Thay đổi cách đánh, điều kỳ diệu

08:30, 13/04/2014

   

Kéo pháo vào

 

Cuộc kéo pháo bằng tay bắt đầu từ tối 15-1-1954, gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ công binh và bộ binh ta đã hoàn thành một con đường rộng 3,5 m, dài gần 15 km, bắt đầu từ cửa rừng bản Nà Nhạn bên đường 41, xuyên rừng rậm, vượt núi cao, qua đỉnh Pu Pha Sông cao ngất, rồi đổ xuống vực Nậm Kho Hu sâu thẳm, vươn tới bắc Bản Tấu trên đường Điện Biên - Lai Châu.

 

Chủ trương kéo pháo bằng tay nằm trong kế hoạch tác chiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch, theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh", với quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Trần Đình - mật danh Điện Biên Phủ (ĐBP) trong ba đêm, hai ngày.

 

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường từ Việt Bắc ngày 5-1 đến ngày 12-1-1954 mới tới Sở Chỉ huy lâm thời ở hang Thẩm Púa. Sau khi nghe Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái báo cáo kế hoạch, Đại tướng cảm thấy vô cùng phân vân, vì nó hoàn toàn khác với suy tính của Đại tướng trước đó. Trong bản báo cáo ngày 6-12-1953 gửi Bộ Chính trị, Đại tướng ước tính thời gian tác chiến ở ĐBP phải mất khoảng 45 ngày, chưa kể thời gian tập trung bộ đội và thời gian làm công tác chuẩn bị.

 

Nhưng vì vừa mới đến, chưa có đủ yếu tố để bác bỏ phương án đã chọn của bộ phận đi trước, của tập thể Đảng ủy Mặt trận (gồm các đồng chí Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng), Lê Liêm (Chủ nhiệm Chính trị), Đặng Kim Giang (Chủ nhiệm Cung cấp), có sự tham gia ý kiến của đoàn cố vấn Trung Quốc, do đồng chí Mai Gia Sinh làm phó đoàn, cho nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp chấp thuận kế hoạch "đánh nhanh, giải quyết nhanh", trong đó có việc làm con đường xuyên rừng 15 km và cuộc kéo pháo bằng tay vào các trận địa hướng bắc.

 

Tất cả các đơn vị từ cán bộ đến chiến sĩ đều quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để nhanh chóng đưa pháo vào trận địa. Nhưng một đêm rồi hai đêm, cho đến đêm thứ 10, thay vì ba đêm theo kế hoạch, chỉ có hai đại đội lựu pháo 105 ly và hai đại đội cao pháo 37 ly (một phần ba lực lượng) vào được đến nơi, nép mình trong những công sự dã chiến, 16 khẩu pháo còn lại, gồm tám khẩu 37 ly và tám khẩu 105 ly vẫn còn đang nằm rải rác trên đường kéo pháo.

 

Chiều hôm ấy, 25-1-1954, toàn mặt trận sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. Bỗng như sét đánh ngang tai, một mệnh lệnh được ban xuống từ Sở Chỉ huy mặt trận: "Hoãn tiến công! Kéo pháo ra, về vị trí cũ!".

 

Kéo pháo ra

 

Trưa ngày 26-1-1954, tại Sở chỉ huy Tiểu đoàn pháo cao xạ 383, thực chất là một cái bàn nhỏ, kê tạm bên một gốc cây ven rừng, trên đặt một máy điện thoại tay quay và một cuốn sổ ghi điện. Tôi đang làm nhiệm vụ trực ban (hồi ấy tôi là sĩ quan tham mưu tiểu đoàn) bỗng có tiếng chuông điện thoại reo. Nhấc máy, tôi nghe giọng nói quen thuộc của anh Bích, Trung đoàn phó Trung đoàn pháo cao xạ 367, phụ trách chỉ huy lực lượng tiền phương trung đoàn: - A lô! Tôi Bích đây!, cho tôi gặp đồng chí Thành (Thành là bí danh của Tham mưu trưởng Mặt trận Hoàng Văn Thái) - Báo cáo anh Thành, tôi Bích đây ạ!

 

- Anh Bích chú ý!, có lệnh hoãn cuộc tiến công, cho kéo pháo về vị trí cũ. Lệnh này phải được chấp hành như một mệnh lệnh chiến đấu... Tin đột ngột ấy được truyền nhanh xuống tận chiến sĩ, gây nên một cú choáng trong đơn vị chúng tôi. Nhiều anh em yên lặng, thẫn thờ. Cũng có người bộc trực nói thẳng: "Biết bao gian khổ mới đưa pháo được đến đây. Thế mà bây giờ lại không đánh nữa, kéo pháo ra"... Tuy nhiên, điều kỳ diệu sau đó đã diễn ra trên đường kéo pháo. Các bí thư họp ngay chi bộ Đảng bàn cách lãnh đạo, sau đó phổ biến cấp tốc kế hoạch cho cán bộ, chiến sĩ. Lòng tin tuyệt đối vào cấp trên, kỷ luật tự giác của đội quân cách mạng đã thắng. Tất cả mọi vướng mắc tạm dẹp sang một bên. Đơn vị triển khai ngay công tác chuẩn bị... Tất cả 48 khẩu pháo nhất loạt quay đầu. Đơn vị nào vào sau thì ra trước. Đơn vị vào trước thì ra sau.

 

Tờ mờ sáng 6-2-1954 (mồng 4 Tết Giáp Ngọ), tại khu rừng thưa gần Km 62 đường Tuần Giáo - Điện Biên, đông đảo cán bộ hai Trung đoàn Tất Thắng (Trung đoàn 45) và Hương Thủy (Trung đoàn 367) vui mừng đón Đại tướng, Tổng Tư lệnh đến thăm. Đại tướng nhiệt liệt khen ngợi đơn vị công binh, pháo binh, bộ binh đã bảo vệ an toàn, nguyên vẹn 24 khẩu lựu pháo và 24 khẩu cao pháo, tài sản quý giá của quân đội ta.

 

Về lý do tại sao phải kéo pháo ra, Đại tướng giải thích ngắn gọn, đó là để tiếp tục chuẩn bị lại cho đầy đủ hơn, bảo đảm đánh chắc thắng. Sau khi chuyển lời chúc Tết của Bác Hồ, của T.Ư Đảng, Chính phủ đến cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng căn dặn: "Các đồng chí phải tiếp tục giữ bí mật binh chủng đến cùng, phải hết sức tiết kiệm đạn, phải đoàn kết hợp đồng với đơn vị bạn thật tốt, cán bộ phải thương yêu chiến sĩ, đồng cam cộng khổ với anh em"... Mọi người lắng nghe như nuốt từng lời của Tổng Tư lệnh, mọi tư tưởng đã hoàn toàn thông suốt...

 

"Bộ óc bậc thầy"

 

Như trên đã nói, chấp nhận kế hoạch giảiphóng ĐBP trong ba đêm hai ngày của bộ phận đi trước là ngoài dự kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cảm thấy hoàn toàn không yên tâm, và thấy rằng cách "đánh nhanh" là rất khó thắng... Trên tinh thần quyết đoán của người chỉ huy và lãnh đạo cao nhất, Đại tướng quyết định hoãn cuộc tiến công để họp Đảng ủy. Đêm hôm đó, như sau này ông kể lại, Đại tướng gần như thức trắng. Đồng chí quân y sĩ phải đi tìm lá ngải cứu đắp lên trán cho Đại tướng đỡ nhức đầu...

 

Mệnh lệnh hoãn cuộc tiến công được chuyển ngay xuống các đại đoàn. Riêng Đại đoàn 308, được Đại tướng trực tiếp trao nhiệm vụ: "Tiến quân ngay sang hướng Luông Pha Băng. Dọc đường gặp địch thì tùy điều kiện cụ thể mà đánh, phối hợp chặt chẽ với quân, dân nước bạn. Giữ vững liên lạc. Có lệnh là trở về ngay!".

 

Một lá thư "hỏa tốc" được gửi lên Bộ Chính trị và Bác Hồ. Mấy ngày sau có điện "tối khẩn" trả lời: "Bộ Chính trị, Bác chấp thuận đề nghị của Đảng ủy Mặt trận. T.Ư Đảng và Chính phủ sẽ huy động toàn lực chi viện cho ĐBP đánh thắng".

 

"Quân lệnh như sơn", mệnh lệnh của Bộ chỉ huy được tất cả bộ đội trên toàn mặt trận chấp hành triệt để, trong đó có nhiệm vụ kéo pháo ra của các đơn vị pháo cao xạ chúng tôi.

 

Đã có lần, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Quân đội nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự: "Quyết định thay đổi cách đánh hồi đó là ấn tượng sâu sắc nhất đời tôi, không chỉ trong chiến dịch ĐBP mà còn trong suốt cuộc đời chỉ huy của tôi nữa".

 

Giôn Ken-nơ-đi, luật gia Mỹ, Tổng Biên tập Tạp chí Gioóc-giơ đã có bài đăng trên tạp chí này ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "bộ óc bậc thầy". Buđa-ren, nhà sử học nổi tiếng của nước Pháp cùng với tác giả Ca-vi-glê-ô-li trong bài "Tướng Giáp suýt thất bại ở ĐBP như thế nào?", đã có câu nhận xét: "Bằng quyết định thay đổi cách đánh, tướng Giáp đã tự đặt mình trên đường thắng lợi"...