Đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống HIV trong thanh thiếu niên và MSM

Theo Tiengchuong.vn 13:01, 14/11/2023

Đường lây truyền bệnh đã có sự thay đổi, nguy cơ tăng dịch HIV, đặc biệt người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, xu hướng tăng rõ rệt ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và cảnh báo tăng ở các nhóm khác.

Bàn truyền thông nâng cao kiến thức phòng, chống HIV cho cộng đồng và nhóm MSM. Ảnh: Thùy Chi

 Xu hướng dịch HIV ngày càng trẻ hóa, tăng nhanh trong nhóm MSM

Theo số liệu của Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm, Việt Nam phát hiện hơn 10 nghìn ca nhiễm mới HIV. Trong đó, hơn 60% ca nhiễm tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP. HCM. Đáng lưu ý, tại một số tỉnh "không trọng điểm" như Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… số nhiễm HIV tăng liên tục từ năm 2020 đến nay.

Thạc sĩ Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, chiếm 49% tổng số ca nhiễm là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.

Các số liệu từ thực tế cũng cho thấy, số ca nhiễm mới HIV đang có xu hướng trẻ hóa. Tỉ lệ nhiễm mới HIV trong nhóm tuổi từ 16-29 tăng nhanh, từ 4% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.

Cùng với vấn đề lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới thì lây nhiễm HIV ở nhóm chuyển giới nữ cũng có xu hướng tăng nhanh. Năm 2004 tại TPHCM tỉ lệ này là khoảng 6,8%, nhưng năm 2016 đã tăng lên 18% và năm 2020 là 16,5%.

Trong khi đó theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỉ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tỉ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt 39,8% đối với nữ, và 48,7% đối với nam.

Những năm gần đây, tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Do đó, việc đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho thanh, thiếu niên đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lây nhiễm, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe con người cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội.
Đẩy mạnh công tác truyền thông qua mạnh xã hội

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh phát hiện hơn 1.380 người nhiễm HIV còn sống có hộ khẩu tại tỉnh. Tính đến hết tháng 9/2023, có 1.160 bệnh nhân đang được điều trị ARV (đạt 90,4% số người nhiễm HIV còn sống trong tỉnh quản lý được), trong đó có 20 trẻ em; đã có 227 trường hợp phơi nhiễm HIV được điều trị thành công với kết quả âm tính với HIV.

Trước đây, HIV chủ yếu lây qua đường máu, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người nhiễm HIV phần lớn lây qua quan hệ tình dục không an toàn, trong đó, MSM đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV.

Qua số liệu phân tích năm 2022 của cơ quan chức năng cho thấy, 89,8% người nhiễm HIV lây qua đường tình dục, trong đó lây qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 74,6%, chủ yếu là người trẻ tuổi, là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, chủ yếu là do kiến thức và sự hiểu biết của giới trẻ về HIV còn hạn chế; sự kỳ thị và phân biệt đối xử làm cho nhóm MSM khó tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và tư vấn xét nghiệm HIV… Thậm chí, dù đã nhiễm HIV nhưng có thể họ không biết tình trạng của mình, nên không tiếp cận được với việc điều trị sớm và dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng.

Đại diện CDC Vĩnh Phúc cho biết, để hạn chế sự gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm các bạn trẻ, ngành Y tế đã tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức, trong đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thông qua các kênh online để các bạn trẻ dễ tiếp cận như internet, trang website, zalo, facebook...

Đồng thời, kết hợp tổ chức truyền thông trực tiếp tại các trường THPT, cao đẳng trên địa bàn; tổ chức truyền thông tại các nhóm đồng đẳng; cấp phát tờ rơi, sản phẩm truyền thông tuyên truyền về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, tự xét nghiệm HIV online và kiến thức cơ bản phòng chống HIV/AIDS; cung cấp các vật phẩm dự phòng như bao cao su, mẫu test nhanh HIV…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm tác hại thông qua các nhóm đồng đẳng Trăng khuyết, Nắng cuối trời, Đồng tâm hiệp lực, Vì ngày mai Sông Lô để tiếp cận, tư vấn chuyển gửi, cấp phát vật phẩm can thiệp (bao cao su, bơm kim tiêm sạch) cho 955 người nghiện ma túy, 366 phụ nữ bán dâm và 444 MSM".

Các đơn vị chức năng của ngành Y tế tỉnh còn đa dạng các hình thức xét nghiệm HIV nhằm hỗ trợ người có nguy cơ nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận với dịch vụ. Từ năm 2022, ngành Y tế đã triển khai dịch vụ tự xét nghiệm HIV bằng dịch miệng thông qua hình thức đăng ký nhận test xét nghiệm HIV miễn phí tại website: https://tuxetnghiem.vn. Đây là hình thức phù hợp cho nhóm đối tượng thanh niên trẻ.

Một trong những biện pháp góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM ở lứa tuổi thanh niên mà ngành Y tế đang triển khai hiệu quả là hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (gọi tắt là điều trị PrEP). PrEP là sử dụng thuốc kháng virus ARV để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV.

Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đây là một biện pháp làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM. Tính đến nay, CDC Vĩnh Phúc đã điều trị cho hơn 320 người, mọi chi phí liên quan đến xét nghiệm, thuốc đều được miễn phí hoàn toàn.

Tăng cường truyền thông thay đổi hành vi cho học sinh, sinh viên

Trước những thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS như hiện nay, nhiều tỉnh, thành đẩy mạnh các giải pháp phòng chống HIV trong nhóm thanh thiếu niên và nam quan hệ tình dục đồng giới.

Nhằm tăng cường sự hiểu biết, các kiến thức về phòng chống HIV/AIDS, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tổ chức nhiều buổi truyền thông cho các đối tượng là học sinh, sinh viên.

Khởi động cho chuỗi hoạt động phối hợp với Đại học Huế trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm sinh viên, mới đây, khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đại học Huế tổ chức hoạt động truyền thông cho sinh viên trường Đại học Du lịch và Đại học Nghệ thuật.

Tại các buổi tuyên truyền, bác sĩ ngoài thông tin về tình hình dịch tễ trên địa bàn, đã cung cấp những kiến thức cơ bản, hữu ích về phòng chống HIV/AIDS. Các dịch vụ xét nghiệm HIV và tự xét nghiệm, nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ tình dục đồng giới nam. Ngoài phần cung cấp, giải đáp thông tin, các sinh viên còn tham gia phần trả lời câu hỏi nhận quà, tạo sự sôi nổi cho buổi truyền thông.

Sinh viên N.T.N. (Đại học Du lịch) chia sẻ: "Sau khi lắng nghe các bác sĩ cung cấp thông tin, kiến thức về phòng chống HIV cũng như giải đáp thắc mắc, tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống, giúp em có thêm kinh nghiệm, kỹ năng để chủ động, giúp tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình".

ThS.BS Lý Văn Sơn, Trưởng khoa Phòng chống HIV/ADIS, CDC tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm trở lại đây, tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng trẻ hóa, và tập trung chủ yếu ở nhóm các bạn đồng giới nam đang theo học ở các trường đại học trên địa bàn.

Sự lây lan HIV "âm thầm" trong nhóm này thực sự đáng báo động và cần thiết triển khai nhiều biện pháp can thiệp sớm. Do đó, việc đẩy mạnh truyền thông là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay, cũng như cho những năm tiếp theo.
Nâng cao nhận thức phòng chống HIV cho công nhân trong các khu công nghiệp

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỉ lệ nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa nhất là độ tuổi vị thành niên, tăng cao ở nam giới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là do hạn chế về kiến thức phòng chống HIV/AIDS. Vì vậy, Đồng Nai đang tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người lao động trẻ tuổi, học sinh, sinh viên công nhân trong các khu công nghiệp.

Đồng Nai là tỉnh có nhiều xí nghiệp, nhà máy tại 32 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút số lượng lớn công nhân lao động và 21 trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề có rất đông học sinh, sinh viên đến từ các vùng miền trong cả nước đến học tập và làm việc.

Dịch HIV tại tỉnh Đồng Nai đang ở giai đoạn dịch tập trung, tỉ lệ nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, tăng cao ở nam giới và tập trung nhóm nguy cơ cao đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục (MSM) đồng giới. Theo báo cáo giám sát phát hiện của CDC Đồng Nai từ năm 2014-2023, độ tuổi 25-34 dao động từ 30-55%, độ tuổi từ 35-39 cũng chiếm tỉ lệ cao dao động từ 25-30%.

Hiện nay, Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện đa dạng các loại hình về chương trình phòng chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng các hoạt động truyền thông can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, xét nghiệm lưu động, xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân và tại cộng đồng thông qua các tổ chức CBOs bằng việc ứng dụng các kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm mới nhằm xác định những người có hành vi nguy cơ cao để triển khai các biện pháp can thiệp phù hợp phòng lây nhiễm HIV.

BS Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai cho hay, trước tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, CDC Đồng Nai luôn chủ động xây dựng các kế hoạch tuyên truyền cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, CDC Đồng Nai cũng hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội, các nhóm cộng đồng tuyên truyền trong học sinh, sinh viên và các công ty xí nghiệp trên địa bàn để cung cấp đúng và đủ các cách phòng tránh HIV cho nhiều đối tượng trong xã hội, nhất là các bạn trẻ.

Để chuẩn bị cho việc mở rộng các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong công nhân, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị với chủ đề Thúc đẩy dự phòng HIV/AIDS trong khu công nghiệp, nhà máy vận động tạo dựng không gian an toàn cho công nhân lao động. Tuy nhiên, để triển khai các hoạt động thực tế thì vẫn đang gặp khó khăn. Lý do là sau đại dịch COVID-19, lượng khách hàng của các công ty giảm sút, việc làm ít, nên doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với các hoạt động này. Đây là khó khăn chung cho các doanh nghiệp xã hội muốn triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân.

Trước tình trạng gia tăng ca nhiễm mới HIV ở giới trẻ, PGS.TS Phan Thị Thu Hương cũng đề nghị Đồng Nai cần tăng cường hơn nữa kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho các bạn trẻ trong các khu công nghiệp, trường dạy nghề, trường đại học.

Xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người chưa thành niên về phòng, chống HIV/AIDS và những bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lồng ghép vào chương trình giáo dục giới tính cho người chưa thành niên đảm bảo chuẩn bị đủ kiến thức về an toàn tình dục và phòng, chống HIV/AIDS tại các Trường phổ thông trung học, Trường dạy nghề.

Tập huấn kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho các cán bộ Đoàn trường về tình hình dịch tễ HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, các kiến thức chung về HIV/AIDS, kỹ năng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, giới thiệu và cập nhật tình hình nhiễm trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV bao gồm cả nhóm nam quan hệ tình dục với nam.

Tổ chức truyền thông trực tiếp thông qua trò chuyện với nội dung gần gũi, dễ hiểu, các tiết ngoại khóa, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, cuộc thi viết tìm hiểu về HIV/AIDS.

Cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp

PGS.TS Phan Thị Thu Hương , Cục Trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp để ngăn chặn dịch được tốt hơn.

Một trong những cách tiếp cận mới là huy động sự tham gia sáng tạo của cộng đồng để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương, có rất nhiều mô hình từ cộng đồng, xuất phát từ cộng đồng rất sáng tạo và hiệu quả. Những mô hình hiệu quả này có thể nhân rộng tại các tỉnh, thành phố.

"Chỉ còn 7 năm nữa chúng ta phải chấm dứt dịch AIDS, nếu như không có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ phía cộng đồng thì khó có thể kiểm soát được dịch, vì cộng đồng giúp chúng ta kết nối với các nhóm nguy cơ cao. Chính vì vậy cộng đồng được lựa chọn như là điểm mấu chốt để có thể mở rộng nhanh các dịch vụ, đưa ra nhiều sáng kiến ứng dụng để làm sao có thể kết nối được các dịch vụ đó và phát hiện được nhiều người nhiễm HIV hơn thì sẽ ngăn chặn dịch được tốt hơn.

Với mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho các bạn trẻ trong trường học, giúp các em hiểu biết đúng về các nguy cơ lây nhiễm HIV, hệ lụy của việc sử dụng các chất kích thích, ma túy tổng hợp và quan hệ tình dục không an toàn; đa dạng các hình thức xét nghiệm HIV nhằm hỗ trợ người có nguy cơ nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận với dịch vụ.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV; tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại thông qua nhóm đồng đẳng; duy trì triển khai các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị HIV bằng thuốc kháng virus ARV; tiếp tục triển khai điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho người dân… nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, góp phần giảm lây nhiễm HIV cho cộng đồng.

Để bảo đảm hướng tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, Việt Nam cần tăng cừờng cam kết chính trị, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, trong đó tăng cường triển khai các hoạt động theo các giải pháp đã được nêu trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030; bảo đảm tài chính cho công tác phòng dịch.

Những người có hành vi nguy cơ cao cần được xét nghiệm sớm để đưa vào điều trị, sử dụng thuốc ARV (hiện thuốc ARV được BHYT chi trả). Đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm.

Đặc biệt, ngoài tuyên truyền vận động sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn, cần tăng cao truyền thông để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV…