"Ba không" và hành trình bài trừ cái xấu (Kỳ II)

15:03, 14/10/2016

Trước thực tế các tổ chức bất hợp pháp hoạt động ngày càng tinh vi, công khai, trong khi nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế, dễ bị lôi kéo, Thái Nguyên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần cao nhất. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực tổ chức lực lượng bám sát địa bàn, tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện “ba không”: không tin, không nghe, không theo kẻ xấu. Đồng thời, có hành động cương quyết đối với những luận điệu, việc làm sai trái, nhảm nhí của các tổ chức bất hợp pháp, từ đó loại dần chúng ra khỏi cộng đồng, đem lại lòng tin và cuộc sống ổn định cho đồng bào.

Không tin, không nghe, không theo kẻ xấu 

 

Gây dựng hạt nhân cơ sở

 

Trong khu Lân Thùng thuộc xóm Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai), tỷ lệ đồng bào dân tộc Mông sinh sống chiếm đa số. Theo nắm bắt của chính quyền địa phương, tại đây có thời điểm tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (DVM) đã dụ dỗ, lôi kéo tới 18 hộ dân tộc Mông đi theo. Do tổ chức DVM tự lập ra “quy ước” với những người đi theo rằng, mọi cán bộ Nhà nước vào thôn, bản phải trình báo, việc tiếp xúc gặp gỡ người lạ phải được sự đồng ý của chúng, nên tiếp cận với đồng bào để tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc gây dựng chính những hạt nhân là người trong bản, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bà con sẽ dễ tiếp cận để tuyên truyền, vận động hơn. Người được nhận trách nhiệm thuyết phục đồng bào không tin, không nghe, không theo DVM chính là Trưởng khu Lân Thùng, ông Ngô Văn Sinh, người có uy tín trong cộng đồng.

 

Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, ông Sinh bảo: “Bà con người Mông ở đây không hiểu nhiều pháp luật nên dễ bị kẻ xấu lôi kéo. Khi tổ chức DVM về đây dụ dỗ đã có nhiều hộ nhẹ dạ tin theo, bỏ cả việc đi lân, đi bãi trồng ngô đấy”. Nói về vấn đề này, Bí thư Chi bộ Đồng Dong, ông Hoàng Xuân Đích chia sẻ thêm: Thấy được sự nhảm nhí, phản động của tổ chức DVM, Chi bộ đã phân công đảng viên vào nằm vùng trong Lân Thùng, cùng với Trưởng khu Ngô Văn Sinh đi từng nhà vận động, thuyết phục, giải thích. Sau nhiều lần kiên trì vận động, một số hộ ở đây đã nghe ra và không theo nữa. Hiện những hộ này cũng là những tuyên truyền viên tích cực của bản. 

 

Lân Quan là bản người Mông di cư ở Cao Bằng về xã Tân Long (Đồng Hỷ) sinh sống từ năm 1980. Cả bản hiện có 93 hộ dân, đời sống tuy còn gặp nhiều khó khăn, song đồng bào luôn đoàn kết, một lòng theo Đảng, không mê tín dị đoan, không làm trái pháp luật. Theo Trưởng bản Trần Văn Hồ, tổ chức DVM đã một số lần cho người đến dụ dỗ bà con đi theo nhưng đều bị phát hiện và tẩy chay ngay từ đầu nên chúng không thể lôi kéo được ai. Được biết, Trưởng bản Trần Văn Hồ là đảng viên gương mẫu, có trình độ, nhận thức tốt nên ông thường xuyên vận động bà con đề cao cảnh giác với người lạ, không tin, không nghe bất cứ lời dụ dỗ nào, nhất là những lời kích động nói xấu chế độ, chống phá chính quyền Nhà nước. Anh Đào Văn Trang, một người dân trong bản tâm sự: Mình đã từng bị dụ dỗ theo DVM nhưng khi biết chuyện, Trưởng bản và một số già làng đã ngăn cản và chỉ cho thấy tổ chức này chỉ lừa bịp đồng bào thôi, hơn nữa lại không được Nhà nước ta công nhận.

 

Bà Đỗ Thị Vị, ngoài 70 tuổi ở xóm Thanh Xuyên 4, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) cách đây mấy năm cũng từng bị dụ dỗ đi theo các tổ chức lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động trái phép. Bà Vị kể: Tôi tuổi đã cao, lại là người tín tâm, nên khoảng tháng 8-2012, khi được một số người giới thiệu đi đền ở Hà Nội, tôi theo ngay. Khi xuống tận nơi, tôi mới vỡ lẽ hoạt động này của một vài cá nhân lập ra, thực chất không phải là thờ cúng bình thường mà là mê tín dị đoan. Tôi nhận thấy, việc chỉ uống nước đun sôi để nguội mà chữa bách bệnh là phi lý, phản khoa học. Đã nhiều lần tôi bị mọi người lôi kéo theo các tổ chức này nhưng nhất quyết không tham gia. Khi chính quyền địa phương vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện “ba không”, bà Vị là một trong những người tích cực hợp tác cùng khuyên bảo mọi người cảnh giác, can ngăn những trường hợp mê muội, nhẹ dạ cả tin.

 

Từng bước loại bỏ cái xấu

 

Sự xuất hiện của các tổ chức bất hợp pháp đội lốt tôn giáo, tín ngưỡng đã được Ban chỉ đạo 94 (chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa) của tỉnh nhận diện, có biện pháp đấu tranh loại trừ. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được đặc biệt chú trọng, triển khai rộng khắp đến các chi bộ cơ sở, tới từng đảng viên và quần chúng nhân dân. Bản chất phản động và những luận điệu, hành vi sai trái của các tổ chức bất hợp pháp đã được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ rõ, phổ biến rộng rãi để toàn dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh hiểu rõ để không tin theo.

 

Việc xây nhà đòn ở một số bản người Mông theo xúi giục của tổ chức DVM là trái pháp luật. Chính quyền cơ sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, phân tích và ra sức ngăn chặn, song thời gian đầu luôn vấp phải sự bất hợp tác của những người theo DVM. Có thời điểm, ở xóm Kim Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai), khi chính quyền lập biên bản đình chỉ xây dựng nhà đòn, những người theo DVM không ký vào biên bản làm việc, đồng thời tuyên bố vẫn tiếp tục xây dựng. Mặt khác, sẽ không tham gia họp xóm khi được thông báo, không nhận giấy mời họp của UBND xã, không tham gia Đại hội Thể dục thể thao xã. Trong khi ở khu vực Làng Ươm, xã Dân Tiến (Võ Nhai), ngoài việc không ký vào biên bản, những người theo DVM còn lén lút tiếp tục xây dựng nhà đòn. Đặc biệt ở một số nơi còn tuyên bố sẽ không đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là phản ứng có sự giật dây của tổ chức DVM nhằm gây áp lực với chính quyền.

 

Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thành lập nhiều tổ công tác chuyên trách, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên phối hợp, bám sát địa bàn vừa nắm thông tin vừa tuyên truyền vận động đồng bào. Huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, hàng tháng tổ chức các đoàn công tác của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… trực tiếp đến các hộ dân nắm bắt tình hình, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó tổ chức đối thoại, vận động bà con không theo kẻ xấu. Mặt khác, tích cực thăm hỏi tình hình sản xuất, phổ biến kỹ thuật nông nghiệp, thực hiện cung ứng, hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong sản xuất cho bà con. Thông qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời tích cực và cương quyết ngăn chặn việc xây dựng trái phép nhà đòn.

 

Qua đó, đến nay hầu hết các nhà đòn đã không phát sinh xây dựng, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Mông ở các bản làng tin và nghe theo tổ chức bất hợp pháp DVM giảm đáng kể. Nhiều người dân tộc Mông đã nhận ra những sai trái, hoang đường của tổ chức DVM, từ đó quay trở lại với nếp sống  văn hóa lành mạnh và phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình. Bà con không bỏ nương, bỏ rẫy, bỏ chăn nuôi, không chểnh mảng việc nhà và tham gia đầy đủ các hoạt động của chính quyền cơ sở. Tại cuộc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2020 vừa qua, thông tin từ Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh cho thấy, do tuyên truyền vận động tốt, gần 100% đồng bào dân tộc Mông trong tỉnh đã tích cực tham gia bỏ phiếu, thể hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình.

 

Hoạt động của các tổ chức lợi dụng tín ngưỡng tuy không quá phức tạp như tổ chưc DVM, song do đánh vào tâm lý của người nghèo có bệnh tật nên cũng không dễ tuyên truyền, vận động. Hơn nữa, hoạt động của các tổ chức này thường lén lút, trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, các hộ tin theo thường bất hợp tác. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thành lập các ban vận động, một mặt kiên trì xuống từng nhà thuyết phục, mặt khác thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của từng thôn, xóm những quy định của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Sau một thời gian kiên trì vận động, thuyết phục, tỷ lệ những người theo tổ chức này giảm hẳn, đến nay gần như không còn. Tại xã Linh Thông (Định Hóa), nơi có nhiều người theo nhất huyện, hiện tại các hộ theo tổ chức này đã trở về với cuộc sống bình thường.

 

Cuộc sống bình yên dần trở lại

 

Ông Lý Văn Sầu, dân tộc Mông, trú tại khu Lân Thùng, xóm Đồng Dong, xã Phương Giao chia sẻ: May nhờ cán bộ chỉ cho biết DVM là phản động, là hoang đường nên mình và gia đình, anh em họ hàng đã không nghe theo. Trước đây gia đình có đất ở lân nhưng chỉ trồng ngô truyền thống thôi, nên cuộc sống cũng bấp bênh, bữa no, bữa đói. Được cán bộ khuyến nông đến tận nơi hướng dẫn và cấp giống ngô mới năng suất hơn nên thu hoạch tốt lắm. Hơn nữa, gia đình lại được vay vốn ngân hàng để trồng cây ăn quả nữa, cuộc sống khá hơn nhiều.

 

Bày tỏ suy nghĩ của mình, ông Lý Văn Khình, dân tộc Mông ở bản Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai), người từng là hàng xóm với DVM ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) bảo: Tổ chức của DVM không tốt, không mang lợi ích cho người dân, chỉ toàn lừa bịp. Ai cũng biết không làm thì lấy gì ăn, không học thì làm sao biết chữ. Người Mông có được cuộc sống như ngày hôm nay là do chịu khó lao động, lại được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều. Tôi và gia đình quyết không theo DVM. Còn ông Ma Đình Khu, xóm Làng Quyền, xã Lam Vỹ (Định Hóa) cho rằng, thực chất của các tổ chức lợi dụng tín ngưỡng là lừa bịp, đi ngược lại những nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc. Khi được tuyên truyền, hiểu ra bản chất người dân chúng tôi đã hoàn toàn tẩy chay chúng. Từ đó đến nay, bà con sống thanh thản, chí thú làm ăn, quan tâm đùm bọc lẫn nhau, sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

 

Kết quả trên có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, linh hoạt của cấp ủy đảng các cấp, sự vào cuộc tích cực, khéo léo và cương quyết của chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, cùng sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, hiểu biết và hành động của đồng bào trước kẻ xấu, cái xấu, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh còn quan tâm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống đồng bào. Mấy năm vừa qua, tỉnh ta đã hoàn thành giai đoạn 1 Đề án 2037 về “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”. Kết quả, đã hoàn thành bê tông hóa 15 tuyến đường lên xóm, bản đặc biệt khó khăn nơi có nhiều đồng bào Mông sinh sống; đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ giống, phân bón cho bà con; tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt đồng bào; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà đồng bào trong các dịp lễ tết; tổ chức và cùng chung vui với bà con trong các ngày đại đoàn kết, văn hóa, thể dục thể thao... Đặc biệt, hiện nay tỉnh ta đang triển khai xây dựng Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 với nguồn vốn đầu tư lên tới trên 7.400 tỷ đồng…