Từ một tỉnh nghèo, chậm phát triển khi mới tái lập (với thu nhập bình quân chỉ đạt 2,5 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách trên 200 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp trên 2.120 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu trên 22 triệu USD/năm…), đến nay, Thái Nguyên đang vươn lên trở thành tỉnh phát triển ở vùng trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, có những chỉ tiêu tăng trưởng nằm trong tốp đầu cả nước.
Từ năm 1997 đến nay, Thái Nguyên đã thực hiện trọn vẹn nghị quyết của 5 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (từ khóa XV đến khóa XIX) và nay là khóa XX. Với sự nỗ lực, đoàn kết, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) hàng năm nói riêng, cả nhiệm kỳ nói chung của tỉnh đều cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Gần đây nhất, trong nhiệm kỳ 2015-2020, cả 19/19 chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong nhiệm kỳ đạt 10,47%/năm; thu ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với đầu nhiệm kỳ, gấp 78 lần so với năm 1997; GRDP bình quân đầu người đạt gần 90 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ, tăng 36 lần so với năm 1997; quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2020 đạt 116.000 tỷ đồng, gấp 44 lần so với năm 1997; tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đạt 238.000 tỷ đồng, riêng năm 2020 đạt trên 41.302 tỷ đồng, tăng gấp 181 lần so với năm 1997. Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ về xây dựng nông thôn mới; đứng thứ 4 toàn quốc về giá trị sản xuất công nghiệp.
Năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XX, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhất là trước tác động từ suy giảm kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Thái Nguyên vẫn giữ được vùng xanh an toàn và các chỉ tiêu tăng trưởng KT-XH tiếp tục đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,51%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của cả nước là 2,58%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 44.700 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 28,85 tỷ USD, bằng 102,4% kế hoạch; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt 52.000 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 16.750 tỷ đồng, vượt kế hoạch tỉnh giao và tăng 7,2% so cùng kỳ. Toàn tỉnh đã có 109/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6 xã nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,17%...
Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 844.000 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm trước. Trong ảnh: Dây chuyền in vải tại Chi nhánh TNG Sông Công (Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG). Ảnh: L.K
Để có được những kết quả mang dấu ấn này, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai và thực hiện đồng thời nhiều giải pháp mang tính chiến lược và dài hơi. Đầu tiên phải kể đến công tác cải cách hành chính luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng; môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng, thân thiện và minh bạch. Qua đó, đã góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư. Hiện, toàn tỉnh có trên 8.000 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 119.500 tỷ đồng và 169 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đạt 8.754,8 triệu USD.
Thái Nguyên cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết về chuyển đổi số (ngày 31/12/2020), nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy các cấp, ngành tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành. Xếp hạng mới nhất về chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về nội dung này, trong đó, chỉ số chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc. Các chỉ số xếp hạng khác năm 2020, Thái Nguyên cũng nằm trong tốp cao của cả nước, như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 3/63; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 11/63; cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12/63; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 87,66%.
Với mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên; giá trị xuất khẩu tăng bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 150 triệu đồng/người/năm...
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, tỉnh đang tiếp tục làm tốt việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và quản lý các dự án đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính các cấp với người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; tăng cường liên kết, phát triển kinh tế vùng; tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển KT-XH, nhưng có thể khẳng định, những kết quả đạt được của tỉnh Thái Nguyên hôm nay là thành quả của quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, sự điều hành quyết liệt của chính quyền, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã sẵn sàng hành trang vững bước trên chặng đường mới, quyết tâm xây dựng Thái Nguyên “... trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Nguyên.