Tháng Hai bất khuất

14:15, 15/02/2019

Cách đây 40 năm, rạng sáng ngày 17/2/1979, 600 nghìn quân Trung Quốc tràn sang tấn công xâm chiếm toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Tại các đồn biên phòng, tiếng súng chống lại quân địch lập tức vang rền không khoan nhượng, báo hiệu cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương bắt đầu.

Là người lính dạn dày trận mạc trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hòa bình lập lại, Đại tá Đinh Văn Quốc về công tác ở Quân khu 1 rồi tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới khi xung đột xảy ra. Ông hồi tưởng: “Thời điểm đó, tôi là trợ lý tác chiến của quân khu, trực tiếp giúp việc cho Tư lệnh Đàm Quang Trung. Khi trận chiến xảy ra, lực lượng quân nhân của Thái Nguyên chủ yếu được điều động lên chiếm lĩnh trận địa ở Lạng Sơn. Ngày 19/02/1979, tôi nhận nhiệm vụ từ Tư lệnh Quân khu 1 là đặc phái viên đốc chiến, đưa Trung đoàn 197 đang đóng ở Võ Nhai lên chốt chặn tuyến đường 1B tại huyện Văn Quan (Lạng Sơn), rồi tiếp tục di chuyển lên Bắc cầu Khánh Khê, đứng phía sau của Sư đoàn 3. Đơn vị giao tranh trực diện với giặc trong 3 ngày liên tục, một số đồng chí hy sinh vì trúng pháo. Tuy phần lớn chiến sĩ là tân binh, mới được huấn luyện nhưng đều giữ vững ý chí và chiến đấu rất kiên cường.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa Trung đoàn 197 lên Lạng Sơn, ông Quốc trở về Quân khu 1 rồi tiếp tục cùng đoàn công tác của đơn vị đi dọc tuyến biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh, qua Lạng Sơn rồi Cao Bằng. “Tình hình giao tranh rất khốc liệt, thương vong khá nhiều nhưng các đơn vị đều kiên cường giữ vững trận địa, bảo vệ từng tấc đất biên thùy” - Ông Quốc kể. Sự khốc liệt đó cũng hằn nguyên trong ký ức của người lính trinh sát Trần Văn Long (hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên). Ông Long kể: Tôi tham gia trận chiến từ những ngày đầu, thuộc Trung đoàn 677 đóng quân tại huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. 3 giờ sáng ngày 17/02/1979, khi bắt đầu có những loạt pháo từ phía biên giới vang lên thì toàn đơn vị được lệnh báo động, tôi và một đồng đội là Tống Công Ca vừa kịp nhảy xuống hầm cá nhân thì pháo địch nã tới. Tiếng nổ đinh tai nhức óc. Một lúc sau ngẩng mặt lên được tất cả cây cối xung quanh đều đã bị pháo bạt hết cả.

Là lính trinh sát nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, ông Long chia sẻ  kỷ niệm đáng nhớ của mình trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Một lần, tôi cùng đồng đội làm nhiệm vụ dò đường thì phát hiện trong hang đá có khoảng 30 thương binh nặng cùng với một y sĩ, một bộ đội. Để không bị địch phát hiện, họ phá cầu thang và ẩn náu phía trên cao của hang. Trốn được địch, nhưng có người vết thương đã bị hoại tử, phải tháo khớp. Chúng tôi lấy chính thân mình làm “cầu thang” để dìu các thương binh di chuyển xuống. Năm 2016, tỉnh Bắc Kạn kỷ niệm 40 năm thành lập Trung đoàn 677, tôi được mời dự và kể lại một số kỷ niệm. Ngay sau khi dời bục phát biểu, có một đồng chí đến ôm chầm lấy tôi, thì ra đó chính là người y sĩ năm xưa ở trong hang cùng với các thương binh, giờ đã là lãnh đạo của bệnh viện cấp tỉnh.

Cuộc xung đột toàn diện diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng việc đóng chốt ở các điểm cao để bảo vệ biên giới là nhiệm vụ trọng yếu của các đơn vị bộ đội nhiều năm sau đó. Ông Dương Anh Tuyên, Chủ tịch UBND xã Thành Công (T.X Phổ Yên) từng là lính của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 246 ở điểm cao 715 giáp biên giới thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 1981-1984. Ông hồi tưởng: Thời điểm đó vẫn còn giao tranh giữa hai bên, gồm cả súng bắn tỉa và đạn pháo. Một số chiến sĩ bị thương và hy sinh do vướng phải bãi mìn của địch để lại. Vì ở chốt tiền tiêu nên công tác hậu cần gặp nhiều khó khăn. Để lấy được một can nước chúng tôi phải đi mất nửa ngày, bám thang dây bước lên từng bậc đá, thiếu cả rau xanh và nhất là sách báo. Anh em trong đơn vị bảo nhau chỉ mong được nghe một tiếng nói của con trẻ, nhìn thấy bước chân chúng tới trường. Vậy nên những là thư động viên ở phương xa gửi tới có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn…

40 năm là khoảng thời gian đủ dài để một đứa trẻ khi ấy mới ra đời nay trở thành trung niên. Thời gian giúp nguôi ngoai phần nào đau thương mất mát, hòa bình biên giới lập lại và tình hữu nghị giữa 2 nước ngày càng phát triển. Ông Dương Anh Tuyên còn lưu giữ rất cẩn thận nhiều kỷ vật về cuộc chiến. Đó là chai nước lấy từ suối Lê Nin, phiến đá trên điểm cao 715 và đặc biệt là những bức thư của các em học sinh động viên cán bộ, chiến sĩ trực chốt ở bên giới từ năm 1983. Ông bảo: Biên cương Tổ quốc có ý nghĩa thiêng liêng. Dù làm nhiệm vụ ở đó không lâu nhưng tôi gắn bó như máu thịt. Nhiều lần tôi tự mình đi xe máy về thăm chiến trường xưa, bà con hễ có công việc gì thông tin là tôi lại  trí công về đề tìm về…”