Để hoạt động báo chí chuẩn mực và uy tín

08:44, 18/04/2021

Hoạt động báo chí nói chung, của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực và kịp thời, góp phần không nhỏ vào việc định hướng thông tin cũng như công tác quản lý nhà báo, hội viên, giúp cho báo chí ngày càng có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Cùng với những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô cũng như chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền của báo chí hiện đại, đội ngũ những người làm báo cũng tăng nhanh. Tính đến nay, cả nước có hơn 27.000 hội viên nhà báo sinh hoạt tại 63 hội nhà báo các tỉnh, thành phố, 19 liên chi hội và hơn 200 chi hội trực thuộc T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Hiện tượng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật có chiều hướng ngày càng tăng. Cùng với việc phát triển của kinh tế thị trường, xu hướng thương mại hóa đã khiến báo chị bị tác động đa chiều. Hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” diễn ra với các báo điện tử, trang thông tin điện tử đã gây không ít bức xúc đối với dư luận xã hội. Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại các địa phương hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo hiện nay.

Luật Báo chí năm 2016 đã được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016 và Chủ tịch nước công bố Luật ngày 29/4/2016, trong Điều 8 có giao cho Hội Nhà báo Việt Nam “Ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá X, diễn ra ngày 15/12/2016, các đại biểu đã thông qua 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Và từ ngày 1/1/2017, cùng với Luật Báo chí năm 2016, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Tính từ khi thực hiện đến nay, đã có 65 trường hợp trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm pháp luật, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam đã ra quyết định khai trừ và thu hồi Thẻ hội viên với 25 trường hợp.

Đến tháng 12-2018, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục công bố Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Theo báo cáo của các tổ chức Hội, việc ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội. Kể từ khi có hiệu lực đến nay, đã có 11 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội đã phải chịu các hình thức kỷ luật của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp. Một số ví dụ: trong vụ việc Báo Phụ nữ T.P Hồ Chí Minh bị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý trách nhiệm và Cục Báo chí xử phạt vi phạm hành chính tập thể và cá nhân sai phạm, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo Báo Phụ nữ T.P Hồ Chí Minh đã ra quyết định khiển trách đối với cá nhân vi phạm. Hay như tháng 5 vừa qua, tài khoản mạng xã hội Facebook “Phạm Dương Ngọc” (giới thiệu là nhà báo tại Báo điện tử VTC News) đăng tải một số nhận định, quy kết bôi nhọ, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Đài Tiếng nói Việt Nam đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo... Cùng với đó, Thường trực Hội đồng cũng đã trao đổi, đối thoại, nhắc nhở trên 300 trường hợp hội viên chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn xác trên mạng xã hội.

Ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan báo chí rà soát lại tôn chỉ, mục đích để cấp lại giấy phép, sửa đổi, bổ sung giấy phép, đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch báo chí và các quy định của pháp luật về báo chí. Từ đó đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan báo chí phải thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, cập nhật các công nghệ, kỹ thuật mới vào tổ chức hoạt động, quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, phóng viên đáp ứng được nhiều kỹ năng làm báo trong thời đại 4.0.

Trước những thách thức nói trên, các nhà báo cần không ngừng học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực, xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo... Khoa học – công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song, không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh của người làm báo.