Ngày 6/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tổ đại biểu Quốc hội Hà Nội dự buổi thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội Đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Hai mức tín nhiệm là đủ
Đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) cho biết, qua tiếp xúc cử tri vẫn nhận được nhiều phản ánh việc lấy phiếu tín nhiệm ở 3 mức là không hợp lý vì họ chỉ cần biết tín nhiệm hay không tín nhiệm là đủ. “Với cá nhân tôi cũng nghĩ mãi nhưng không ra phương án nào hơn vì vậy đồng ý với phương án hiện nay”, đại biểu Thạch nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về việc lấy phiếu tín nhiệmề số lần trong nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm, theo đại biểu Thạch nếu mỗi năm lấy một lần là quá nhiều. Theo đại biểu, mỗi nhiệm kỳ nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần là phù hợp nhất. Trong đó, lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên là để đánh giá năng lực cán bộ. Với lần thứ 2 khi sắp hết nhiệm kỳ sẽ có mục đích để làm “tư liệu” đánh giá cán bộ cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Còn đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, nên mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm ở cấp tỉnh, thành phố. Vì thủ trưởng các đơn vị cũng có nhiều ảnh hưởng đến nhiệm vụ kinh tế - xã hội địa phương. Một ví dụ khiến ông Hà cảm thấy bất ngờ đó là trong buổi làm việc UBND thành phố Hà Nội gần như 100% đại biểu tham dự đồng thuận với việc mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.
Về các mức lấy phiếu tín nhiệm, theo đại biểu Chu Sơn Hà không nên để 3 mức chung chung như hiện nay. Do vậy, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề nghị đưa ra quy định 2 mức: tín nhiệm hay không tín nhiệm. Và chỉ cần căn cứ ở 2 mức này cũng có thể nhìn nhận được liệu đã đến “giới hạn” hay chưa.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) bày tỏ ý tán thành với dự thảo Nghị quyết sửa đổi đưa ra nhưng về lâu dài, việc lấy phiếu, bỏ phiếu vẫn phải đi theo xu hướng của thế giới là bỏ phiếu bất tín nhiệm với “tư lệnh” cơ quan điều hành khi có vấn đề.
Đồng ý sửa đổi Nghị quyết 35 nhưng nữ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp vẫn cương quyết đề xuất phải chỉnh mẫu thiết kế phiếu tín nhiệm chỉ để 2 mức “tín nhiệm” hoặc là “không tín nhiệm”. Giữ nguyên thiết kế theo 3 mức như vừa qua, bà Nga khái quát, khó “đọc” kết quả việc lấy phiếu khi ước lượng kiểu “ông A có số tín nhiệm cao thấp, bà B có số tín nhiệm thấp cao”. Kết quả đưa ra như vậy khó hiểu, khó định lượng và cũng khó so sánh.
Không chỉnh sửa được nữa thì cho nghỉ
Đại biểu Hà Hùng Cường (Quảng Bình) nhận xét quan điểm lấy phiếu tương đối hiền hòa, coi nó là bước đệm để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm nên có thể chấp nhận được. Chính phủ đã có văn bản đồng tình với cách đặt vấn đề như vậy. Sau này, nếu có luật về lấy phiếu thì các quy định cần xem xét theo hướng bền vững hơn.
Về hình thức thiết kế phiếu tín nhiệm, ông Cường đắn đo với quy định về hệ quả, người được lấy phiếu bị quá 2/3 cho đến 3/4 số phiếu đánh giá là tín nhiệm thấp thì sẽ phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm. Lật lại mục đích của lấy phiếu tín nhiệm là kênh để thăm dò, để cán bộ có thể tự nhìn lại bản thân, rút kinh nghiệm, phấn đấu thêm thì cần cân nhắc về hệ quả đặt ra.
“Cả 500 đại biểu chắc không đánh giá hết được công việc của từng người trong số các chức danh được lấy phiếu. So với mục đích đề ra cũng không hoàn toàn phù hợp vì liệu tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm ngay thì có cơ hội để người bị đánh giá tín nhiệm thấp được giải trình và có đảm bảo chuẩn bị được người thay thế ngay trong khi bắt buộc phải làm việc này trong kỳ họp đó” - ông Cường phân tích.
Tại đoàn đại biểu Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có ý kiến làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Theo Tổng Bí thư, thuật ngữ lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu có từ Nghị quyết Trung ương 4. Việc này với mong muốn thường xuyên có động tác cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa để cho mỗi cán bộ khi làm chức trách của mình thì tự soi, tự sửa là chính. “Khi đã đến lúc phải bỏ phiếu bất tín nhiệm là bước đường cùng. Anh không còn có thể chỉnh sửa được nữa thì thôi cho nghỉ”, Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công tác đánh giá cán bộ hàng nằm còn nhiều trường hợp rất hình thức, không thực chất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó vì còn nể nang không dám nói thật. Vì vậy, cuối năm khi bình bầu, hầu hết đảng viên đủ tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc, còn hầu hết tổ chức trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, mới cần lấy phiếu tín nhiệm và đây là kênh thăm dò tín nhiệm cán bộ, một bước để đi đến bỏ phiếu tín nhiệm.
Tổng Bí thư cũng giải thích rõ vì sao lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức. “Nếu lấy 2 mức, tức là đã bỏ phiếu tín nhiệm rồi, nghĩa là chấp nhận anh còn làm tiếp hay là thôi. Lấy phiếu tín nhiệm theo ba mức là tương đối co dãn để người được lấy biết được tín nhiệm ở mức nào trong đơn vị”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói…