Hội thảo khoa học Lịch sử công tác dân vận

14:19, 28/03/2010

Ngày 27/3, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo khoa học Lịch sử công tác dân vận Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1930-2010) lần thứ nhất.

 

Tham dự Hội thảo có các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, Ban Dân vận qua các thời kỳ, lão thành cách mạng. Đồng chí Phùng Đình Thiệu, ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì.

 

Dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng ta, có ý nghĩa chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng. Trong suốt quỏ trình lãnh đạo cách mạng, công tác dân vận về thực chất là xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng và đã trở thành một truyền thống quý báu, tốt đẹp của Đảng ta. Nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm việc làm của công tác dân vận trong tham mưu đề xuất với Đảng bộ, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Ban Chỉ đạo biên soạn cuốn Lịch sử công tác dân vận Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã được thành lập và dự kiến cuốn sách sẽ xuất bản vào dịp 80 năm ngày truyền thống Dân vận 15/10/2010.

 

Việc biên soạn cuốn Lịch sử công tác dân vận Đảng bộ tỉnh Thái được triển khai từ tháng 8/2009 do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Minh, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và các cộng sự thực hiện. Sau một thời gian tích cực sưu tầm, khai thác các nguồn tư liệu, Ban biên soạn đã tổng hợp và biên tập thành tập bản thảo có độ dày 291 trang. Ngoài phần phụ lục, cuốn Lịch sử công tác dân vận Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên  được xây dựng thành 6 chương và phần kết luận.

 

Chương mở đầu với tiêu đề: Đất và người Thái Nguyên nhằm giới thiệu địa giới và tên gọi của tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ lịch sử, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, dân cư, dân tộc. Chương I: Công tác dân vận trong thời kỳ đấu tranh cách mạng giành chính quyền (1930-1945. Chương II: Công tác dân vận trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Chương III: Công tác dân vận trong 10 năm sau ngày hòa bình lập lại (7/1954 - 6/1965). Chương IV: Công tác dân vận trong thời kỳ cả nước trực tiếp kháng chiến chống Mỹ (7/1965 - 4/1975). Chương V: Công tác dân vận trong thời kỳ cả nước cùng đi lên CNXH (1976-1996). Chương VI: Công tác dân vận trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1997-2010). Phần kết luận: Khái quát quá trình phát triển công tác dân vận của Đảng bộ qua các thời kỳ lịch sử, phân tích 4 bài học kinh nghiệm về công tác dân vận.

 

Tại Hội thảo, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, Ban Dân vận, lão thành cách mạng đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến, phần lớn các ý kiến đều khẳng định tư liệu sưu tầm khá phong phú. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cắt bỏ một số ý, từ trùng lặp, cần làm rõ hơn vai trò của công tác dân vận từ khi thực hiện đường lối đổi mới; một số chương cần làm rõ công tác vận động, giáo dục quần chúng, tránh trùng lặp với lịch sử Đảng bộ tỉnh…