Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24-11 có nhiều tham luận của các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh thành phố trong cả nước. Báo Thái Nguyên trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung chính của một số bản tham luận.
Tham luận với chủ đề: “Văn hóa - Con người nhân tố bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: Văn hóa - căn cước của một dân tộc về đại thể bao gồm 2 hợp phần: Nội sinh và tiếp biến từ bên ngoài. Phần nội sinh của văn hóa thực chất là những sáng tạo của con người trong quá trình tương tác với điều kiện tự nhiên như lao động sản xuất, phù hợp với môi trường sinh thái và đã tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống. Văn hóa Việt Nam cũng là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến từ Trung Hoa với truyền thống trọng chữ nghĩa, tư tưởng Phật giáo từ Ấn Độ, một số nền văn minh châu Âu. Đó chính là sức mạnh của văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang, văn hóa truyền thống của đất nước ta thường được định danh là kinh tế nông nghiệp, cư dân nông dân, xã hội nông thôn nhưng trong thời gian đã phát triển và biến đổi. Cùng với đó, môi trường sông nước đã tạo nên một nền văn minh sông nước với những cư dân sống trên đó có phong cách rất linh hoạt, ứng phó giỏi với mọi tình thế.
Bên cạnh những thuận lợi, thiên nhiên Việt Nam đặt ra những thách thức cho con người như lũ lụt, bão tố, dịch bệnh. Chính trong cuộc đấu tranh vật lộn với thiên nhiên đã tạo nên truyền thống không chùn bước trước khó khăn và biết gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh để vượt qua mọi thử thách. Với vị trí địa lý nằm ở nơi giao tiếp có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng, Việt Nam luôn bị “xô đập” bởi biến tố ở khu vực và trên thế giới. Tính cách giỏi thích ứng, nhạy cảm của người Việt phần nhiều được hình thành do tác động của những yếu tố này.
Bên cạnh đó, hoàn cảnh lịch sử luôn phải đương đầu với những kẻ thù lớn mạnh hơn mình nhiều lần đã tạo nên phẩm chất anh dũng, quật cường, mưu trí sáng tạo của người dân Việt Nam; hun đúc cho mỗi người dân Việt Nam tinh thần yêu nước nồng nàn, ý thức tự tôn dân tộc và tinh thần bất khuất, tự lập, tự cường rất cao. Đây chính là phẩm chất vô cùng quý báu của Việt Nam.
Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác di sản văn hóa như những tài nguyên, theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang, giải pháp quan trọng đầu tiên phải là đổi mới tư duy nhận thức một cách cân bằng; trước hết là phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động, phải hiểu văn hóa là một nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của một dân tộc.
Bên cạnh đó, cùng với việc đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa cũng phải đánh giá đúng và tính hết những khó khăn khi triển khai. Trước hết, đó là những trở ngại, thói quen, tập tính hạn chế của cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà một trong những điểm rất lớn gây hậu quả tai hại là việc rất ngại nói đến tầm nhìn xa, là tâm lý ăn xổi. Ngoài ra, một trong những hạn chế lớn khác của di tồn văn hóa có hại đến sự phát triển là tâm lý bình quân cào bằng. “Trong lịch sử, sự bình đẳng đôi khi tạo ra một không khí hòa thuận nhưng quan niệm dàn hàng ngang mà tiến, xấu đều hơn tốt lỏi, đôi khi chính là sự cản trở cho phát triển”, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang nhận định.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang, một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của dân tộc, đặc biệt là với giới trẻ như tinh thần Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã chỉ ra. Giáo dục văn hóa, lịch sử cho các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. “Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong quá trình cạnh tranh quốc tế. Trong thời kỳ hiện nay, văn hóa không chỉ là tài sản để chúng ta cất giữ, để chúng ta nâng niu, để chúng ta tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế”, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang khẳng định.
Ông cho rằng, trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa cũng không nên chỉ dừng ở mức độ giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có tính toán dài hơn, phải coi văn hóa như một “vũ khí” để tiến ra thế giới, đặc biệt coi trọng thế mạnh của gốc người Việt Nam. Ngoài ra, để phát huy sức mạnh mềm, cần làm “sống dậy” các di sản, di tích của Việt Nam theo hướng hiện đại.
*Về phát triển sân khấu Việt Nam theo hướng hiện đại
Phân tích một số hạn chế, thách thức trong phát triển sân khấu Việt Nam thời gian qua và một số giải pháp thời gian tới, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, hiện nay, đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế dày dặn, có vốn sống, giỏi nghề vẫn hết sức thiếu vắng và đang bị đứt gãy về sự kế tục.
Đội ngũ chủ lực, thế hệ vàng của nền văn nghệ Việt Nam, từng được đào tạo tại các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa đã không còn nhiều. Đội ngũ sáng tạo nghệ thuật sân khấu hiện chủ yếu được đào tạo trong nước, rất thiếu điều kiện tiếp cận với những tinh hoa văn học thế giới, do đó, rất hiếm những tài năng xuất chúng trong đội ngũ sáng tạo như trước đây.
Ở lĩnh vực nghệ thuật sân khấu có sự thiếu hụt trầm trọng của đội ngũ tác giả, đạo diễn trẻ tài năng. Công tác lý luận, phê bình định hướng thẩm mỹ cho hoạt động văn nghệ, cho người thưởng thức văn nghệ nhưng các chuyên gia có nghề cao tuổi tác cũng cao. Những chuyên gia trẻ chỉ dừng lại ở tuyên truyền, quảng bá tác phẩm chứ chưa có nhiều công trình, bài viết lý luận phê bình, đánh giá tác phẩm phân tích chất lượng như mong đợi.
Cơ chế chính sách trong hoạt động sáng tác trên lĩnh vực văn nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu. Nghị định 61 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút văn học nghệ thuật nhưng nhiều nơi không đủ kinh phí để chi trả nhuận bút đúng như quy định này. Các đơn vị nghệ thuật địa phương phải sáp nhập vào các trung tâm văn hóa là đơn vị sự nghiệp hoạt động công tác tuyên truyền phong trào nên nghệ thuật sân khấu có nơi đang bị tha hóa, rơi vào tình trạng nghiệp dư; tính chuyên nghiệp, bản sắc nghệ thuật truyền thống đều bị phai nhạt một cách đáng tiếc.
Nghệ thuật sân khấu đang đặt ra cho những người làm nghề trách nhiệm và thách thức to lớn, đó là phải tìm cách thoát khỏi tình trạng sân khấu đang “mất trắng” khán giả, nhất là sân khấu truyền thống. Nếu không tìm cách giải quyết kịp thời thách thức này, sân khấu truyền thống sẽ có nguy cơ tụt hậu, đứng trước việc tồn vong.
Một thách thức nữa được Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi nêu là nền văn nghệ còn xa lạ với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cơ sở vật chất sân khấu và các đơn vị nghệ thuật đa phần cũ kỹ, lỗi thời, không còn phù hợp với thời cuộc.
Chia sẻ một số đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ thời gian tới, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi cho rằng, ngành sân khấu rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, về cơ chế đặc thù cho nghệ thuật biểu diễn sân khấu, bảo đảm đời sống, giảm bớt khó khăn cho văn nghệ sĩ, tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển hài hòa cùng các thành phần khác. Cùng với đó, đầu tư đào tạo đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật bằng cơ chế đặc thù theo hướng gửi đi học tại các nước phát triển để tiếp nối thế hệ tài năng cho văn học nghệ thuật.
Đặc biệt, cần đầu tư đào tạo khán giả bởi sân khấu không thể tồn tại nếu thiếu khán giả. Đề cập giải pháp cho vấn đề này, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi nhắc tới Đề án xây dựng Chiến lược phát triển nghệ thuật sân khấu bằng cách giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong trường học nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị tinh hoa nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ thất truyền, đồng thời nhằm xây dựng, đào tạo thế hệ khán giả trẻ của sân khấu; cho rằng, đây là họat động hết sức cần thiết, mang tính khả thi cao, vừa trang bị kiến thức lịch sử nước nhà trong giới trẻ, vừa có tác dụng đào tạo định hướng tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật.
“Nhà nước nên đầu tư và kêu gọi đầu tư cho Quỹ Hỗ trợ phát triển văn học, nghệ thuật để đặt hàng sáng tác cho các đơn vị công lập và các đơn vị ngoài công lập, tạo sự công bằng, bình đẳng nhằm tạo điều kiện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa nghệ thuật trong tiến trình phát triển văn hóa xã hội”, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.
Cùng với đó, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào các tác phẩm phản ánh sinh động các vấn đề hiện đại như các tác phẩm chính luận, thế sự nhằm tạo sự đồng thuận giữa ý đảng với lòng dân, thể hiện ý nghĩa giáo dục tư tưởng của Đảng. Những tác phẩm này rất cần được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện biểu diễn trong các trường Đảng, các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân để cán bộ, đảng viên thẩm thấu trước tiên nhằm thực hiện quyết tâm lớn của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để nghệ thuật, góp phần tích cực nhất vào việc phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, vượt qua những thách thức trong quá trình đưa đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.
Phát huy truyền thống văn hóa mỗi địa phương để xây dựng con người Việt Nam toàn diện trong thời kỳ hội nhập
Phát biểu với nội dung “Đảng bộ Hà Nội quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Theo đó, để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thành phố Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp vừa bảo đảm đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài, đổi mới sáng tạo, có tính đột phá.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội; đồng thời thấu suốt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng, trong đó, con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển nhanh và bền vững của thủ đô.
Bên cạnh đó, T.P Hà Nội định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; bảo đảm bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước.
Cùng với nhiệm vụ chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình, T.P Hà Nội tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa lịch sử Hà Nội bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.
*Gìn giữ các giá trị văn hóa để phát triển bền vững
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng với chủ đề, tự hào, phát huy truyền thống làm cho văn hoá xứ Đông ngày càng toả sáng, đã nêu: Giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Đông - Hải Dương chứa đựng đầy đủ những giá trị của văn hóa Việt Nam và mang đậm nét giá trị văn hóa truyền thống của người Hải Dương, đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo; sự tinh tế, tính giản dị; hiếu học, khéo léo, tài hoa, lạc quan, lãng mạn, khát vọng, vượt khó.
Phát huy truyền thống văn hoá phong phú của quê hương, trong quá trình lãnh đạo, triển khai phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương luôn xác định văn hoá là điểm tựa, là nền tảng; gắn văn hóa với các hoạt động, các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; văn hoá vừa là động lực phát triển vừa là đích hướng tới trong quá trình đưa địa phương thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương với nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp và hiệu quả. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, việc đẩy mạnh phát triển văn hóa và phát huy giá trị cốt lõi, nét đặc trưng của người xứ Đông - Hải Dương luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện, thông qua nhiều chương trình, cuộc vận động lớn.
Với ý nghĩa to lớn của văn hóa trong xây dựng và phát triển, xây dựng con người mới; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định văn hoá là động lực, là sức mạnh cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 xác định để phát triển nhanh và bền vững chúng ta phải khai thác và phát huy tối đa di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông. Hải Dương tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và đang triển khai thực hiện bằng những chương trình, đề án cụ thể. Chương trình “Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trong đó đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là:
Một là, xây dựng đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chăm lo xây dựng con người Hải Dương có sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống xứ Đông với các giá trị hiện đại, sớm đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Hai là, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; khai thác có hiệu quả hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, khu, điểm du lịch trên địa bàn phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ có tính đột phá về phát triển du lịch.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về tri thức, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc và ý chí vươn lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mục tiêu phát triển của tỉnh với tinh thần “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên”.
Để đạt được mục tiêu nói trên Đảng bộ tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ lớn. Đó là: Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, bao gồm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa; tập trung nguồn lực phát triển du lịch; duy trì và phát triển các phong trào thể dục, thể thao; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông; tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Tập trung cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các nhiệm vụ cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên” nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần hiếu học, cùng ý chí và khát vọng vươn lên…
*Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập
Phát biểu tham luận với chủ đề “Thừa Thiên Huế gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, địa phương là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang; là nơi hội tụ, giao thoa và lan toả những giá trị văn hoá phong phú đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.
Với nền tảng vốn quý đó, những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa; luôn xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững. Tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chương trình, nghị quyết cụ thể trong từng giai đoạn, trong đó, nỗ lực, quyết tâm để đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa giàu bản sắc truyền thống.
Để thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế”, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nghiên cứu, triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mà Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra phù hợp với thực tiễn địa phương; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Tập trung huy động nguồn lực để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và di sản một cách nguyên bản, đồng bộ, Thừa Thiên Huế ưu tiên bảo tồn, trùng tu các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế; di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo tồn phố cổ, làng cổ; bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, vịnh biển Lăng Cô, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vườn quốc gia Bạch Mã...; đồng thời, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt nhã nhạc cung đình Huế, ca Huế; các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian gắn với nghiên cứu phát triển các loại hình nghệ thuật hiện đại.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản; giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát triển; tập trung thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch; chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt để phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế trong tình hình mới.
Đưa giáo dục bản sắc văn hóa Huế vào trong đời sống xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, triển khai có hiệu quả Đề án "Văn hóa Huế - con người Huế: Bảo tồn và phát triển"; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người tử tế, khoan dung, chân thành, trọng đạo lý.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong phát triển văn hóa, du lịch; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa; xây dựng cơ chế khuyến khích nhân tài, nhất là chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch.
“Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa và di sản là một trong những yếu tố nội sinh quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định; đồng thời bày tỏ tin tưởng, các nội dung tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị sẽ góp phần quan trọng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những quyết sách, thông điệp quan trọng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.
* Quảng bá các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết, An Giang giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo. Tính đa dạng về văn hóa là một trong những thế mạnh của hệ giá trị sinh thái nhân văn, tạo nên nét đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương và của từng dân tộc tại An Giang. Trong những năm qua, tỉnh An Giang luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định biên giới. Trong những năm qua, An Giang đã tích cực triển khai quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đồng thời thực hiện một số giải pháp bảo tồn và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang cho biết, tỉnh đã tập trung trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa; lập kế hoạch trùng tu di tích cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; đề xuất Trung ương hỗ trợ trùng tu các di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, nhân dân đã đóng góp kinh phí cùng với nhà nước trùng tu 69 đình làng, nhằm bảo tồn, gìn giữ các thiết chế văn hóa truyền thống làng xã của địa phương.
Bên cạnh đó, địa phương tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là di sản văn hóa và văn hóa truyền thống các dân tộc, thông qua nghiên cứu, đề nghị xếp hạng di tích, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới; tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Chăm, Khmer hàng năm; chú trọng quản lý, tổ chức lễ hội trang trọng, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục. Một số lễ hội lớn như: Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu, lễ giỗ Đức Quản cơ Trần Văn Thành… được tổ chức chu đáo, quy mô, trang trọng; phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn, tạo được sức lan tỏa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.
Để phát huy nguồn lực văn hóa, An Giang đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động văn hóa đối ngoại, kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa; tham gia giao lưu nghệ thuật, triển lãm thương mại, văn hóa-du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, An Giang đẩy mạnh phong trào văn hóa-văn nghệ vùng biên giới để cải thiện, phát huy đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc, tăng cường quan hệ hữu nghị với Vương quốc Camphuchia, đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc của địa phương ra thế giới.
Tỉnh An Giang đã tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, nơi ghi lại dấu ấn, chiến tích hào hùng của dân tộc như: Núi Sam, Núi Cấm, Khu di tích Miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Hang, chùa Tây An, Đồi Tức Dụp, Khu di tích Nhà mồ Ba Chúc... Tỉnh đã đẩy mạnh khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa để quảng bá, thu hút du khách đến địa phương thông qua các tour, tuyến du lịch, tổ chức các lễ hội, góp phần quãng bá các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, giải quyết việc làm và phát triển bền vững.
Thêm vào đó, An Giang đã lập quy hoạch, đề án phát triển dài hạn các loại hình văn hóa, nghệ thuật như: Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021…;
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang quyết tâm phấn đấu, đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.