Cách đây tròn 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều lãnh đạo Trung ương Đảng và Chính phủ đã chuyển từ Thủ đô Hà Nội về các an toàn khu (ATK) vùng Việt Bắc: Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) để lập căn cứ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong số này, ATK Định Hoá được xác định là trung tâm của “Thủ đô kháng chiến” - nơi ra đời những quyết sách lớn, quan trọng với vận mệnh đất nước.
Sự lựa chọn của lịch sử
Ngay từ khi còn ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm đặc biệt đến phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, thấy rõ đây là nơi hội tụ đủ những điều kiện cần thiết của một căn cứ địa cách mạng ở buổi ban đầu, đó là thiên thời, địa lợi, nhân hoà và đáp ứng được nhu cầu mà công cuộc giải phóng dân tộc đặt ra.
Tháng 10-1941, với tầm nhìn chiến lược, Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ.”
Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đêm 19/12/1946, thì tầm nhìn chiến lược của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chọn vùng rừng núi Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng để xây dựng căn cứ địa kháng chiến càng được thể hiện rõ.
Đối với ATK Định Hoá - đây là địa bàn có vị trí chiến lược hiểm yếu với đồi núi xen lẫn thung lũng thuận tiện cho việc ẩn náu, có thể sản xuất tự cấp và giữ được bí mật; phía sau lưng là miền rừng núi đại ngàn, trước mặt là vùng trung du đồi gò bát úp và những dải đồng bằng hẹp tạo nên địa thế “tiến có thể đánh, lùi có thể giữ”.
Định Hoá có mạng lưới đường mòn tỏa đi các tỉnh khác trong căn cứ địa Việt Bắc thuận lợi cho việc tiếp tế, đảm bảo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ mau chóng, song lại gây trở ngại lớn cho việc hành quân cơ giới của địch; đồng thời có thể dễ dàng sang Cao Bằng, Lạng Sơn thông ra biên giới để đảm bảo giao lưu quốc tế.
Điều quan trọng hơn cả để ATK Định Hoá trở thành lựa chọn của lịch sử là bởi truyền thống yêu nước, sự thật thà, chất phác, thuỷ chung của đồng bào các dân tộc nơi đây. Bà con đã sẵn sàng nhường chỗ tốt nhất cho cán bộ, bộ đội ở và làm việc; hết lòng chở che, đùm bọc kháng chiến. Khẩu hiệu “3 không” là không nghe, không thấy, không biết được thực hiện một cách triệt để. Đồng bào cũng không ngại núi cao, suối sâu và cả bom đạn của địch, ngày đêm lăn lộn vận chuyển lương thực, đạn dược ra tiền tuyến.
Đoàn viên thanh niên huyện Định Hoá tìm hiểu lịch sử tại di tích đình Làng Quặng (xã Định Biên) - nơi hợp nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân để thành lập Việt Nam Giải phóng quân.
Nơi những quyết sách lớn ra đời
Trong một bài viết cách đây không lâu, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia nhấn mạnh: Một khi đã xác định có vùng ATK rộng lớn thì tất yếu phải thừa nhận khu trung tâm và vùng biến xoay quanh khu trung tâm đó. Nói như thế để khẳng định ATK Định Hoá xứng đáng được tôn vinh là di tích gắn với trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”. Điều này xuất phát từ 2 lý do: Định Hoá là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương Đảng - Bộ Tổng chỉ huy và là “bộ não” của cuộc kháng chiến trường kỳ; đây cũng là nơi ra đời hàng loạt quyết sách quan trọng, mang tính quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hẳn nhiên, trong số những quyết sách lớn ra đời tại ATK Định Hoá thì sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông Xuân1953-1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 6/12/1953) mang ý nghĩa trọng đại nhất. Đây chính là khởi đầu cho chiến thắng vĩ đại, một trong những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Trước đó, nhiều quyết sách lớn liên quan đến vận mệnh dân tộc đã được ban hành tại Định Hoá. Tháng 10-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phá tan cuộc tấn công mùa Đông của giặc pháp”. Năm 1948, tại đồi Khuôn Tát, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ và ký Sắc lệnh phong quân hàm đợt đầu cho cho các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó cao nhất là phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; tháng 10-1948, thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao; tháng 7-1950, thành Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên Giới và sau đó là mệnh lệnh mở các chiến dịch Trung Du, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào…
Nhiều sắc lệnh quan trọng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng được ký tại ATK Định Hoá. Đáng chú ý là sắc lệnh về nghĩa vụ quân sự; tổng động viên; kiện toàn Uỷ ban Kháng chiến; giảm tô và cải cách ruộng đất… Cũng tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp nhiều vị khách quốc tế, đặt cơ sở cho việc xây dựng nền ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều nước trên thế giới.
Còn rất nhiều nữa những địa danh và sự kiện lịch sử quan trong diễn ra tại ATK Định Hoá. Điều đó khẳng định, đây là một trong những cụm di tích lịch sử quan trọng bậc nhất của nước ta. Nhiệm vụ và trách nhiệm của thế hệ hôm nay là giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, biến đó thành động lực để xây dựng quê hương ngày một phồn vinh, thịnh vượng.