Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Thái Nguyên đã tiến hành 3 đợt cải cách ruộng đất. Qua đó, hàng chục nghìn hộ nông dân nghèo trên địa bàn tỉnh có ruộng đất để canh tác, xóa “giặc đói” và đóng góp lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam… Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang đó, ngày nay, công tác quản lý đất đai được tỉnh thực hiện hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Lịch sử hào hùng
Chiều ngày 20/8/1945, tại sân vận động Thái Nguyên đã diễn ra một cuộc mít tinh lớn của nhân dân tỉnh lỵ Thái Nguyên. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch và thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.
Đến ngày 25-8, Nhật rút toàn bộ quân, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh đã thắng lợi hoàn toàn. Ngay sau đó, chính quyền cách mạng đã ra lệnh tịch thu đồn điền của thực dân Pháp, một phần chia cho dân nghèo, một phần giao cho Ban Dân sinh kinh tế tỉnh quản lý, sản xuất.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên là tỉnh nằm trong vùng tự do nên vinh dự được Trung ương chọn làm nơi thí điểm thực hiện chính sách ruộng đất. Bắt đầu từ giữa năm 1953, chính quyền cách mạng của tỉnh thực hiện giảm tô triệt để và cải cách ruộng đất ở 6 xã, gồm: Hùng Sơn (Đại Từ); Đức Liên, Nhã Lộng (Phú Bình); Đồng Bẩm, Dân Chủ, Phúc Xuân (Đồng Hỷ).
Kết quả, hơn 4.070 hộ dân được thoát tô và gần 950 hộ được chia ruộng đất. Đến cuối năm 1956, Thái Nguyên đã hoàn thành xong 3 đợt cải cách ruộng đất. Qua đó, gần 30.000 mẫu ruộng, hơn 3.800 con trâu, bò của địa chủ bị tịch thu, trưng thu, trưng mua được chia cho 22.000 gia đình nông dân nghèo. Nhờ thực hiện chính sách cải cách ruộng đất, giảm tô từ rất sớm nên sản lượng lương thực của tỉnh trong thời gian này liên tục tăng, không chỉ xóa được “giặc đói” mà còn đóng góp cho Nhà nước gần 30.000 tấn lương thực và hàng nghìn tấn thực phẩm…
Người dân thực sự làm chủ
Hòa bình lập lại, Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 về “mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán trong nông nghiệp”.
Qua đó, xóa bỏ hình thức lao động “công điểm” trong các hợp tác xã, khơi dậy tinh thần lao động hăng say của nhân dân. Khi thực hiện Luật Đất đai năm 1993 và gần nhất là Luật Đất đai năm 2013, đến nay, toàn tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 290.000ha cho các tổ chức, cá nhân (bằng 95%) diện tích đất cần cấp.
Trong đó, cấp cho các tổ chức gần 68.000ha (bằng 88% diện tích cần cấp) và cấp đối với hộ gia đình, cá nhân, với diện tích hơn 222.000ha (bằng 94% diện tích cần cấp). Ngoài ra, tỉnh đang tích cực rà soát để thu hồi hơn 19.000ha đất do các nông, lâm trường quản lý nhưng sử dụng không hiệu quả để giao cho người dân.
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai
Từ những thành quả và kinh nghiệm của thời kỳ trước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện “số hóa” dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai.
Đến nay, huyện Định Hóa đã cơ bản hoàn thành việc “số hóa” dữ liệu đất đai, các địa phương còn lại đang tích cực rà soát, tập huấn cán bộ để triển khai thực hiện. Đồng thời, Thái Nguyên đang tập trung thực hiện lập quy hoạch tỉnh và đang là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về tiến độ quy hoạch tỉnh.
Tỉnh hiện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để xây dựng Khu Công nghiệp Yên Bình, giai đoạn 2.
Có thể thấy, từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đặc biệt là sau cải cách ruộng đất, người nông dân trên địa bàn tỉnh được chia đất, giao đất, từ thân phận tá điền trở thành người làm chủ thực sự, có tư liệu sản xuất - “ruộng đất”. Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước về đất đai của tỉnh ngày càng chặt chẽ, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện khá nghiêm túc, bài bản đã góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trong thời gian qua.
Thực hiện theo Đề án số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Riêng năm 2020, Sở đã tiến hành 101 cuộc thanh, kiểm tra đối với 115 tổ chức, cá nhân. Qua đó, đã truy thu tiền thuê đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với 36 đơn vị với số tiền gần 2,2 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với tổng số tiền 524 triệu đồng; đề nghị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với 3 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng...