Điện Biên Phủ trong ký ức người lính già

09:30, 07/05/2022

Trong hành trình làm báo của mình, tôi từng may mắn gặp nhiều cựu binh, nghe kể về không ít trận chiến khác nhau. Mỗi câu chuyện với nhiều cung bậc cảm xúc như những thước phim lịch sử sống động, hào hùng, mang đậm khí chất quả cảm của dân tộc. Câu chuyện với Đại tá Lê Khắc Phấn, người chiến sĩ trực tiếp tham gia giành giật từng tấc đất ở đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong số những câu chuyện như thế.

Về tổ dân phố Yên Trung, phường Ba Hàng (TP. Phổ Yên), hỏi thăm nhà ông Phấn không khó. Bởi bà con ở đây ai cũng kính mến vị Đại tá già và gia đình giàu văn hóa truyền thống, hiếu học của ông. 95 tuổi, độ tuổi “xưa nay hiếm”, ông Phấn có lúc nhớ nhớ quên quên. Nhưng khi hỏi chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, ông vẫn kể vanh vách. Ông hỏi tôi muốn nghe gì nhiều nhất và kể rành rẽ, bài bản để tôi mường tượng toàn cảnh Chiến dịch và những ký ức không thể nào quên.

“Nắm cơm đẫm bùn”

Ông Phấn sinh ra và lớn lên ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1947, khi tròn 20 tuổi, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, biên chế tại Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Sau nhiều năm huấn luyện, tham gia Chiến dịch Tây Bắc rồi về Bắc Ninh, cuối năm 1953, ông cùng đồng đội hành quân lên Điện Biên tham gia chiến trận trong điều kiện vô cùng gian khó, nhất là về đường đi, vận chuyển lương thực, vũ khí.

Ngày đó, lương thực chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh miền Trung, lúc đầu bằng sức người, sau đó dùng sức trâu, bò và các phương tiện thô sơ khác trên quãng đường 500km, nhiều dốc đá hiểm trở. Riêng bộ đội chủ lực như ông, mỗi người vác trên vai quân trang nặng khoảng 34kg với các vật dụng như quần áo, nước uống, gạo, muối, cuốc, xẻng… Có nhiều lúc trên đường hành quân, các chiến sĩ đói lả hay bị những cơn sốt rét rừng hành hạ nhưng anh em luôn động viên nhau tiếp tục tiến về phía trước.

Mường tượng lại chuyện đi chiến dịch, ông Phấn kể: Ban đầu, chủ trương của ta là “đánh nhanh, thắng nhanh”, để chuẩn bị cho phương thức đánh này, quân ta kéo pháo, tập trung lực lượng, nhưng sau đó, vì tình hình chiến trường nên ta buộc phải rút pháo và bộ binh ra khỏi trận địa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người trực tiếp chỉ huy Chiến dịch và Bộ Chỉ huy nhận thấy cách đánh này có phần chủ quan và khó khăn, như: Bộ đội chủ lực của ta chưa có kinh nghiệm đánh tấp cập công sự liên hoàn trên địa hình bằng phẳng, vào ban ngày; pháo binh và bộ binh chưa từng đánh hiệp đồng lớn; đối phương có ưu thế vượt trội về máy bay, xe tăng và pháo binh. Vì vậy, Đại tướng cho rằng phải tổ chức lại trận đánh theo phương án “đánh chắc, thắng chắc”, theo kiểu sử dụng lối đánh bóc vỏ, đào hào, áp sát, vây lấn, tiêu diệt từng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Và thế là thay vì cầm súng chiến đấu, bộ đội ta tập trung đào giao thông hào không kể ngày đêm. Ông Phấn nhớ lại: Do hệ thống công sự của Pháp kiên cố, chằng chịt hàng rào thép, bãi mìn, hỏa lực nên ban đêm, khi chúng tôi đào hầm tiến vào các cứ điểm chỉ cần một tiếng động nhỏ thì hỏa lực của địch bắn như mưa. Có những đêm, cả trăm anh em ra đào hầm nhưng đến sáng chỉ còn vài chục người. Lính đông, anh em đối mặt với cái đói, khát... Sau này làm thơ, ông viết: Chiến hào ngập nước bùn trơn/Để ai trượt ngã cho cơm đẫm bùn/Không ăn bụng đói dạ run/Ăn, thì phải gạt bớt bùn mà ăn.”

Giành giật từng tấc đất đồi A1

Đơn vị ông Phấn được phân công trực tiếp đánh đồi A1. Ông lúc đó là Đại đội phó, bên cạnh chỉ huy, tham gia chiến đấu cùng đồng đội và đảm nhiệm về hậu cần. Nói về trận đánh tại đồi A1, ông Phấn bồi hồi: Đây là trận đánh khó khăn, kéo dài và thương vong nhiều nhất trong Chiến dịch. Khó là bởi, khác với cứ điểm khác, ngoài đường giao thông hào, tại đồi A1, anh em thay nhau dùng cuốc chim, xẻng để đào hầm ngầm xuyên đồi dài khoảng 50m, mất gần 2 tháng mới tiếp cận được địch. Hơn nữa, trận đầu đánh đồi A1, sấm vang rền, trời đổ mưa tuôn, nước chảy xuống giao thông hào, quân ta lội bì bõm dưới nước.

Trận đánh diễn ra từ ngày 303 đến 7/5/1954, trong 2 ngày đầu, ta chỉ chiếm được nửa quả đồi. Từ ngày 31-3 đến ngày 7-5, ta và địch “cò cử”, lấn nhau từng tấc đất, mình quyết tâm chiếm toàn bộ quả đồi, tiêu diệt hoàn toàn, còn địch thì quyết tâm giữ. Đến đêm 6/5/1954, đơn vị được lệnh kích nổ khối bộc phá khiến rung chuyển cả quả đồi, gần một đại đội của địch bị tiêu diệt, Trung đoàn 174 ném thủ pháo, đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1.

Nói đến đây, giọng của người lính già chùng xuống. Trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt, chiến đấu không ngừng nghỉ ngày nào cũng có đồng chí, đồng đội hy sinh, có người bị thương. Ở thời điểm đó, chiến hào của mình và địch gần nhau nên thấy tiếng động là chúng bắn xối xả. Thế nhưng, đau đớn nhất với ông là những giây phút chứng kiến đồng đội mình ngã xuống…

Trở về từ cuộc chiến, ông Phấn xây dựng tổ ấm nhỏ của mình, sau đó, tham gia công tác tại Tổng cục Hậu cần, rồi làm Hiệu trưởng Trường Quân nhu. Năm 1980, sau nhiều năm có những thành tích trong chiến đấu và công tác, ông được phong quân hàm Đại tá. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Mấy năm trước còn khỏe, các cơ quan, đơn vị, trường học cũng thường  mời ông đến nói chuyện về Chiến dịch Điện Biên cho các thế hệ thanh thiếu nhi.

Gia đình ông Phấn.

Hàng năm, mỗi khi đến ngày 7-5 là ký ức về Điện Biên của người lính già lại trào dâng với niềm xúc động khó tả. Những lúc đó, ông hay làm thơ. Ông Phấn cũng là thành viên của Hội Văn học Nghệ thuật TP. Phổ Yên. Đến nay, ông đã xuất bản được 3 tập thơ về đề tài chiến tranh, người lính. Trong số các tác phẩm ấy, có bài “Mừng Đảng Cộng sản Việt Nam 60 năm, 4 mốc son chói ngời” được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thư động viên, khen ngợi. Chiến tranh đã lùi xa, Chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành câu chuyện huyền thoại. Điều ông mong muốn là mỗi thế hệ trẻ hiểu được quá khứ vừa hùng tráng vừa bi thương, từ đó, tiếp nối những truyền thống vẻ vang của dân tộc.