Để củng cố niềm tin của dân với Đảng

16:26, 18/10/2016

 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng vừa qua đã bàn sâu vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Điều đó cho thấy tình trạng này đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Mặc dù chúng ta đã thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" nhưng kết quả chưa được như mong muốn.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không phải bây giờ mới đặt ra mà Đảng ta đã nói đến từ rất sớm khi tiến hành công cuộc đổi mới. Từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII (6/1992), Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (năm 1999), Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (1/2012) đã đề cập đến vấn đề này. Hội nghị lần này, Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng.

 

Nhiều đại biểu khẳng định, sở dĩ có tình trạng trên là do bản thân cán bộ, đảng viên ít chịu tu dưỡng, rèn luyện nên dễ dẫn tới sa ngã, thay đổi trong nhận thức tư tưởng và cả trong đạo đức lối sống. Bên cạnh đó, việc giáo dục cán bộ, đảng viên mặc dù đã được chú ý nhưng cũng chưa đến nơi, đến chốn. Kỷ luật của Đảng thời gian qua có phần chưa nghiêm, thậm chí có lúc buông lỏng, nên có cơ sở tê liệt sức chiến đấu. Bởi vậy, việc siết chặt kỷ luật Đảng, siết chặt pháp luật Nhà nước trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết; nếu không sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng phóng túng, coi thường pháp luật. Một nguyên nhân quan trọng nữa được chỉ ra, đó là sự tác động từ bên ngoài, trong khi cán bộ đảng viên chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ những điều kiện cần thiết để tự “đề kháng” những tác động tiêu cực đó.

 

Nhìn lại những vụ việc điển hình thời gian qua về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ như vụ việc Trịnh Xuân Thanh cũng không tách khỏi những nguyên nhân căn bản nêu trên. Chúng ta đã trao cho họ quá nhiều quyền và khối lượng tài sản, của cải vật chất trong khi chưa có cơ chế kiểm soát tốt nên dẫn tới thất thoát, tham nhũng; khi phát hiện sai phạm thì việc xử lý cũng chưa kịp thời. Không chỉ ở tỉnh Hậu Giang, mà một số địa phương trong nước vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, để Trung ương phải chỉ đạo trực tiếp giải quyết.

 

Đảng ta có hai nguyên tắc trong sinh hoạt hết sức được coi trọng, đó là nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc phê bình, tự phê bình trong Đảng. Đây chính là động lực, là giải pháp làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Phê bình và tự phê bình giúp nhau thấy những mặt tích cực, những mặt còn hạn chế để sửa chữa. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng.

 

Về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Trung ương thống nhất phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm: Về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Trong 4 nhiệm vụ, giải pháp nêu trên thì giải pháp giám sát của nhân dân cần coi trọng. Chúng ta có thể nhận thấy, thời gian vừa qua, vai trò giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể đối với cán bộ đảng viên hiệu quả chưa cao. Nhân dân biết rõ những cán bộ đảng viên nào tốt, xấu, tham nhũng hay không tham nhũng, có vun vén gia đình không, lối sống thế nào…Vì vậy, việc phát huy được vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ đảng viên, nhất là người có chức có quyền là hết sức quan trọng.

 

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII lần này, dưới sự chỉ đạo của Đảng, các cấp, các ngành chức năng cần nghiên cứu kỹ, đưa ra cơ chế kiểm soát quyền lực khả thi, hoàn thiện thể chế để chống sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên. Để củng cố niềm tin của dân với Đảng, khi đã xác định cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất thì phải chỉ rõ địa chỉ, ở bộ phận nào, ở cấp nào. Và khi đã xác định rõ địa chỉ thì phải quy trách nhiệm đến cùng; phải chỉ rõ tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm chứ không thể nói chung chung.

 

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Lúc này, hơn bao giờ hết, cấp ủy các cấp, mỗi đảng viên cần phát huy tinh thần cao độ cách mạng, truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân.