Tháng Năm về Bảo Linh

09:15, 13/05/2017

Tháng Năm, chúng tôi ngược đường về Bảo Linh, ATK Định Hoá. Mảnh đất “bí mật, gần dân, tiện đường” này đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Niềm tin vào Đảng của đồng bào nơi đây vẫn vẹn nguyên như 70 năm về trước, chỉ có tư duy trong phát triển kinh tế là đã đổi mới hơn xưa.  

Về Bảo Linh, địa điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm quan là di tích đồn Đỏn Mỵ thuộc xóm Bảo Biên. Đây là nơi Tổng quân ủy, Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Tư lệnh quân đội Nhân dân Việt Nam đặt cơ quan, sở chỉ huy cơ bản; nơi Đại tướng Võ Nguyên giáp, Bí thư Tổng quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội đã ở và làm việc trong những năm 1949 đến 1953 để chỉ đạo các lực lượng vũ trang nhân dân trên các chiến trường toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Ông Ma Hữu Thành, 79 tuổi, người từng được phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tư lệnh nhớ lại: Năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh chuyển về đây, lúc đó ông mới 10 tuổi, được giao nhiệm vụ làm liên lạc và cảnh giới cho nhiều cuộc họp. Địa điểm họp thường trên đồi Đỏn Mỵ hoặc nhà dân. Bà con dân bản vui mừng lắm khi thấy bộ đội về đóng quân. Có củ khoai, củ sắn cũng mang lên cho bộ đội. 70 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn vẹn nguyên trong tâm trí rất nhiều người.

 

Bảo Biên giờ đã khác xưa nhiều lắm. Rõ nét nhất là đường trong xóm đã được bê tông sạch, đẹp. Xóm có nhà văn hoá khang trang phục vụ sinh hoạt cho bà con, có mương nước dẫn vào tận ruộng để tưới tiêu cho cây trồng và có điểm trường để đường đến lớp của các cháu bớt xa xôi. Trưởng xóm Bảo Biên, ông Nguyễn Văn Kháng bảo: Xóm có 65 hộ, 280 khẩu, cuộc sống chủ yếu dựa vào 18ha lúa và 15ha rừng, 6ha chè... Những năm gần đây, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, cơ giới hoá vào sản xuất. Một số ngành nghề được bà con mở rộng phát triển như chăn nuôi, chế biến lâm sản, dệt mành cọ nhằm tăng thu nhập. Trong xóm xuất hiện các mô hình kinh tế thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Phát huy truyền thống cách mạng, bà con trong xóm luôn bảo nhau đoàn kết, giữ gìn các giá trị văn hoá. Hiện xóm chỉ còn 16/65 hộ nghèo, hàng năm xóm đều đạt danh hiệu “Làng văn hoá”.

 

Rời Bảo Biên, chúng tôi đến với hai xóm có đồng bào dân tộc Mông sinh sống là A Nhì 1, A Nhì 2. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi A Nhì 1, A Nhì 2 đã trở thành những xóm có kinh tế khá, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Cùng với  A Nhì 1, A Nhì 2, một số xóm, bản trước đây còn nhiều khó khăn như Khuổi Chao, Đèo Muồng nay cũng đã thay da đổi thịt. Trong những nếp nhà mới đã đầy đủ tiện nghi hơn, nhiều gia đình mua được ô tô làm phương tiện vận chuyển và đi lại.

 

Đồng chí Ma Khánh Tập, Chủ tịch UBND xã Bảo Linh phấn khởi thông tin: Bảo Linh có 635 hộ dân với hơn 2.400 nhân khẩu, sinh sống tại 11 xóm, chủ yếu là người dân tộc Tày. Được sự quan tâm của các cấp, sự nỗ lực của bà con nhân dân, đến nay Bảo Linh đã có 90% đường bê tông về xóm, 100% xóm có nhà văn hoá đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho bà con. Trường tiểu học, mầm non, trạm y tế xã đã đạt chuẩn. Riêng Trường THCS Bảo Linh, năm 2016 được huyện và Bộ Tư lệnh đầu tư trên 10 tỷ đồng để xây mới. Nhà trường đang phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia trong năm nay. Xác định rõ những khó khăn, thế mạnh của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tận dụng diện tích đồi rừng, bà con phát triển chăn  nuôi trong đó tập trung vào chăn gà, lợn, dê. Với hơn 80ha diện tích mặt nước, mô hình nuôi cá diêu hồng đang được triển khai tại xã hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập, mở ra hướng đi mới cho bà con. Hiện nay xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới.

 

Những ngày này, cùng với đồng bào các dân tộc trong huyện Định Hóa, người dân Bảo Linh đang náo nức thi đua lao động sản xuất chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (20/5/1947 - 20/5/2017).