T.P. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị loại I: Vừa văn minh vừa giữ được bản sắc riêng

16:19, 30/03/2010

Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã và đang trở thành một thành phố có vị trí ngày càng quan trọng của vùng Tây Nguyên vừa được Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

 

Có thể nói đây là thành quả lớn từ quá trình phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố qua suốt 35 năm kể từ ngày được giải phóng (10/3/1975 - 10/3/2010). Trong những ngày cuối tháng 3, có dịp đi công tác tại các tỉnh phía Nam để thực hiện loạt  bài tuyên truyền nhân dịp Kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên đã lên thăm Buôn Ma Thuột và cảm nhận được rất nhiều điều ở thành phố này… 

 

Trước hết, xin được điểm lại những mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột trong 35 năm qua: Năm 1975, sau giải phóng, Buôn Ma Thuột là đô thị loại IV. Qua 20 năm xây dựng, phát triển, ngày 21/1/1995, thành phố được Chính phủ công nhận là đô thị loại III. Đến ngày 28/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận Buôn Ma Thuột là đô thị loại II và sau 5 năm nỗ lực dựng xây và phát triển, ngày 8/2/2010, Buôn Ma Thuột được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

 

Có thể khẳng định, sự phát triển của T.P Buôn Ma Thuột với giai đoạn sau có tốc độ nhanh và nhiều bước tiến vượt bậc hơn so với giai đoạn trước là phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, kể từ khi Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, đã mang đến luồng sinh khí mới, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và cho từng địa phương nói riêng. Khi có chính sách đổi mới, cùng với sự quan tâm của tỉnh, các tiềm năng, nguồn lực của Buôn Ma Thuột đã được huy động để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào các dân tộc ở đây ngày càng được nâng cao …

 

Trao đổi với các đồng nghiệp của Báo Đắk Lắk, chúng tôi được biết, trong những năm vừa qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, sự đầu tư của tỉnh, cơ sở hạ tầng của T.P Buôn Ma Thuột được xây dựng tương đối đồng bộ (như hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện, mạng lưới viễn thông, công viên cây xanh, quảng trường và nhiều thiết chế khác trong đô thị…). Với việc tăng cường thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, tại thành phố này đã hình thành hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng tương đối phát triển và được đánh giá là hiện đại của khu vực Tây Nguyên. Song song với đó là việc quan tâm xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2001-2005 đạt 11,38%/năm, bước sang giai đoạn 2006-2010 dự kiến đạt 17,5% năm. Cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại và dịch vụ (hiện đã chiếm tỷ trọng lớn trong tổng GDP, với gần 90%)…

 

Được biết, để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển trong những năm tới, T.P Buôn Ma Thuột đang tập trung thực hiện công tác quy hoạch (điều chỉnh quy hoạch chung, đẩy nhanh quy hoạch chi tiết) để làm công cụ quản lý cho phát triển đô thị, bảo đảm quy hoạch phải mang tính bền vững. Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một cách toàn diện và đồng bộ, đồng thời không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (16-17%/ năm). Riêng trong lĩnh vực kinh tế, thành phố tiếp tục tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thành phố cũng chú trọng phát triển phải  bảo đảm theo định hướng là thành phố xanh không chỉ của Tây Nguyên mà còn là của cả nước: xanh kinh tế, xanh môi trường, xanh cảnh quan. Đào tạo nguồn nhân lực cũng là một trong những giải pháp quan trọng được thành phố chú trọng cho phát triển bền vững, cụ thể như quan tâm, chú trọng hơn nữa đến đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số… Đó là những vấn đề mà thành phố đang trăn trở để tìm ra những biện pháp, giải pháp hiệu quả nhất, từ đó xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thành phố vừa hiện đại, văn minh, vừa giữ được bản sắc riêng. Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thành phố sẽ chú trọng quy hoạch phát triển ngành nghề. Đối với công nghiệp, Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng, có hàm lượng chất xám cao, nhất là công nghiệp sạch, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Trước hết, thành phố thực hiện nhiều chính sách để thu hút đầu tư trong và ngoài nước…

 

Có thể nói, chặng đường 35 năm qua là sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc T.P Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung. Những thành quả đã đạt được sẽ là động lực to lớn để thành phố tiếp tục phát triển, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, đáp ứng các tiêu chuẩn của đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên vào năm 2020 như chủ trương của Bộ Chính trị đã đề ra và cũng là mong muốn của đồng bào các dân tộc nơi đây.