Ra khỏi nhà tù Hỏa Lò đúng dịp Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cứ mỗi dịp Thu về, bác Tạ Quốc Bảo lại bồi hồi nhớ về những ngày tháng bị cầm tù nhưng luôn sôi sục tinh thần tranh đấu.
Với bác Tạ Quốc Bảo, cán bộ lão thành cách mạng, Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò, những ngày thu tháng 8 luôn gợi lại những ký ức không thể nào quên.
Sinh ra tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, T.P Hà Nội, từ năm 13 tuổi cậu bé Bảo đã được theo học thầy giáo Độ, là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngoài việc học chữ, Tạ Quốc Bảo và bạn bè còn được thầy dạy lòng yêu nước, thương dân, được tiếp xúc với tài liệu cách mạng như báo Cờ giải phóng, Cứu Quốc, được xem tài liệu bí mật ngay từ lúc còn là học trò.
Từ truyền thống gia đình, từ những lời thầy dạy, từ sách báo yêu nước, cậu bé Bảo đã sớm giác ngộ cách mạng, tự nguyện tham gia phong trào từ những những năm 1940. Tạ Quốc Bảo trở thành một liên lạc viên trẻ tuổi của vùng ATK, xứ ủy Bắc Kỳ phía Bắc Hà Nội tại vùng Vân Nội, Đông Anh.
Là liên lạc viên vận chuyển giấy tờ, thư từ, cậu bé Bảo thường phải hóa trang, lúc thì áo the khăn xếp, đống vai học trò nghèo, lúc thì quần nâu áo gụ như người lao động để dẫn đường cho cán bộ hoạt động, bố trí chỗ ăn, chỗ ngủ, giấu tài liệu trong đình làng, trong tượng Phật, treo cờ, rải truyền đơn chống Pháp, ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương, ủng hộ Việt Minh.
Trong một lần treo cờ, rải truyền đơn tại phiên chợ Cổ Loa, liên lạc viên Bảo đã bị theo dõi và bị mật thám bắt sau đó. Gắng sức chịu đòn, không hé răng nửa lời khai báo, quyết tâm giữ trọn khí tiết một “Việt Minh nhỏ tuổi” để bảo vệ đồng đội và cơ sở, cậu bé Bảo đã bị Tòa án Pháp xử án tù tại nhà tù Hỏa Lò - nơi giam giữ hàng nghìn chiến sĩ yêu nước, được ví là “địa ngục trần gian” giữa lòng Hà Nội.
Thời điểm đó, Tạ Quốc Bảo mới 16 tuổi, là người tù trẻ nhất trong nhà tù Hỏa Lò.
Vào tù, với tuổi nhỏ, kinh nghiệm sống và chiến đấu chưa nhiều, Tạ Quốc Bảo đã được các chiến sĩ cách mạng yêu nước rèn luyện, giáo dục và trưởng thành. Cuộc sống lao tù ở Hỏa Lò là trường học cộng sản vĩ đại giúp những chiến sĩ cộng sản thêm yêu nước vững vàng, thêm kinh nghiệm đấu tranh chống lại chế độ giam cầm hà khắc của thực dân Pháp.
Sau hơn 70 năm, bác Tạ Quốc Bảo vẫn lặng người khi nhớ lại lời của đồng chí Hoàng Văn Thụ đối với kẻ thù trước khi bị đem đi xử bắn: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi - những người mất nước và các ông - những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là điều dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ chiến thắng”. Bản lĩnh kiên cường, bất khuất của những người cộng sản chân chính đã để lại sự thương tiếc khôn nguôi và lòng kính phục mãi mãi.
Ở tù, càng bị kìm kẹp, những người chiến sĩ càng gần nhau hơn, yêu thương, chia sẻ cho nhau trong tình chân thành của người đồng chí, đồng đội. Bác Bảo chia sẻ, đây là những bài học tình cảm quý giá giúp bác trên bước đường công tác sau này.
Sau khi ra tù, theo sự phân công của tổ chức, Tạ Quốc Bảo tiếp tục tham gia phong trào khởi nghĩa và kháng chiến tại Bắc Ninh. 9 năm chống Pháp, bác Bảo công tác ở vùng tạm chiến Thuận Thành, từng làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hoạt động ngay trong lòng địch. Sau năm 1954, bác tiếp tục tham gia công tác tại Liên khu Việt Bắc, rồi sau đó là Bộ Nội vụ…
Đến nay, khi gần 90 tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng, bác Bảo vẫn rất minh mẫn, hoạt động tích cực, năng nổ trong vai trò là Trưởng ban liên lạc với những cựu tù chính trị từng bị giam giữ tại Hỏa Lò. Bác dành riêng một căn phòng nhỏ tại gia đình đặt tên là “Phòng lưu niệm”. Quanh 4 bức tường lưu giữ hàng trăm hình ảnh và những kỷ vật gắn bó với cuộc đời kháng chiến để nhớ về ký ức của một thời tuổi trẻ, một thời hoạt động “máu lửa”, sống và chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.