Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tầm nhìn về biển, đảo

15:00, 05/06/2014

Giữa những ngày tháng Năm lịch sử, Đoàn cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) Báo Thái Nguyên có dịp vào viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Kính cẩn nghiêng mình trước vong linh vị Đại tướng của nhân dân, rồi không ai bảo ai, chúng tôi cùng hướng ra phía biển. Ngoài khơi xa, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đang bị xâm phạm, và muôn triệu trái tim con dân đất Việt đang cùng hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu…

Dưới cái nắng chói chang trên mảnh đất miền Trung gió Lào, cát trắng, đoàn người từ khắp mọi miền của Tổ quốc nghiêm trang, trật tự xếp hàng lên viếng mộ Đại tướng. Trong dòng người ấy, chúng tôi gặp CCB Nguyễn Ngọc Dấn, năm nay đã hơn 80 tuổi, ở T.P Hồ Chí Minh, vừa vượt quãng đường dài hơn 1.000km ra Quảng Bình. Ông tâm sự: "Tôi vốn là lính trên tàu không số, từng tham gia vận chuyển vũ khí theo đường biển từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nay, tuy tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhưng với tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi vẫn cố gắng ra đây để được thắp hương trên phần mộ Người Anh cả của Quân đội ta"… Giọng người CCB già như nghẹn lại.

 

Cùng có mặt ở đó, một số đồng đội cũ của ông Dấn cho biết: Là những người lính biển, chúng tôi được biết lúc sinh thời, Đại tướng luôn quan tâm và đã có những chỉ đạo, định hướng rất sát sao về vấn đề bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển, đảo của Tổ quốc. Những ngày này, khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, ngẫm lại, chúng tôi càng thêm thấm thía lời căn dặn của Đại tướng…

 

Câu chuyện của những người lính năm xưa đã làm bật lên trong tôi ý tưởng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này.

 

Ngược dòng lịch sử. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị Tổng Tư lệnh tài ba trên chiến trường, mà còn là người có tầm nhìn xa về biển, đảo trong sự phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh của đất nước. Chính vì vậy, trong chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975, ngay sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị “vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Sự kiện Trung Quốc tấn công quân ngụy, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 20-1-1974 càng cho thấy vị trí chiến lược của những mảnh đất xa xôi nơi sóng gió Biển Đông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định cần tổ chức giải phóng kịp thời các đảo và quần đảo trên biển, nếu chậm để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây thì tình hình sẽ rất phức tạp. Tuy nhiên, do lúc bấy giờ lực lượng Hải quân của ta còn nhỏ bé, muốn đánh chiếm các đảo phải thực hiện theo phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

 

Ngày 9-4-1975, Cục Quân báo phát hiện quân ngụy chuẩn bị rút quân khỏi các đảo ở Biển Đông, Quân ủy Trung ương đã điện tối khẩn cho các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân chuẩn bị giải phóng các đảo, cần phải chớp thời cơ bởi một số nước đang có ý đồ xâm chiếm. 4 ngày sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp điện cho đồng chí Chu Huy Mân chỉ đạo việc tiến đánh Trường Sa. Nhận được lệnh, quân ta đã cho các tàu Hải quân giả dạng tàu đánh cá tiến ra quần đảo này. Với phương tiện nhỏ và ít, quân ta đánh theo kiểu của mình: Dùng đặc công bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ rồi bất ngờ vào chiếm mục tiêu.

 

Rạng sáng ngày 14-4-1975, sau hơn một giờ đổ bộ, quân ta nổ súng tiến công và nhanh chóng tóm gọn quân địch, giải phóng đảo Song Tử Tây, sau đó lần lượt giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn... Đến rạng sáng ngày 29-4-1975, trên hướng tiến công đường biển, quân ta đã giải phóng 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa do chính quyền ngụy chốt giữ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện khen: “Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược”.

 

Tiếp đó, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chú ý ngay đến việc phát triển kinh tế biển, đảo. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng), Đại tướng đã đề xuất chiến lược về khoa học biển và kinh tế miền biển. Tại Hội nghị về biển lần thứ nhất tổ chức tại T.P Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) năm 1977, Đại tướng đã nói với các nhà khoa học: “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả để góp phần thúc đẩy khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả đem lại cho đất nước…”. Trong tầm nhìn sâu rộng của Đại tướng, phát triển kinh tế biển không chỉ bằng một ngành ngư nghiệp đánh bắt cá mà còn phải nuôi trồng nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao; phát triển công nghiệp đóng tàu; đẩy mạnh giao thương hàng hóa trong nước và nước ngoài thông qua đường biển... Đại tướng còn đặt ra cho giới khoa học những vấn đề mang tính vượt thời gian, như việc nghiên cứu sử dụng năng lượng thủy triều để sản xuất điện năng.

 

Trong chỉ đạo phát triển kinh tế biển, ngay từ ngày ấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những chỉ đạo chiến lược sâu sắc: Kinh tế vùng biển phải từ đất liền mà phát triển ra biển và các hải đảo; đưa dân ra làm kinh tế biển, đảo để vừa cải thiện đời sống của nhân dân, vừa có lực lượng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tại hội nghị về biển vào các năm 1981 và 1985, Đại tướng đã xác định phương hướng trọng điểm của kinh tế biển nước ta là: Tổ chức đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản một cách hợp lý và khoa học; sớm quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải biển và ngành công nghiệp đóng tàu, xây dựng đội tàu mạnh để đẩy mạnh giao thương hàng hóa trong nước và quốc tế; khai thác khoáng sản và hóa phẩm từ biển; đẩy mạnh phát triển du lịch ven biển;  đặc biệt chú trọng kết hợp làm kinh tế với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khai thác, sử dụng biển và tài nguyên biển...

 

Đến nay, có những mong muốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành hiện thực, tuy nhiên nhiều vấn đề còn dở dang, dù luôn mang tính thời sự nóng hổi. Nhắc lại những chuyện này không chỉ để ngợi ca, mà hơn hết - như chúng ta đã biết - thế hệ hôm nay cần tiếp tục hướng ra phía biển. Đó chính là cách để làm theo lời căn dặn của Đại tướng.

 

Những ngày này, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vấn đề biển, đảo và chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đang đặt ra rất nóng. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh vị Đại tướng của nhân dân, chúng tôi thầm nhủ: Với sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh chính nghĩa, lại được bạn bè quốc tế ủng hộ, chúng ta sẽ giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để non sông, gấm vóc của con Lạc, cháu Hồng mãi vững bền; để ngoài khơi xa, kinh tế biển, đảo của đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, như Đại tướng hằng mong mỏi…