Về mái trường Dục Thanh hôm nay

16:07, 09/11/2014

May mắn trong một chuyến công tác dịp cuối tháng 10 vừa qua, tôi được đến thăm Trường Dục Thanh - Ngôi trường mà Thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Bác Hồ lúc 20 tuổi) đã dừng chân dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước.

Nằm trong quần thể Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh tỉnh Bình Thuận, Trường Dục Thanh không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa lớn của tỉnh mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng đối với cán bộ, nhân dân trong tỉnh Bình Thuận nói riêng và đồng bào cả nước. Những ngày này, sắp tới kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, rất đông thầy, trò trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng như du khách trong và ngoài nước đến thăm Trường. Mặc dù đã được tiếp cận với mái trường Dục Thanh trên sử sách, song được "mục sở thị" khu di tích, các thành viên trong đoàn công tác của chúng tôi không ngăn nổi những cảm xúc dâng trào.

 

 

 

Trường Dục Thanh do các sỹ phu yêu nước thành lập vào năm 1907, nép mình bên con sông Cà Ty hiền hoà ở làng Thành Đức (nay là số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) để ủng hộ phong trào Duy Tân. Dục Thanh ở đây là Giáo dục Thanh niên. Vào năm 1910, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã dừng chân và tham gia giảng dạy tại đây. Thầy Thành là thầy giáo trẻ nhất (20 tuổi), dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn, kiêm nhiệm môn thể dục; ngoài ra Thầy nhận dạy tiếng Pháp khi cần. Đặc biệt, Thầy còn truyền bá cho học sinh lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên qua việc hướng dẫn các em đi thăm những cảnh đẹp ở nơi đây.

 

Chúng tôi cảm thấy thật ấm áp khi bước vào lớp học nơi Bác Hồ dừng chân dạy học năm xưa. Lớp học với mái ngói rêu phong được bao bọc bởi bốn bức tường gỗ giản dị. Phía dưới phòng học là 21 bộ bàn ghế của học sinh được bố trí thành ba dãy ngăn nắp. Phía trên lớp học là hai chiếc bảng đen và bộ bàn ghế của giáo viên, nơi Bác ngồi giảng bài. Ngắm nhìn những kỷ vật được lưu giữ tại Trường như: Bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân, tráp văn thư, nghiên mài mực, những chiếc ly nhỏ, cái khay... chúng tôi cảm giác như còn đâu đây bóng hình của Bác, như vẫn thấy hình ảnh người thầy giáo có dáng người thanh thanh, tóc hớt ngắn, vầng trán cao, nét mặt tươi cười, đôi mắt long lanh đang dạy chúng ta bài học về tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người.


 Phía bên phải phòng học là Nhà Ngư (nơi để các ngư cụ của gia đình cụ Nguyễn Thông, xây dựng năm 1906) và từ năm 1908 trở đi dùng làm nơi nội trú của thầy giáo và học sinh nhà trường. Phía sau phòng học và Nhà Ngư là Ngọa Du Sào - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đọc sách báo, soạn bài khi dạy học ở Trường. Sau Ngọa Du Sào là giếng nước mát lịm cùng vườn cây xanh tươi hoa lá... Trong vườn có cây khế gia đình cụ Nguyễn Thông trồng cách đây hơn 100 năm. Thời gian dạy học ở Trường, thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường tưới nước chăm sóc cây khế này, nên người dân nơi đây thường gọi là Cây khế Dục Thanh, Cây khế Bác Hồ như là sự biết ơn và trân trọng Người cùng ngôi trường lịch sử này. Cây khế có hương vị đặc biệt “Chua nơi đầu lưỡi nhưng ngọt tận đáy lòng” như hướng dẫn viên Văn Thị Hồng Hưng chia sẻ với chúng tôi.


Bác Hồ đến ngôi trường Dục Thanh cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1910. Đây là một trong những điểm dừng chân sau khi Người rời Trường Quốc học Huế vào Bình Định, Phan Rang, rồi vào Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận. Khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến dạy học, lúc đông nhất Trường Dục Thanh có khoảng sáu mươi học sinh các lớp tư, ba, nhì, nhất và bảy thầy giáo giảng dạy các môn: Hán văn, Pháp văn, Quốc văn. Tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn, rồi sau đó Người xuống Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.


Bên cạnh khu Di tích Trường Dục Thanh (đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1986) là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận. Khu bảo tàng này hiện trưng bày trên 890 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích Trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ tổ chức các hoạt động dã ngoại nhằm giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đến khu di tích này, các em sẽ được thấy, được nghe, hiểu hơn về ngôi trường Dục Thanh và những năm tháng Bác Hồ dạy học ở Trường cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại khuôn viên trường Dục Thanh.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại khuôn viên trường Dục Thanh.


Đến thăm khu di tích Dục Thanh hôm nay, chúng tôi như được gặp Bác, văng vẳng đâu đây lời dạy của Bác trong những tháng Người dừng chân ở ngôi trường này. Cảm xúc dâng trào khi được ngồi vào những dãy bàn ghế trong lớp học của mái trường đã đi vào lịch sử của dân tộc, nghe hướng dẫn viên Văn Thị Hồng Hưng kể về ngôi Trường Dục Thanh và chặng đường lịch sử trong “buổi bình minh” trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Vâng! Bác không ở đâu xa. Người vẫn là thầy giáo Nguyễn Tất Thành của Trường Dục Thanh. Bác vẫn đang dạy chúng ta về tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người, về trách nhiệm đối với nòi giống tổ tiên. Bác mãi là thầy giáo Nguyễn Tất Thành của Trường Dục Thanh, là vị lãnh tụ kính yêu và là người cha trong tim mỗi người dân đất Việt.