Để Nghị quyết đi vào cuộc sống

10:22, 13/07/2008

GS Chu Hảo bàn về sức sống của nghị quyết và những góp ý để Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức hiện đang được Trung ương thảo luận sẽ thực sự đi vào cuộc sống. 

Sức sống của Nghị quyết

 

Theo đúng chương trình nghị sự của TW Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết về giai cấp công nhân đã được ban hành sau Hội nghị TW 6 khoá 10. Hội nghị TW lần này sẽ xem xét và thông qua 2 Nghị quyết về Giai cấp Nông dân và Đội ngũ trí thức. Kỳ vọng của Đảng là củng cố chất lượng của Khối liên minh Công - Nông - Trí trong thời kì CNH - HĐH.

 

Nghị quyết TW 7 về Đội ngũ Trí thức là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Điều này cũng dễ hiểu vì có thể nói rằng “Nếu coi xã hội là một cơ thể sống thì tầng lớp trí thức là cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội”. Chúng ta cũng được quyền hy vọng rằng NQ này sẽ phản ánh được phần nào những kiến nghị chân thành, tâm huyết và sâu sắc của cộng đồng những người lao động trí óc trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và Xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực Khoa học – Công nghệ và Văn hoá - Nghệ thuật, mà suốt trong mấy tháng đầu năm nay đã được các cơ quan của Đảng thu thập ý kiến thông qua rất nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ.

 

Nếu lại xảy ra như những kỳ góp ý kiến cho các Đại hội và Hội nghị TW của Đảng trước đây, nghĩa là, như nhiều lời ca thán: “góp cho vui vậy thôi!” thì có thể Đảng sẽ mất thêm một điểm trong lòng tin của Dân.

 

Suốt từ khi nước ta giành được Độc lập cho đến nay, cứ khi nào “ý Đảng” và “lòng Dân” thật sự gặp nhau thì mọi việc đều thắng lợi; ngược lại thì mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đều khó mà đi vào cuộc sống.

 

Thực tế, mặc dù mới ra đời, nhưng nhiều ý kiến đã cho rằng Nghị quyết TW 6 khó mà đi vào cuộc sống. Trước hết vì đối tượng điều chỉnh có NQ ấy – giai cấp công nhân, đã không được minh định một cách đầy đủ. Giai cấp công nhân trên toàn thế giới ngày nay khác xa so với giai cấp công nhân của thời kỳ Đại công nghiệp khi Marx và Engel viết Tuyên ngôn Cộng sản ( năm 1848).

 

Sau nữa vì giai cấp công nhân Việt Nam trong thực tế cuộc sống thường nhật ngày nay hình như cũng không thấy rõ những điều được đặt ra trong NQ 6 có liên quan mật thiết gì đến những nhu cầu cần thiết yếu của mình như công ăn việc làm, thu nhập và sự học hành của con cái...

 

Cùng với Nghị quyết về Trí thức, Nghị quyết TW 7 về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn (Tam nông) đang được Trung ương thảo luận. Chúng ta có quyền được hy vọng rằng NQ này sẽ hơn hẳn NQ về Giai cấp Công nhân nói trên về tính khả thi để đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống là giải quyết ngay các vấn đề: Nông dân mất ruộng, Nông dân chán ruộng và Nông dân chán chốn thôn quê (Phạm Duy Nghĩa, Tạp chí Tia Sáng số 13.05.7.2008). Nếu NQ sẽ ra không đề cập gì đến điều cốt lõi của Tam Nông ở nước ta hiện nay là chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân thì có thể nói ngay rằng: NQ của Đảng sẽ khó có thể đi vào cuộc sống. Hãy chờ xem trong hy vọng!

 

Định danh trí thức

 

 Trong các Dự thảo NQ về Đội ngũ Trí thức được đưa ra thảo luận lấy ý kiến, đối trượng điều chỉnh của NQ được xác định là những người lao động trí óc có trình độ học vấn cao (đại học và tương đương trở lên). Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, người có học vấn cao không phải lúc nào cũng là người có nhân cách văn hóa.

 

Cũng tương tự như vậy, họ không nhất thiết là người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, có năng lực đề xuất và phản biện các chính sách về các vấn đề của xã hội, có khả năng tạo ra và hướng dẫn dư luận xã hội; mà thiếu những phẩm tính này, dù ở mức độ thấp hay cao, đều khó lòng có thể được coi là trí thức với quan niệm thông thường, phổ quát của thế giới hiện đại.

 

Quan tâm đến tất cả những người lao động trí óc có trình độ học vấn cao trong xã hội là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng. Nhưng đã có nhiều Đề án và Nghị quyết đối với vấn đề xây dựng và phát triển đội ngũ này rồi. Nếu cần thêm một Nghị quyết mới của Đảng thì nên đặt trọng tâm vào xây dựng và phát triển tầng lớp tinh hoa trong đội ngũ này: tầng lớp trí thức với những phẩm tính điển hình như nói tới ở trên.

 

Yêu nước theo cách riêng của mình

 

Lực lượng trí thức (theo định nghĩa của Dự thảo) Việt kiều cũng thuộc đối tượng hay phạm vi điều chỉnh của NQ này. Đây là điều hết sức có ý nghĩa. Trước hết đây là lực lượng khá đông và có chất lượng tốt. Hiện nay có khoảng 400.000 trí thức trong tổng số khoảng 4 triệu Việt kiều (ở trong nước con số này là khoảng 1,5 triệu trên 84 triệu dân), được đào tạo rất bài bản về chuyên môn và có điều kiện làm việc, học tập và nghiên cứu rất tốt để trở thành các chuyên gia giỏi.

 

Nói chung họ là những người yêu nước, nhưng yêu nước theo cách riêng của mình; họ chấp nhận Hiến pháp và luật pháp Việt Nam, nhưng nhiều người trong số họ không tán thành các mô hình Chủ nghĩa xã hội đã và hiện có. Vì vậy chấp nhận họ như một bộ phận của trí thức Việt Nam thì chúng ta cũng đồng thời chấp nhận chính kiến chính trị riêng của họ, cũng công nhận rằng Yêu nước không nhất thiết gắn liền với Yêu chủ nghĩa xã hội. Đây là quan điểm hết sức tiến bộ, hết sức quan trọng trong việc phát huy sức mạnh của khối Đại đoàn kết dân tộc.

 

Chúng tôi mong rằng quan điểm này không những chỉ áp dụng đối với trí thức Việt Kiều mà đối với mọi người Việt Nam yêu nước cả ở ngoài nước lẫn trong nước. Nếu điều này được Đảng chỉ đạo thực hiện trên thực tế thì có thể coi là một bước đột phá trong công tác tư tưởng và tổ chức của nước ta.

 

Các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ trí thức nêu ra trong Dự thảo hầu hết là trùng lặp với các giải pháp đã đề ra trong Đề án hoặc nghị quyết khác về: GD-ĐT và KH-CN, Công nhân, Các Hội nghề nghiệp và Thu hút Việt Kiều v.v... Nếu chỉ nhằm xây dựng đội ngũ lao động trí óc có trình độ chuyên môn cao thì chỉ cần thực thi các Đề án đã có hoặc đang soạn thảo là đủ, không cần phải ra một nghị quyết mới.

 

Môi trường cho tầng lớp trí thức tự hình thành

 

Theo thiển ý của chúng tôi, để có một tầng lớp trí thức là tinh hoa của dân tộc, là nguyên khí của quốc gia, cần phải có hai điều kiện cơ bản. Một là: Có một nền Giáo dục quốc dân lành mạnh và hiện đại nhằm tạo ra những con người có nhân cách văn hoá và năng lực độc lập tư duy.

 

Hai là: Có môi trường lao động trí tuệ mà trong đó tự do tư tưởng được thực sự tôn trọng và được bảo vệ bằng pháp luật. Cả hai điều kiện cơ bản ấy chỉ có thể được tạo ra bằng sự nỗ lực với quyết tâm chính trị cao của Đảng.

 

Nếu Đảng thực sự muốn nhìn thấy một “Đội ngũ trí thức vững mạnh vào năm 2020” thì, song song với quyết tâm chấn hưng nền Giáo dục nước nhà, chỉ cần có một nghị quyết có tính khả thi (tức là thể chế hóa một cách cụ thể được) chứa đựng một số giải pháp đột phá nhằm tạo ra môi trường tự hình thành và phát triển của tầng lớp này. Chẳng hạn:

 

- Đảm bảo tự do tư tưởng, tôn trọng sự độc lập tư duy; Chấp nhận đa dạng ý kiến và chính kiến.

 

- Thực hiện triệt để chế độ dân chủ và công bằng trong thảo luận và tranh luận.

 

- Khuyến khích tự do sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực Khoa học Xã hội – Nhân văn và Văn hoá- Nghệ thuật.

 

- Chấp hành nghiêm chỉnh những điều luật đã được ghi trong Hiến pháp về tự do ngôn luận, xuất bản và báo chí; đặc biệt là đối với các cơ quan quản lý hữu quan của Đảng và Nhà nước.

 

Không biết rằng các ý kiến tương tự như trên, hoặc có khi còn sâu sắc hơn thế nữa, đã được phát biểu trong các Hội thảo, có được Đảng chấp nhận phần nào và đưa được vào NQ hay không?

 

Nếu không thì e rằng NQ này cũng sẽ lại không đi được vào cuộc sống. Nhưng dù thế nào đi nữa thì “Cuộc sống vẫn cứ lừng lững đi tới!” (Nguyên Ngọc)...