Trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, công tác dân vận có phương thức, nội dung khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận,tháng 10-1999, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là “Ngày Dân vận Việt Nam”.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đặt công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Đảng với nhân dân, tạo thành sức mạnh to lớn chiến thắng kẻ thù, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
86 năm qua, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng thực hiện và đã đạt được những thành tựu to lớn. Công tác dân vận đã góp phần đoàn kết rộng rãi mọi giai cấp, mọi tầng lớp, cá nhân yêu nước chĩa mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chung là thực dân, đế quốc và phong kiến để giành độc lập, tự do cho dân tộc, đưa đất nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Hòa cùng dòng chảy của lịch sử, ngành Dân vận của tỉnh Thái Nguyên cũng không ngừng trưởng thành và phát triển. Trước nhu cầu đòi hỏi của cách mạng, năm 1948, Tỉnh ủy đã quyết định thành lập các ban chuyên môn giúp việc, trong đó có Ban Dân vận Tỉnh ủy. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng cũng như công tác dân vận ở Thái Nguyên.
Ngay sau khi ra đời, Ban Dân vận của Đảng bộ tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy đẩy mạnh công tác vận động lực lượng toàn dân đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong suốt 30 năm của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, bằng niềm tin và sức mạnh của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân..." để phát huy tới mức cao nhất về lực lượng, trí tuệ và của cải tạo thành sức mạnh tổng hợp góp phần hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, công tác dân vận đã không ngừng đổi mới để phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và của tỉnh, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, hệ thống dân vận, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tập hợp quần chúng vào tổ chức và hướng dẫn quần chúng hành động cách mạng một cách thiết thực.
Để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về công tác dân vận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cho ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020” và Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2016-2019”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về công tác tôn giáo. Đây là những văn bản có ý nghĩa kim chỉ nam cho công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp uỷ thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, công tác dân vận của toàn Đảng bộ đã có sự chuyển biến quan trọng. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được nâng lên rõ rệt. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được quan tâm, thực hiện; ý thức, trách nhiệm, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực; công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh; chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở từng bước được nâng cao. Công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo được quan tâm. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 7.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có sức lan tỏa mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại lợi ích thiết thực, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Kế thừa truyền thống quý báu và thành tựu đạt được trong 86 năm qua, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận, trong thời gian tới, hệ thống dân vận của tỉnh cần làm tốt một số nhiệm vụ: Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về công tác dân vận, từ đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình hiện nay; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 393-QĐ/TU ngày 27-6-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh”. Tập trung triển khai, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 về công tác dân vận, đặc biệt là các đề án, nghị quyết, quyết định về công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận, thường xuyên hướng về cơ sở, bám sát địa bàn hoạt động; tập trung chỉ đạo thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, coi đây là mũi nhọn đột phá trong công tác dân vận của nhiệm kỳ; nắm chắc, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất, những bức xúc của nhân dân với cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo giải quyết nhằm tạo sự đồng thuận cao vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân vận của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp theo hướng đáp ứng yêu cầu về trình độ lý luận, năng lực thực tiễn và kỹ năng công tác vận động nhân dân. Tập trung đẩy mạnh công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo; phát huy tốt mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân để kịp thời phòng, chống âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và chống Đảng, Nhà nước ta. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách đức Hồ Chí Minh. Phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.