Hôm nay, trời nắng ấm thật đẹp, đã qua một tuần hết lệnh phong tỏa nhưng việc tụ tập, di chuyển còn bị hạn chế. Vậy là, mong mỏi của tôi cũng như nhiều Việt kiều ở Pháp tham dự hoạt động mừng 130 năm Ngày sinh của Bác Hồ như mọi năm không thể thực hiện được.
Đầu óc tôi cử nghĩ vẩn vơ về tương lai rồi lại quay về những kỷ niệm mừng Sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm trước. Ngày sinh của Bác Hồ luôn là một sự kiện rất đặc biệt, được tổ chức ở rất nhiều nơi, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Hằng năm, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và kiều bào Pháp nói riêng đặt biệt là Hội Công nhân lao động Việt Nam tại Pháp (thuộc Hội Người Việt Nam tại Pháp - HNVNTP) đều tổ chức lễ sinh nhật Bác Hồ. Dịp đặc biệt này là để hun đúc lòng yêu nước và tự hào dân tộc ở xứ người, tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Nhớ lại những năm qua, ngày kỷ niệm diễn ra tại hội quán NVNTP trong bầu không khí ấm cúng, đoàn kết, vui tươi, vang những ca khúc về Bác, nhất là bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng….khiến ai nấy đều ngập tràn cảm xúc.
Năm nào cũng vậy, tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Pháp, đôi khi có cả lãnh đạo Việt Nam nhân dịp công tác ở Pháp, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, Tổng thư ký Hội Công nhân lao động cùng kiều bào và bạn bè Pháp. Bao giờ cũng vậy, trước khi buổi lễ bắt đầu, mọi người kính cẩn đứng trước bàn thờ Bác Hồ ở Hội quán tại Paris, thắp nén hương tưởng nhớ Người. Nhưng rồi năm nay, dịch COVID-19 đã làm xáo trộn tất cả lễ nghi truyền thống. Tất cả mọi người ở Pháp vẫn đang phải "chiến đấu" chống "kẻ thù vô hình," virus corona chủng mới còn đe dọa chúng ta chưa biết đến khi nào.
Sinh nhật Bác cũng là dịp chia sẻ niềm hãnh diện về thắng lợi của đất nước với Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris và nghe kể lại tinh thần đấu tranh trong những ngày Bác hoạt động chống thực dân Pháp. Chúng tôi được ôn lại kỷ niệm thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ, thời còn hoạt động sôi nổi, xuống đường đấu tranh đòi đế quốc Mỹ chấm dứt xâm lược Việt Nam.
Năm nay tròn 130 năm sinh nhật của Bác, nhưng kiều bào tại Pháp không thể tổ chức mừng sinh nhật của Người. Có lẽ vào ngày này, chúng tôi sẽ âm thầm thắp nén hương để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã dành trọn đời để cho dân tộc Việt Nam biết thế nào là độc lập và tự do như Bác đã nói "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Nay đã hơn 100 năm từ khi Bác bôn ba ở hải ngoại tìm đường cứu nước. Chính nơi đây tại Pháp, Bác đã cùng với những người yêu nước thành lập "Nhóm Người An Nam yêu nước," tiền thân của Hội Người Việt Nam tại Pháp. Thay mặt người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người đã gửi tới Hội nghị Versailles bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.
Bác Hồ luôn ở trong trái tim của kiều bào tại Pháp. Những kỷ niệm vẫn luôn được nhắc lại cho các thế hệ Việt kiều ở đây về những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống tại Pháp và về những câu chuyện không bao giờ quên trong lịch sử của hai cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền nam và thống nhất đất nước. Thật là vĩ đại.
Kỷ niệm ngày sinh của Bác, không thể kể hết những gì mà Bác làm và để lại cho đất nước. Có nhiều câu chuyện rất cảm động về Bác Hồ kính yêu của chúng ta mà tôi được chứng kiến hoặc nghe kể lại.
Câu chuyện bác sĩ Lê Văn Cưu và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác sĩ Lê Văn Cưu sinh ngày 17-2-1913 tại Gò Công, Việt Nam. Sang Pháp năm 1926 tại Marseille lúc ấy chỉ có 13 tuổi, học tại Bordeaux và đậu Tú tài tại Versailles, ông là một trong những học sinh xuất sắc và đậu vào Đại học Y khoa Paris năm 1932. Ông từng bị bắt giam vì bị tình nghi theo kháng chiến chống Pháp. Sau khi được thả, ông đã tham gia tích cực phong trào yêu nước. Ông bày tỏ những tâm tư của mình trong bản thảo ký ức với những lời nói tâm tình, chân thành xúc động.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp để dự Hội nghị Fontainebleau. Trong khoảng thời gian ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn đề nghị bác sĩ Cưu chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh và cung cấp thuốc men cần thiết cho mọi người trong đoàn.
Trong bản thảo hồi ký của bác sĩ Cưu có viết: "Tôi còn nhớ mãi ngày 14-6-1946..., cụ đi du lịch miền núi - chiều tối mới về, những giờ chờ đợi đến lúc ông Phạm Văn Đồng giới thiệu anh Cưu bác sĩ đến trông nom sức khỏe của cụ.
Cụ bắt tay chào hỏi tôi đi đường thế nào rồi cụ ngoái lại ông Đồng, tôi thấy cụ bối rối, "Chú bày đặt, tôi có đau ốm chi đâu mà phái người ... đi tàu bay từ Hà Nội qua đây, mấy chú ngã chứ tôi khỏe như thường...
Chủ tịch Hồ Chí Mính trước thềm nhà ông Raymond Aubrac. Bác sĩ Cưu (bên trái hàng đầu) vinh dự có thời gian được gần Bác Hồ và chứng kiến lối sống vô cùng giản dị của Người.
Tôi chưa dám nhìn kỹ cụ, người không gầy lắm, chừng ở gần cụ: thấy người mạnh dạn, bền dẻo. Thường đi xe hơi cả ngày, cụ không thấy mệt. Đi bộ rất nhanh, bỏ chúng tôi, theo không kịp. Không thích đi thang máy, lên lầu đi rất mau đi xuống cũng thế. Hàng ngày cụ làm việc có giờ khắc."
Bác sĩ Cưu là người thân cận nhất của đoàn, trong 90 ngày ở gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông biết rõ thói quen của cụ rất giản dị, không lòe lẹt, luôn với hai bộ đồ và áo bành tô, quần áo thì cái gì cũng ba cái. Đồng hồ quả quýt luôn luôn trong túi áo của cụ. Bác sĩ Cưu viết lại: Cụ qua đây có danh chức, nhưng cụ không quên nơi xưa chỗ ở rất thường tại nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17 (Paris) và không quên các bạn Pháp cũ. Đối với kiều bào luôn luôn niềm nở, tiếp chuyện mời hút thuốc, thường hơn cụ hút và mời ở lại dùng com rất cởi mở. Đối với những người làm việc, cụ thân ái, ngọt ngào chỉ dẫn bình dân: ăn uống chung bàn với nhau. Cụ thương nhi đồng Việt Nam là con cháu của cụ, gặp nhi đồng là cụ vui vẻ, trò chuyện, vui đùa với trẻ em. Chẳng những nhi đồng Việt Nam, cụ cũng có cảm thương nhi đồng các xứ khác. Bên Pháp, cụ thường mua bánh kẹo cho nhi đồng Việt và nhi đồng Pháp.
Lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiều bào
Trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rời nước Pháp, tại Hội trường tương tế Maubert, kiều bào tổ chức một cuộc gặp mặt rất lớn mời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn đàm phán tại Fontainebleau đến tiếp xúc. Người đã nhắn nhủ với hơn 2.000 kiều bào có mặt về phận sự của người con xa Tổ quốc: Anh em đã đoàn kết vì vận mệnh dân tộc thì hãy tiếp tục đoàn kết thêm.
Ngôi nhà số 9 ở ngõ Compoint, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc trong thời gian ở Pháp.
Người ân cần thăm hỏi và căn dặn bà con tranh thủ sự cảm tình và giúp đỡ của nhân dân Pháp, ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc; thực hiện đời sống mới cần kiệm - liêm - chính, ra sức học hỏi, mỗi người cần thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho công cuộc xây dựng đất nước. Những lời của cụ như vẫn còn mới đây, luôn luôn đầy ý nghĩa.
Trước khi phái đoàn về nước, ngày 15-9-1946, bữa cơm cuối cùng được tổ chức tại khách sạn Royal Monceau. Cuộc chia tay rất trọng thể và rung động tình cảm.
Năm 1969, Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp ra đời. Ngày 13-5-1969, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Ban chấp hành Hội, trong đó có đoạn: “Từ trước tới nay, kiều bào Pháp cũng như ở các nước khác vẫn luôn luôn nhớ về Tổ quốc thân yêu và cố gắng góp sức vào sự nhiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và nâng cao tinh thần đoàn kết thương yêu trong kiều bào, giữ tình hữu nghị với dân Pháp. Tôi gửi lời thăm hỏi ân cần tới tất cả các chi hội và hội viên cùng toàn thể kiều bào yêu nước.”
Hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ viết những lá thư cuối cùng gửi kiều bào tại ở Pháp. Cũng hơn nữa thế kỷ Bác đi xa, kiều bào ở Pháp luôn là bộ phận không tách rời Tổ quốc và mọi kiều bào phải là một đại sứ nhân dân của Việt Nam như lời Bác đã căn dặn.
Hôm nay, gần tới ngày kỷ niệm ngày sinh của Bác, nhớ lại kỷ niệm xưa về Bác mà tôi được nghe kể lại. Tôi vẫn luôn nhớ và rất cảm động về câu chuyện mà bác sĩ Cưu kể lại lúc được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc những dòng tâm tình của bác sĩ Cưu trong ba tháng gần Bác Hồ làm tôi càng tự hào về một nhà cách mạng vĩ đại, một vị lãnh đạo sáng suốt, một nhân vật lịch sử.
Nhớ về Người, chúng ta vững tin ở tương lai, tiến lên. Chúng ta cùng đồng bào trong nước sẽ luôn nhớ ngày 19-5, nhớ về Người để bày tỏ những lời thành kính.