Vậy là một năm đầy sóng gió, khó khăn với bao cung bậc cảm xúc đã qua đi, để lại những thành quả là nền tảng cho một năm mới với niềm tin và khát vọng mới. Đợt dịch COVID-19 thứ tư đầy phức tạp, cam go trong năm 2021 đã khiến cả thế giới điêu đứng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị kìm hãm; kinh tế vĩ mô và tình hình lạm phát trong nước có xu hướng khó kiểm soát; tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống dân sinh ở mỗi địa phương gia tăng… đã khiến “mục tiêu kép” đặt ra của cả nước càng trở nên khó thực hiện hơn bao giờ hết. Tuy vậy, năm qua đã để lại những dấu ấn khó quên được thể hiện thông qua các cụm từ “An toàn - Linh hoạt - Phát triển”.
1. An toàn là điều mà Chính phủ cũng như các địa phương hướng tới đầu tiên trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Dù bình thường mới ở mức nào chăng nữa thì chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương vẫn lấy “an toàn” làm đầu. An toàn về tính mạng, của cải cho người dân, doanh nghiệp. An toàn để bảo vệ thành quả mà cả hệ thống chính trị đã nỗ lực gìn giữ trong chiến dịch phòng, chống dịch bệnh. Trong Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch COVID-19”, vấn đề “an toàn” được ưu tiên đặt ở vị trí số 1. Với ý nghĩa đó, Chính phủ chỉ đạo phải bao phủ vắc-xin toàn dân càng nhanh càng tốt trên cơ sở “tốc độ tiêm vắc-xin phải nhanh hơn tốc độ lây lan dịch bệnh”, phấn đấu tiêm mũi 2, mũi 3 theo lứa tuổi; tăng cường các giải pháp y tế để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong...
Đối với Thái Nguyên, ngoài thực hiện hiệu quả các biện pháp y tế chuyên sâu tỉnh còn kết hợp tốt phương pháp “5K + vắc-xin, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”. Đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong phòng, chống dịch bệnh, lấy công nghệ làm nền tảng giúp bảo vệ người dân từ xa, từ sớm. Tỉnh đã rất thành công trong hỗ trợ người dân của mình ở các tỉnh, thành phía Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua ứng dụng C-ThaiNguyen; hỗ trợ người dân, nhất là người lao động qua nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID…
2. Thích ứng linh hoạt là cụm từ được sử dụng nhiều nhất trong năm 2021 khi nói về những giải pháp quan trọng hoàn thành “mục tiêu kép”. Linh hoạt ở đây chính là không cứng nhắc, gò bó, dập khuôn máy móc mà phải tùy cơ ứng biến, phải năng động, sáng tạo, thích nghi với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và quan trọng nhất là phải đạt được hiệu quả cao nhất có thể. Chính phủ đã chỉ đạo công tác phòng, chống dịch theo hướng linh hoạt với yêu cầu toàn dân thích ứng điều kiện bình thường mới. Quan điểm phòng, chống dịch thay đổi từ phát hiện, khoanh vùng diện rộng sang diện hẹp để giảm thiệt hại không cần thiết; từ chỗ lập chốt, kiểm soát chặt hoạt động ra vào các địa phương bằng việc mở cửa nhưng vẫn đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch từ xa, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng người dân; từ việc coi trọng số lượng ca nhiễm COVID-19 sang đảm bảo tỷ lệ người dân được tiêm phòng và điều trị, giảm số ca trở nặng và tử vong để tạo thói quen sống chung với dịch bệnh. Linh hoạt để các hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống dân sinh trở lại bình thường, không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh, nhưng cũng không lo lắng, bi quan, ảnh hưởng đến cuộc sống và cả nền kinh tế. Thái Nguyên cũng là tỉnh được đánh giá sớm có các biện pháp thích ứng linh hoạt. Dù tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 xuất hiện nhiều hơn so với các đợt dịch trước, nhưng Thái Nguyên vẫn giữ vững vùng xanh dịch bệnh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, không có điểm nghẽn về lưu thông hàng hóa…
3. Khi xã hội an toàn hơn, người dân thích ứng linh hoạt hơn trong điều kiện bình thường mới cũng đồng nghĩa với việc kinh tế, xã hội dần ổn định và phát triển. Kinh tế đất nước năm 2021 tuy giảm so với trước vì những tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhưng vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng khả quan. So với kinh tế khu vực, Việt Nam vẫn nằm trong tốp các nước không bị ảnh hưởng nặng nề, trầm trọng. Khả năng phục hồi kinh tế của nước ta được đánh giá cao với nhiều triển vọng mới. Còn với Thái Nguyên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của cấp ủy Đảng, sự điều hành năng động, sáng tạo, quyết liệt của chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, “mục tiêu kép” của tỉnh đã cơ bản được thực hiện tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt 6,56%, cao gấp 2 lần bình quân chung cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,18%; giá trị xuất khẩu cũng tăng tới 17,94%; thu ngân sách vượt 7,37% dự toán; thu nhập bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng/người, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,17%; 75% số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác thu hút đầu tư vào tỉnh tiếp tục được cải thiện, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tăng 10%...
Bước sang năm mới 2022, phát huy những kết quả không dễ gì đạt được của năm cũ, tỉnh Thái Nguyên sẽ cùng cả nước tiếp tục bứt phá trên chặng đường còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng không ít cơ hội, điều kiện phát triển. Tin tưởng rằng, với sức mạnh đoàn kết tập thể, sự thích ứng ngày càng linh hoạt, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu lớn vừa giữ vững thành quả phòng, chống dịch vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội mà tỉnh đề ra. Tất cả cùng hướng về phía trước với ý chí, niềm tin và tinh thần quyết thắng.