Sơ kết tình hình triển khai và chỉ đạo điểm Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'

08:38, 18/07/2008

Ngày 18-7, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình triển khai và chỉ đạo điểm thực hiện Cuộc vận động sáu tháng đầu năm, bàn phương hướng nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2008.

 

Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và các Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, chủ trì hội nghị.

 

Dự hội nghị có các Trưởng, phó Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư đảng ủy khối, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; các đảng bộ được chỉ đạo làm điểm thực hiện Cuộc vận động.

 

 

Ông Tô Huy Rứa trình bày Báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động nêu khái quát kết quả bước đầu quan trọng đã đạt được trong sáu tháng qua bằng việc: Tổ chức tốt sơ kết một năm thực hiện Cuộc vận động; tổ chức học tập các chuyên đề "Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu" và tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Bác. Tổ chức hội thi kể chuyện; tiếp tục mở rộng Cuộc vận động trong các đoàn thể chính trị - xã hội và ra nước ngoài; mở cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

 

Do vậy, trong sáu tháng qua, Cuộc vận động đã tạo ra những chuyển biến rõ nét hơn về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về vị trí, tầm quan trọng của Cuộc vận động.

 

Về tình  hình, kết quả triển khai thực hiện Cuộc vận động tại các địa phương, đơn vị được chọn làm điểm chỉ đạo, Báo cáo nêu bật kết quả đã đạt được về việc thực hiện sớm và có sáng tạo trong các bước tiến hành theo hướng dẫn của Trung ương. Gắn thực hiện Cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị, với chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị và coi đó làm thước đo kết quả việc thực hiện Cuộc vận động; phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; coi trọng việc động viên, khích lệ những tập thể, cá nhân làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng và thực hiện các quy định, quy chế về cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ trong từng địa phương,  đơn vị.

 

Sau khi khái quát những bài học kinh nghiệm bước đầu qua chỉ đạo Báo cáo nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ thực hiện Cuộc vận động trong sáu tháng cuối năm nay.

 

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh nêu rõ: Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Ðảng ta phát động và lãnh đạo đã tiến hành được một năm rưỡi. Ðây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Ðảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội; được tiến hành trong một thời gian dài với nhiều nội dung phong phú, bổ ích; là một trong những giải pháp cơ bản để xây dựng nền tảng đạo đức trong Ðảng và toàn xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, nghị quyết của Ðảng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Sau một năm rưỡi triển khai Cuộc vận động và sáu tháng tiến hành chỉ đạo điểm, chúng ta đã thu được một số kết quả và kinh nghiệm bước đầu, đồng thời cũng nhận rõ những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục. Một trong những kết quả bước đầu quan trọng, để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu đậm trong mỗi người là việc triển khai học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ và các hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức của Người từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành và đảng ủy trực thuộc.

 

Hoạt động này đã thu hút nhiều người với đủ các thành phần, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo và vùng, miền của đất nước tham gia. Thông qua đó, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân đã hiểu rõ và đầy đủ hơn về những tư tưởng lớn và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; về vị trí, vai trò của đạo đức đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội; đạo đức là "gốc" của mỗi con người, nhất là người cách mạng; cần thường xuyên trau dồi, vun đắp để cái gốc đó ngày một tươi tốt, vững bền.

 

Từ học tập, thấm nhuần sâu sắc tấm gương đạo đức của Bác, việc "làm theo" tấm gương đạo đức của Người bước đầu đã được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, gia đình, cá nhân chủ động thực hiện. Thành phố Hồ Chí Minh nêu quyết tâm "Tiếp tục học tập, nỗ lực làm theo", chọn quận 3, quận Gò Vấp và một số phường, xã làm điểm chỉ đạo, tập trung cao cho 10 việc cần làm của thành phố. Thành phố Hà Nội tổ chức đợt sinh hoạt chính trị "Bác Hồ với Thủ đô", coi trọng việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân cho cán bộ, đảng viên, công chức. Tỉnh Nghệ An tổ chức tốt các phong trào: xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng quỹ "Ngày vì người nghèo"; xóa nhà tranh tre dột nát; mỗi sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh giúp đỡ một xã nghèo vùng sâu, vùng núi cao.

 

Ði theo hướng này, nhiều ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tích đáng mừng. Tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Trung ương đã có sự ghi nhận, biểu dương.

 

Ðể tiếp tục tuyên truyền, biểu dương, cổ vũ, góp phần nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến xuất hiện trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong sáu tháng qua, đồng thời với việc tiếp tục học tập tấm gương của Người về chống tham ô, lãng phí, quan liêu, thực hành tiết kiệm, Ban Chỉ đạo Trung ương đã chủ trương xây dựng chương trình và thí điểm đưa nội dung tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong các trường học; phát động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; xây dựng, trình chiếu bộ phim tài liệu "Sức lan tỏa của một nhân cách lớn"; tổ chức cuộc thi "Người là niềm tin tất thắng" và nhiều hoạt động khác phong phú và đa dạng.

 

Thực hiện Quyết định số 01-QÐ/BCÐT.Ư, Ban Chỉ đạo Trung ương đã chọn 24 đơn vị làm điểm chỉ đạo, bao gồm chín tỉnh, thành phố; tám bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; hai đơn vị lực lượng vũ trang; ba tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; phân công 16 đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp chỉ đạo các đơn vị làm điểm. Mục đích của việc chỉ đạo điểm là đi trước một bước, xây dựng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đúc rút bài học hay, cách làm tốt. Mặt khác, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ.

 

Từ thực tế một năm rưỡi thực hiện Cuộc vận động, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm thiết thực sau đây:

 

Trước hết, phải tiếp tục tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng to lớn, nhiều mặt của Cuộc vận động; đội ngũ cốt cán, đặc biệt là người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị phải đề cao trách nhiệm, quan tâm sâu sát, gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo và thực hiện Cuộc vận động đúng với tinh thần "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Mức độ thành công cao hay thấp của Cuộc vận động trước hết và chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố quan trọng này. Mặt khác, phải làm cho Cuộc vận động lan tỏa, thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, vào mỗi gia đình, mỗi người dân và trở thành lẽ sống, lối sống, thói quen và hành động hằng ngày không thể thiếu được của mọi người.

 

Thứ hai, phải xây dựng được chương trình, kế hoạch và hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động một cách cụ thể, thiết thực, sát hợp với tình hình, nhiệm vụ, đặc điểm của mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi đơn vị trong từng giai đoạn, suốt cả nhiệm kỳ và cả một thời gian dài.

 

Thứ ba, phải xây dựng được chuẩn mực đạo đức phù hợp với từng loại hình công việc, từng loại đối tượng; các chuẩn mực đó lại phải dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, không quá cao xa, khó thực hiện nhưng cũng không được chung chung, hình thức. Phải coi việc thực hiện Cuộc vận động này trước hết là vì nhu cầu và lợi ích thiết thân của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức; qua đó không chỉ giúp chúng ta nâng cao hơn nữa phẩm chất đạo đức và lối sống của mình mà còn giúp chúng ta có thêm nghị lực và có thêm bản lĩnh để tham gia sản xuất, công tác, học tập và rèn luyện bản thân nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi người, mỗi tập thể. Cần cải tiến nội dung, hình thức lấy ý kiến của quần chúng góp ý cho cán bộ, đảng viên, làm sao để quần chúng góp ý nhiều hơn, thẳng thắn, cụ thể, thường xuyên hơn, coi đây như một việc làm không thể thiếu được trong quan hệ giữa quần chúng với cán bộ và đảng viên.

 

Thứ tư, kết hợp một cách khéo léo, nhuần nhuyễn việc thực hiện Cuộc vận động với các phong trào và các nhiệm vụ quan trọng khác của ngành, địa phương, đơn vị, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, vừa tiết kiệm thời gian, công sức và phí tổn. Phải hết sức tránh cách làm theo kiểu hành chính hình thức, phô trương, lãng phí không cần thiết.

 

 

Thứ năm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở các cấp cần coi trọng công tác chỉ đạo điểm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện; coi trọng hơn nữa yêu cầu "làm theo"; nêu gương, cổ vũ những tập thể, cá nhân thông qua việc học tập và làm theo tấm gương của Bác mà trở thành các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; từ đó tuyên truyền, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt; khắc phục, đẩy lùi những khó khăn, vướng mắc, yếu kém; kịp thời đúc rút kinh nghiệm, bổ sung giải pháp cho bước đi tiếp theo.

 

Thứ sáu, trong chỉ đạo và thực hiện, cần phải tránh tâm lý nôn nóng, chủ quan, kỳ vọng quá nhiều, quá sớm vào kết quả Cuộc vận động; mặt khác phải khắc phục tư tưởng cầm chừng, hoài nghi, bàng quan với Cuộc vận động.

 

Thứ bảy, từ thực tiễn triển khai Cuộc vận động trong thời gian qua, cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Phải nhận rõ đây là Cuộc vận động lớn, được tiến hành liên tục, lâu dài, có tác động tích cực nhiều chiều đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân. Do đó không nên quy định máy móc tiến độ thực hiện quá gấp gáp như giai đoạn đầu. Làm vội dễ sa vào hình thức, thiếu chiều sâu, thiếu sức thuyết phục. Các văn bản hướng dẫn, đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương hay ban chỉ đạo các cấp cần ngắn gọn, thống nhất, kịp thời, sát đúng với tình hình. Cần tiếp tục huy động các ban ngành của Ðảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị chủ động, tích cực tham gia Cuộc vận động. Tổ chức đảng các cấp cần đưa việc thực hiện Cuộc vận động vào nội dung sinh hoạt đảng thường kỳ, hằng tháng, sáu tháng, cuối năm của tổ chức đảng và đảng viên. Các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị, xã hội cũng cần quy định việc thực hiện Cuộc vận động là một tiêu chí cần thiết quan trọng đối với công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; coi đó là một trong những tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng hằng quý, hằng năm; bố trí nguồn kinh phí hợp lý, thích đáng cho việc thực hiện Cuộc vận động.

 

Công tác chỉ đạo điểm cần chú ý mấy vấn đề sau đây: Ban Chỉ đạo Trung ương cần xác định rõ hơn yêu cầu, nội dung chỉ đạo điểm, tiêu chí trong lựa chọn các đơn vị để chỉ đạo điểm. Nên chọn các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị có vị trí, tầm quan trọng lớn, qua đó việc chỉ đạo điểm sẽ có tác động lan tỏa đến nhiều ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị khác. Cần xây dựng thống nhất chương trình chỉ đạo điểm giữa Trung ương và ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; giữa đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương phụ trách với Tổ giúp việc; giữa Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Trung ương với ban chỉ đạo của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Cần chỉ đạo các đơn vị làm điểm sớm triển khai chương trình, nhiệm vụ, nhất là các nội dung hoạt động mới, thực sự đi trước một bước để rút kinh nghiệm khi triển khai đại trà. Việc lựa chọn, bố trí đúng những cán bộ nhiệt tình, có trách nhiệm, có kinh nghiệm để chỉ đạo điểm là hết sức quan trọng, làm cho công việc thành công. Tăng cường sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy vai trò chủ động, năng động, sáng tạo của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị làm điểm.

 

Ðối với các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chọn làm điểm, cần xác định rõ trách nhiệm của mình, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân phấn khởi, gương mẫu thực hiện các chương trình, kế hoạch triển khai Cuộc vận động. Phát huy vai trò của bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; dựa vào cơ sở, phát huy vai trò của quần chúng; coi trọng việc chỉ đạo và tổng kết thực tiễn; kết hợp chặt chẽ giữa học tập và làm theo, chuyển mạnh sang nội dung "làm theo" tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của các đơn vị được chọn làm điểm.