Trưa 24-11, tại Tokyo, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi đối thoại với các nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức.
Phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại, Thủ tướng bày tỏ, sau chuyến thăm cấp cao lần này, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Theo người đứng đầu Chính phủ, mối quan hệ Việt - Nhật “là lương duyên” khi trước đây, người Nhật đã để lại cho Việt Nam Di sản Thế giới Hội An (tỉnh Quảng Nam), và có thể coi đó là biểu tượng trong quan hệ bang giao hai nước. Các bậc tiền bối khi tìm đường cứu nước, nhiều người đã nghĩ và tìm đến Nhật Bản. “Qua nhiều thăng trầm, mối quan hệ này là duyên nợ. Gần 50 năm thiết lập quan hệ, có thể khẳng định, mối quan hệ này chưa bao giờ lại tốt như bây giờ, nhưng trong tương lai còn tốt hơn”, Thủ tướng nói.
Đồng thời Thủ tướng nêu rõ, Nhật Bản đang là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, với số tiền lên tới gần 27 tỷ USD, chiếm tới xấp xỉ 30% số vốn ODA mà Chính phủ Nhật Bản dành cho các nước trên thế giới. “Chúng tôi cũng đang bàn và tin rằng sẽ sớm có một thế hệ ODA mới, với nội hàm mới, cách làm mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của đồng vốn ODA”, Thủ tướng thông tin.
Về đầu tư trực tiếp, Thủ tướng cũng cho biết, hiện Nhật Bản nằm trong tốp đầu các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với khoảng 4.800 dự án, tổng số tiền hơn 65 tỷ USD. Nhật Bản cũng là nước có số khách du lịch đến Việt Nam đứng thứ 3, với khoảng 1 triệu người. Trong khi đó, kim ngạch thương mại song phương đã trên dưới 40 tỷ USD; tới đây sẽ còn được thúc đẩy hơn, có thể tăng đột biến.
Chia sẻ về công tác đối ngoại cấp cao, Thủ tướng nhấn mạnh, hai đời Thủ tướng Nhật Bản gần đây khi nhậm chức đều chọn Việt Nam là nước đầu tiên để tới thăm. Còn lần này, Thủ tướng Việt Nam lại là vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Nhật Bản dưới thời Thủ tướng mới. Ba lần đầu tiên ấy đã thể hiện mối quan hệ hết sức tốt đẹp. Ngay năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản cũng đến thăm Việt Nam, bất chấp giữa đại dịch COVID-19. Điều đó có nghĩa, cơ chế hoạt động để thúc đẩy quan hệ này luôn được duy trì, dù trong điều kiện khó khăn nhất. Từ đó, Thủ tướng kỳ vọng rằng, trong tương lai, hai bên sẽ có những hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nhất là hợp tác kinh tế, đầu tư của các doanh nghiệp.
Theo người đứng đầu Chính phủ, định hướng sắp tới của Việt Nam là ưu tiên phát triển xanh, hài hòa với thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số. “Chúng tôi xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đột phá thể chế gắn với cải cách hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Hai là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Và thứ ba là đột phá hạ tầng, cả hạ tầng cứng lẫn mềm, như giao thông, hạ tầng số, thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thủ tướng cho biết. Đồng thời nhấn mạnh, việc phát triển phải hài hòa với phát triển xã hội, cân bằng các ngành, không đánh đổi môi trường, các vấn đề xã hội để chạy theo phát triển kinh tế đơn thuần. Trong đó, coi con người là trung tâm, động lực, là mục tiêu của sự phát triển.
“Để làm được như vậy, chúng tôi xác định nội lực con người - thiên nhiên và truyền thống lịch sử là quyết định nhưng ngoại lực là quan trọng và đột phá. Đó là cần đột phá ở vốn, công nghệ, cách quản lý”, Thủ tướng chia sẻ và tin tưởng rằng, đó là những thế mạnh mà Việt Nam có thể chờ đợi tin tưởng từ các nhà đầu tư Nhật Bản, vốn rất hiểu và có nhiều thành công ở thị trường Việt Nam.
Trả lời các câu hỏi cụ thể về những nội dung mà nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm như chính sách đất đai cho hạ tầng, giao thông đường sắt, định hướng phát triển các ngành năng lượng, đô thị thông minh... Thủ tướng nói: Phát triển đô thị là động lực thúc đẩy cho tăng trưởng. Quy hoạch đất đã có chủ trương trong 5-10 năm tới sẽ nhiều hơn 5-10 năm vừa qua. “Về nguồn lực đất đai, chúng tôi không phân biệt nhà đầu tư công - hay tư, miễn là tuân thủ pháp luật, bình đẳng, để nguồn lực phát huy hiệu quả”, Thủ tướng nói.
Liên quan dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang lấy ý kiến các nhà khoa học, doanh nghiệp để hoàn thiện, tính toán kỹ về cơ cấu nguồn, truyền tải, phân phối và sử dụng hiệu quả nhưng mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo là rất rõ bởi đây là xu thế của thế giới đồng thời là nguồn lực mà Việt Nam rất có lợi thế.