Với tinh thần kịp thời đưa Hiến pháp (sửa đổi) vào thực tiễn cuộc sống, ngày 2-1-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 718, ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Các cơ quan của Quốc hội đã khẩn trương triển khai thi hành Hiến pháp, trước tiên là rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều luật, pháp lệnh, đồng thời có những nghiên cứu, đóng góp sâu hơn về hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của bản Hiến pháp có hiệu lực thi hành ngay từ ngày đầu năm nay.
Có thể nói rằng, cụ thể hóa các quy định mới, ưu việt của Hiến pháp (sửa đổi) thành luật là nhân tố quyết định thành công thi hành Hiến pháp.
Nội dung Hiến pháp hiện hành có nhiều tiến bộ trên cơ sở đổi mới tư duy, tích lũy kinh nghiệm giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý, điều hành của đất nước sau hơn 25 năm đổi mới và phát triển. Trong đó, nổi bật là lần đầu, Hiến pháp quy định một số nguyên tắc căn bản bảo đảm cho việc đề cao và thực hiện quyền con người, quyền công dân trong đời sống xã hội. Ðó cũng chính là vấn đề được Phiên họp thứ 25 và 26 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra nhiều nội dung cần được luật hóa đúng đắn, kịp thời.
Xin dẫn thêm một vấn đề quan trọng khác: Chúng ta vừa kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, sự kiện liên quan nội dung Ðiều 16 trong Hiến pháp (sửa đổi) quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cụ thể hơn về bình đẳng giữa nam và nữ, Ðiều 26 Hiến pháp (sửa đổi) quy định: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Nam, nữ bình đẳng về mọi mặt trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ bình đẳng về quyền lợi mà còn bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ trong mọi mặt của đời sống xã hội, gia đình. Tuy nhiên, những hiến định cao nhất đó mang tính khái quát và không làm thay luật. Do đó, công tác thi hành Hiến pháp phải thể chế hóa những điểm mới này vào các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi, đặc biệt là phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các nội dung liên quan trong Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Bình đẳng giới...
Bên cạnh đó là những vấn đề không kém phần thiết yếu khác như: luật hóa mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với Quốc hội, luật hóa vai trò giám sát của Quốc hội đối với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước nói chung và các dự án trọng điểm quốc gia, luật hóa vai trò giám sát của cử tri, của công chúng và báo chí đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước... cùng với việc hoàn thiện những sắc luật khác.
Làm tốt việc cụ thể hóa các hiến định của Hiến pháp (sửa đổi) vào các luật, pháp lệnh là nhân tố quan trọng đưa Hiến pháp vào cuộc sống, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.