ATK Định Hóa - vẻ vang trang sử hào hùng

11:01, 11/05/2022

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng và kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thái Nguyên với vị trí chiến lược đã trở thành một bộ phận quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc oai hùng. Và trong hệ thống An toàn khu (ATK) của Trung ương đóng ở căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, việc chọn Định Hóa (Thái Nguyên) là trung tâm chỉ đạo cuộc kháng chiến là một quyết định đúng đắn, sáng suốt thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trung tâm lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc của cả nước

ATK Trung ương là một vùng an toàn, nằm sâu trong Căn cứ địa Việt Bắc, chủ yếu thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) và Chợ Đồn (Bắc Kạn). Đây là nơi ở và làm việc của các cơ quan đầu não kháng chiến như: Cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm 1947-1954. Đồng thời, đây cũng là nơi đứng chân, học tập, huấn luyện của các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục…

ATK Định Hóa có vị trí đặc biệt quan trọng đối với công cuộc kháng chiến. Nằm ở vị trí trung tâm của Căn cứ địa Việt Bắc, Định Hóa có địa thế hiểm trở, núi rừng bạt ngàn, phía Tây có dãy núi Hồng án ngữ, tạo nên bức tường thành kiên cố. Nối liền các xã là những con đường mòn nhỏ hẹp, kín đáo. ATK Trung ương ở Định Hóa chủ yếu thuộc địa phận các xã: Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên. Trong khu vực 4 xã có nhiều khe suối chảy qua, rất thuận lợi cho việc sinh hoạt và trồng trọt. Xen kẽ giữa các thôn, bản là những đồi cây rậm rạp, tạo thành bức màn phủ kín đường đi và nhà ở bên trong.

Tuy nằm trên địa phận nhỏ hẹp ở Định Hóa và một số huyện khác nhưng phạm vi hoạt động, ảnh hưởng của ATK Định Hóa không giới hạn trong phạm vi không gian tồn tại của nó, mà rộng khắp cả nước. Chính từ ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng để chỉ đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc. Cũng tại nơi đây, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh thường xuyên nhận được tin tức về tình hình kháng chiến ở các địa phương và có những chủ trương, biện pháp chỉ đạo kịp thời, đẩy mạnh mọi mặt hoạt động ở các khu, các tỉnh.

Cuối năm 1948, tại ATK Định Hóa, Bộ Tổng chỉ huy ra bản huấn lệnh gửi Nam Bộ, nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho phong trào kháng chiến Nam Bộ. Nhờ đó, phong trào kháng chiến ở Nam Bộ, sau một chặng đường vô cùng khó khăn trong những ngày đầu, tiếp tục đứng vững và phát triển…

Từ ATK Định Hóa, Bộ Tổng chỉ huy ngày đêm nghiên cứu định ra phương châm hoạt động cụ thể thích hợp cho từng chiến trường như mở các chiến dịch: Trung Du (1950), Đường số 18, Hà - Nam - Ninh (1951), Hòa Bình (Đông Xuân 1951-1952), Tây Bắc (Thu Đông 1952), Thượng Lào (Xuân Hè 1953). Lán Tỉn Keo (Phú Đình) đã từng là nơi Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thông qua chủ trương chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954. Và cũng chính tại nơi đây, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Cơ quan làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh, Văn phòng Trung ương Đảng tại xóm Nà Mòn, xã Phú Đình (Định Hóa). Ảnh: T.L

ATK Định Hóa cũng là một trong những nơi Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra các chủ trương, biện pháp chỉ đạo hoạt động kinh tế, tài chính, văn hóa… trong cả nước. Thực hiện chủ trương của Trung ương, khắp nơi trong vùng tự do, các ủy ban tự túc, tự cấp về ăn, mặc được thành lập. Các đơn vị bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, trường học… đều dành thời gian để tăng gia sản xuất… Ngoài lương thực và hoa màu, nhiều nơi nhân dân ta còn trồng bông, trồng dâu nuôi tằm. Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ - đặt tại xã Phượng Tiến - đã sản xuất được khối lượng giấy đáp ứng một phần lớn nhu cầu về giấy viết cho các cơ quan.

Cũng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ chính quyền các cấp. Người căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cuối năm 1947, tại xã Điềm Mặc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn Sửa đổi lối làm việc, ký bút danh X.Y.Z. Đây là một tài liệu rất bổ ích, giúp cho cán bộ, đảng viên trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong cách mạng. Những điều căn dặn của Người trong tác phẩm đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Là nơi tập trung các cơ quan đầu não quan trọng nhất để lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trong cả nước, ATK Định Hóa được coi là trung tâm của Thủ đô kháng chiến.

Nơi thực hiện chế độ dân chủ mới

Là ATK Trung ương, đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa sớm được hưởng nền tự do, dân chủ với những chính sách thực sự vì lợi ích của nhân dân. Trong ATK Định Hóa, bộ máy chính quyền các cấp từng bước được củng cố và kiện toàn, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ. Ở đây có các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng… được chia thành từng bộ phận nhỏ thường xuyên di chuyển, hòa vào với nhân dân ở những bản làng hẻo lánh, được sự che chở của nhân dân, khiến địch khó có thể phát hiện.

Tại Định Hóa, dù công quỹ Nhà nước còn hết sức eo hẹp, trong năm 1948, nông dân trong huyện vẫn được vay 40.000 đồng để mua trâu, bò, nông cụ. Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách cho nông dân vay vốn mua sắm nông cụ, Đảng bộ và các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống nhân dân các dân tộc. Ngoài khoản trợ cấp hằng năm của Tiểu ban Cứu tế tỉnh dành cho, Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện có biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn công quỹ của địa phương.

Ngoài ra, bà con nông dân trong huyện còn được tiếp thu các biện pháp kỹ thuật, được hướng dẫn tổ chức sản xuất, thành lập tổ đổi công. Ngay từ năm 1950, toàn huyện đã xây dựng được 100 tổ đổi công. Từ đó, phong trào xây dựng tổ đổi công được mở rộng. Suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Định Hóa là một trong những huyện có phong trào xây dựng tổ đổi công mạnh nhất tỉnh Thái Nguyên.

ATK Định Hóa cũng là nơi đầu tiên thể nghiệm chính sách thuế nông nghiệp (5-1951) của Chính phủ. Không những là nơi thực hiện thí điểm các chính sách kinh tế, tài chính, từng bước đem lại quyền lợi vật chất cho nhân dân các dân tộc, ATK còn là nơi được chú trọng chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, nhất là từ khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với vị trí là ATK Trung ương, bộ mặt xã hội ở huyện Định Hóa từng bước đổi thay. Các trường học được mở ra ở nhiều nơi. Đến cuối năm 1950, mỗi xã đã có một trường phổ thông, với tổng số 80 lớp, gồm 1.230 học sinh và 38 giáo viên. Phong trào Bình dân học vụ ngày càng mở rộng.

Việc chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong vùng được quan tâm. Thực hiện phương châm “phòng bệnh là chính”, cuộc vận động nếp sống vệ sinh với phong trào “Ba sạch” (ăn sạch, uống sạch, ở sạch) phát triển rộng rãi ở nhiều nơi. Hiện tượng “cầu ma”, “cúng ma” giảm dần. Công tác tuyên truyền thời sự, chính sách được chú trọng, các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng mở rộng. Đến cuối năm 1950, toàn huyện đã làm được 7 nhà thông tin, 3 bảng dán tin tức, 70 chòi phát thanh, 69 loa phát thanh và 62 khẩu hiệu có tính chất lâu dài…

Đầu mối quan hệ trong và ngoài nước

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến trường toàn quốc bị chia cắt; vùng tự do và vùng tạm bị địch chiếm xen kẽ nhau, việc giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự liên hệ giữa ATK Định Hóa với các địa phương, các chiến trường khắp ba miền Bắc - Trung - Nam vẫn được giữ vững.

Đóng vai trò Thủ đô kháng chiến của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ATK Định Hóa còn là nơi đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu nước ngoài. Năm 1948, tại một địa điểm thuộc xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của Chu Ân Lai, bàn về việc phối hợp chiến đấu giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội cách mạng hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Bác Hồ nói chuyện về tình hình cách mạng trong nước và thế giới với cán bộ, chiến sĩ bảo vệ và phục vụ những ngày ở Chiến khu Việt Bắc.

Từ ATK, chuyến đi bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc và Liên Xô (tháng 1-1950) đã mở ra một thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trung Quốc, Liên Xô, sau đó một loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tiếp các đoàn nước ngoài như Liên Xô, Pháp, Thụy Điển,… Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cử một số cố vấn sang Việt Nam, thường xuyên làm việc tại ATK Định Hóa, giúp đỡ Chính phủ ta về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính. Ngày 1/9/1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), huyện Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Đây là Lễ nhận quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Có thể khẳng định rằng, mối quan hệ thân thiện, hợp tác mở rộng giữa nước ta và các nước trên thế giới được bắt nguồn từ ATK Thái Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong những ngày đầu tiên sau khi hòa bình lập lại.