Trong những tháng vừa qua, chúng ta được tiếp cận thường xuyên và khá nhiều dự thảo báo cáo chính trị (BCCT) của cấp ủy từ chi bộ đến đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều dự thảo được cung cấp để làm tài liệu viết bài tuyên truyền; cũng có dự thảo đề nghị góp ý với tư cách người làm báo hoặc đảng viên sinh hoạt tại tổ chức đảng. Với ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn là góp ý xây dựng báo cáo chính trị, nghị quyết của Đảng, chúng tôi xin có vài suy nghĩ như sau để bạn đọc tham khảo.
Lâu nay chúng ta luôn quan tâm đến việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Thông qua tuyên truyền đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, tạo phong trào thi đua sâu rộng và thiết thực. Với lĩnh vực báo chí, không ít tòa soạn tổ chức thành cuộc thi, sơ kết hằng năm, tổng kết vào cuối nhiệm kỳ về tuyên truyền “đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Lĩnh vực tuyên giáo coi đó là thước đo hiệu quả công tác tuyên truyền… Còn góp ý kiến, kiến nghị để trước và trong đại hội đưa được cuộc sống vào nghị quyết thì chỉ dịp này.
Qua tiếp cận nghiên cứu, kết cấu chung của dự thảo BCCT có cùng một khuôn mẫu gồm 2 phần. Phần thứ nhất: Đánh giá 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội, trong đó nêu kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Phần thứ hai là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ tiếp theo với các nội dung: Mục tiêu tổng quát; các chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên các lĩnh vực đã nêu ở trên. Phần cuối là tổ chức thực hiện. Dung lượng của mỗi báo cáo chính trị thường từ 25 đến 30 trang không kể phụ lục kèm theo. Có thể nói, đó chính là “cuộc sống” - cả thực tại và tương lai đã được phản ánh trong dự thảo BCCT. Nhưng dù thế nào dự thảo BCCT vẫn là sản phẩm của một tập thể, nhóm người (tiểu ban văn kiện, ban chấp hành…). Hơn nữa, văn kiện của Đảng là một văn bản cô đúc, đòi hỏi ngắn gọn, dễ hiểu nên không thể đưa đầy đủ về tình hình và dự báo các vấn đề tác động đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới; phản ánh đầy đủ, toàn diện các nguồn lực hiện có, sẽ có để huy động và tổ chức thực hiện các mục tiêu đề ra. Vì vậy, Trung ương hướng dẫn các cấp ủy phải tổ chức lấy ý kiến để huy động được trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng nghị quyết, dự thảo BCCT, để nghị quyết của Đảng phản ánh đầy đủ yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, các cơ quan báo chí, truyền thông đóng vai trò là một trong những đơn vị tổ chức thực hiện việc đóng góp ý kiến vào dự thảo các BCCT.
Dự thảo BCCT của tỉnh đã được đăng tải trên Báo Thái Nguyên, phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được các cơ quan chức năng tổng hợp và báo cáo tiểu ban soạn thảo. Nhưng đối với cấp huyện và cấp cơ sở thì việc tổ chức để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến còn có những khó khăn về hình thức, phương pháp tổ chức. Trao đổi về vấn đề này, ông Ma Văn Rục, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Lương cho biết: Để dự thảo BCCT sát với thực tiễn cuộc sống, tiểu ban văn kiện phải chuẩn bị hết sức công phu, trải qua nhiều hội nghị. Trên cơ sở kiểm điểm toàn diện kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ, đồng thời bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương để đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế. Sau khi hoàn thành dự thảo, tổ chức lấy ý kiến tham gia rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức: Tổ chức hội nghị, công bố toàn văn dự thảo BCCT trên hệ thống phát thanh - truyền hình huyện... Cùng chung quan điểm này, ông Thiệu Hoàng Hà, Bí thư Đảng ủy Phường Mỏ Chè (T.P Sông Công) chia sẻ: Quá trình chuẩn bị báo cáo chính trị đòi hỏi phải khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế và đặc biệt phải lắng nghe ý kiến, tiếp thu tối đa góp ý của nhân dân… Nhưng trên thực tế, các cấp ủy ít nhận được ý kiến đóng góp của nhân dân.
Một trong những phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng là ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết. Đối với cấp vĩ mô, nghị quyết là một văn kiện cô đúc về nhận thức tình hình, quyết định những chủ trương, quan điểm, chính sách lớn về một hay nhiều lĩnh vực công tác của Đảng. Đối với cấp xã, cấp huyện, nghị quyết là sự cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng (Trung ương và tỉnh) thành những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn. Đảng ban hành nghị quyết là để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Vì vậy, các vấn đề của cuộc sống phải được đưa vào nghị quyết thì khi tổ chức thực hiện, nghị quyết của Đảng mới vào cuộc sống.