nam.
Đối với nhân viên y tế, truyền thông xã hội… cần tư vấn phòng lây nhiễm, các biến chứng và khả năng tái nhiễm mới, lối sống, phác đồ cho bệnh nhân HIV. Áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm HBV, HCV ra cộng đồng và dự phòng tái nhiễm, đặc biệt tái nhiễm HCV sau khi đã điều trị khỏi.
Người bệnh không tự ý uống các loại thuốc, kể cả thuốc từ thảo dược. Ngoài ra còn cần xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng, tránh thừa cân, tập thể dục hàng ngày, nghỉ ngơi hợp lý, bỏ hoặc giảm thuốc lá; cần quyết tâm bỏ rượu.
Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ đồng nhiễm viêm gan virus B và C, giang mai, bệnh lây qua quan hệ tình dục... cao hơn so với các đối tượng khác trong cộng đồng. Bệnh lây qua quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và làm diễn tiến bệnh nặng hơn, ngược lại nhiễm HIV làm diễn tiến bệnh lây qua quan hệ tình dục xấu hơn, trong đó viêm gan B và viêm gan C thường dẫn đến xơ hóa và xơ gan nhanh.
Khi điều trị viêm gan B, viêm gan C, bệnh nhân HIV cần được tư vấn, theo dõi chức năng gan thường xuyên để đánh giá biến chứng. Bên cạnh đó, người bệnh cần tiêm phòng vaccine ngừa viêm gan B. Xét nghiệm sàng lọc viêm gan B, C cho tất cả bệnh nhân HIV. Có thể cần xét nghiệm định kỳ 1 năm/lần, nếu xét nghiệm HBsAg, anti HCV âm tính trước đó. Đặc biệt là đối với bệnh nhân HIV có nguy cơ cao nhiễm HBV, HCV.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin