Ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số. Đây là cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên về lĩnh vực dân tộc của nước ta. Sau nhiều lần đổi tên, ngày 23/10/1992, thực hiện Thông báo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã quyết định hợp nhất Ban Dân tộc Trung ương với Văn phòng Miền núi và Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc và Miền núi thuộc Chính phủ. Ngày 16/5/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2003/NĐ-CP đổi tên Ủy ban Dân tộc và Miền núi thành Ủy ban Dân tộc như hiện nay.
Việc thành lập cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là việc cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc: ‘‘Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam’’.
75 năm kể từ khi cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên về lĩnh vực dân tộc ra đời, nhất là từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Thông qua thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế và đời sống, như: Chương trình định canh định cư, Chương trình 135, Chương trình 134, 1592, 755, 2085, chính sách hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn, chính sách trợ giá trợ cước, chính sách hỗ trợ trực tiếp, chính sách vay vốn phát triển sản xuất, chương trình thuộc các lĩnh vực y tế, văn hoá, giáo dục..., đời sống đồng bào DTTS và miền núi trên khắp cả nước đã có những bước chuyển biến quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn, miền núi được củng cố và tăng cường, các công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, chợ thương mại được xây dựng khang trang hơn trước, đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển sản xuất hàng hoá, góp phần tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đến nay, toàn tỉnh đã đạt mục tiêu 8% số học sinh người dân tộc thiểu số được học tập tại các trường phổ thông dân tộc nội
trú. Trong ảnh: Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ.
Đối với Thái Nguyên, là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (6 huyện, 2 thành phố, 1 thị xã; trong đó có 4 huyện miền núi, 1 huyện vùng cao), dân số trên 1,2 triệu người, gồm 51 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS có trên 384.000 người, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao gồm: Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ. Toàn tỉnh có 123 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi (chiếm trên 90% diện tích toàn tỉnh), được phân định thành 3 khu vực (I, II, III) theo trình độ phát triển, gồm: 25 xã khu vực I, chiếm 20,2%; 63 xã khu vực II, chiếm 50,8%; 36 xã khu vực III, chiếm 29%.
Những năm qua, nhân dân các DTTS trong tỉnh luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù lao động, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, trong đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. 5 năm trở lại đây (2015-2020), kết quả triển khai công tác dân tộc của tỉnh tiếp tục được ghi nhận, đánh giá cao trong toàn quốc. Nếu như năm 2016, Thái Nguyên còn 48 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thì đến hết năm 2020, có 33 xã ra khỏi tình trạng ĐBKK (tương ứng với 69%); dự kiến toàn tỉnh chỉ còn 15 xã ĐBKK trong giai đoạn 2021-2025. Năm 2018, huyện Võ Nhai (huyện vùng cao duy nhất của tỉnh) đã đủ điều kiện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo - huyện 30a.
Năm 2019, Thái Nguyên có 19/63 xã, 75/94 xóm hưởng Chương trình 135 hoàn thành mục tiêu của Chương trình (là tỉnh đứng đầu toàn quốc). Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm nhanh, trong những năm gần đây giảm bình quân từ 3-4%/năm… Công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng đưa Thái Nguyên tăng 3 bậc, xếp thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp (chỉ sau tỉnh Quảng Ninh).
Đến hết năm 2020, có 77/112 xã (bằng 69%) vùng DTTS và miền núi trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa tỷ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới vùng DTTS và miền núi của tỉnh cao gấp ba lần bình quân chung của vùng DTTS và miền núi toàn quốc (toàn quốc đạt 22,29%). Toàn tỉnh có 9 xã ĐBKK đạt chuẩn NTM. Trong giai đoạn 2016-2020, Thái Nguyên đã thành công xóa “trắng điện lưới Quốc gia” tại 76/76 xóm, bản thiếu điện; xây mới toàn bộ 33/33 phòng học tạm ở các xã ĐBKK. Đến nay có 8,03% số học sinh DTTS được học tại các trường nội trú. Vùng DTTS và miền núi Thái Nguyên có 118/123 trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia (bằng 95,9%), 113/123 trạm có bác sĩ (bằng 91,87%)...
Với nhiều kết quả quan trọng đã đạt được trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước: Ban Dân tộc tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Cờ thi đua; nhiều năm được Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh tặng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc…