Chiều 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Chính phủ khẳng định: Sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh, là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp, nền kinh tế.
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ngoài ra, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.
Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc sửa đổi Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm một số tài liệu nhằm nâng cao chất lượng hơn nữa trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).
Đa số các ý kiến đồng tình với việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho các tổ chức khoa học công nghệ chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn. Tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả”.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị giao quyền cho cho các tổ chức khoa học công nghệ. Bởi điều này khuyến khích sự sáng tạo của các tổ chức khoa học công nghệ và thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ. Nếu không phân chia rõ lợi ích, hợp lý giữa cơ quan, tổ chức với từng cá nhân nhà khoa học thì các nhà khoa học cũng thôi chột, không đăng ký.
Nhất trí với bảy nhóm chính sách mà Chính phủ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị bổ sung nhóm chính sách quan trọng liên quan đến chuyển đổi số. Nhất là quan tâm đến công nhận tác giả, quyền nhân thân, quyền tài sản, các trí tuệ nhân tạo độc lập sản sinh ra sản phẩm sáng tạo, hoặc sản phẩm trí tuệ nhân tạo kết hợp với con người để có hướng xử lý phù hợp trong Dự án Luật Sở hữu trí tuệ.
Cho ý kiến vào dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Đây là một dự án luật chuyên ngành, khó, cần phải kết tinh được trí tuệ của đại biểu Quốc hội, các giới, các ngành. Đồng thời yêu cầu, Ban soạn thảo rà soát những điều cấm trong dự án Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Lập luận kỹ nội dung thu hẹp các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính, đồng thời mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, quyền tác giả và quyền liên quan...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung quy định trong Luật sở hữu trí tuệ về vấn đề ủy quyền, đặc biệt các thủ tục ủy quyền để thuận tiện trong thi hành. Khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.