Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn kế hoạch quân sự Nava của Pháp - Mỹ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh trên chiến trường Đông Dương. Chiến thắng ấy bắt nguồn từ một quyết định quan trọng, ra đời tại Định Hóa ngày 6/12/1953.
Diễn tập thực binh góp phần vào quyết định lịch sử
Bước vào đông xuân 1953-1954, khi bắt đầu triển khai kế hoạch Nava, phát hiện hướng tiến công chủ yếu của quân ta lên Tây Bắc và Thượng Lào, thực dân Pháp điều lực lượng lớn quân đội lên hướng đó, cho quân đổ bộ bằng đường hàng không xuống cánh đồng Mường Thanh chiếm Điện Biên Phủ.
Theo đánh giá của Nava và nhiều nhà quân sự Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ ở vào một vị trí chiến lược quan trọng không chỉ đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với cả khu vực Đông Nam Á. Do đó, Điện Biên Phủ được Pháp, có Mỹ giúp đỡ xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, thành trung tâm của kế hoạch Nava.
Trước tình hình trên, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II diễn ra ngày 25 đến ngày 30/1/1953, nhiệm vụ quân sự của ta đặt ra là: “Phải tăng cường quân đội về mọi mặt; đánh vận động chiến là chính, công kiên chiến là phụ; đảm bảo đánh chắc thắng thì kiên quyết đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Địch muốn tập trung thì ta buộc địch phải phân tán, chọn hướng Tây Bắc là hướng chính để mở chiến dịch tiến công”.
Sau Hội nghị, Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp nghiên cứu, hướng dẫn các đơn vị huấn luyện đánh công sự vững chắc và đánh vận động. Đầu tháng 7-1953, tại Định Hóa, Bộ Tổng tham mưu tổ chức Hội nghị nghiên cứu đánh công sự mới, đánh tập đoàn cứ điểm. Sau khi thảo luận, Hội nghị đã chọn Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 tổ chức diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm và quyết định chọn địa điểm 3 xóm: Bản Soi, Đèo Tọt, Đồng Làn, xã Đồng Thịnh (Định Hoá) là nơi bố trí công sự trận địa của “địch”. Các xóm này nằm gọn trong thung lũng lớn. Địa hình gần giống với lòng chảo Điện Biên Phủ. Đặc biệt là khu vực được bố trí hầm hào kiên cố gần giống địa hình ở Đồi A1.
Giữa tháng 9-1953, công tác chuẩn bị công sự trận địa “địch” đã xong, cấp ủy, chính quyền và tiểu đoàn dân quân địa phương đã giúp dân thu hoạch lúa vụ hè thu sớm, vận động nhân dân sơ tán tới xã Định Biên trong thời gian một tuần để Trung đoàn 102 thực hành diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm. Cuộc tập trận thành công đã góp phần quan trọng vào quyết định lịch sử làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”.
Ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo, Phú Đình, sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo tình hình chiến sự, Bác Hồ và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh "Trần Đình". Thành lập Đảng ủy mặt trận và cử Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch. Trung đoàn 102, trong đội hình Đại đoàn 308 nhận lệnh lên đường chiến đấu. Với truyền thống, kinh nghiệm ở các chiến trường và cuộc sát hạch trong diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm ở Đồng Thịnh, Trung đoàn 102 đã cùng Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) tiêu diệt địch và làm chủ Đồi A1, C1 tạo bàn đạp để các đơn vị tiến công tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Tự hào hôm nay và mơ ước mai sau
Lán Tỉn Keo, nơi diễn ra quyết định lịch sử nay là địa chỉ đỏ hàng ngày đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Có mặt tại di tích Tỉn Keo, cô giáo Đỗ Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương cho biết: Với gần 400 học sinh ở 4 khối lớp, chúng tôi thường tổ chức đưa các em đi thực tế để giáo dục truyền thống cách mạng. Sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi cả nước bước vào trạng thái bình thường mới, chúng tôi tổ chức ngay chuyến đi này. Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi đến với địa danh Tỉn Keo, nhưng mỗi lần đến là thêm một lần cảm xúc, rất đỗi tự hào.
Cùng niềm vui, phấn khởi như cô giáo Hường, anh Dương Thanh Bình, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, xúc động nói: Mặc dù đã biết đến ATK Định Hóa qua sách báo, nhưng khi đến đây thì niềm cảm xúc của tôi khó diễn tả bằng lời. Rất nhiều sự kiện, quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc được quyết định từ nơi đây. Chuyến đi lần này tôi đưa cả gia đình lên, để 2 con của tôi thêm hiểu về lịch sử cách mạng, về sự hy sinh của thế hệ cha anh…
Đường giao thông đến trung tâm các xã của huyện Định Hóa được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho giao thương của người dân.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất chiến khu xưa đang “thay da đổi thịt”, đời sống của nhân dân được nâng lên, toàn huyện không còn hộ đói, số hộ nghèo dần được kéo giảm. Hệ thống đường giao thông được mở rộng, cứng hóa tới tận các xóm, bản xa xôi, nhiều khu đô thị mới, nhà máy đang dần hiện hữu giữa núi rừng hùng vĩ, huyện quyết tâm phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2023.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, địa phương luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, cách mạng. Mới đây, Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đã được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 197ha gồm 5 khu vực tại các xã: Phú Đình, Điềm Mặc, Định Biên, Bảo Linh và thị trấn Chợ Chu, với các di tích, cụm di tích tiêu biểu như: Cụm di tích trung tâm xã Phú Đình; Di tích địa điểm Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng tại Phụng Hiển; Di tích nơi ở và làm việc đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc của Bác Hồ ở Khau Tý…
Tổng mức đầu tư đến năm 2030 theo Quy hoạch là trên 754 tỷ đồng. Trong đó, gần 356 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương; gần 224 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và trên 174 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác. Trên cơ sở này, huyện sẽ có tiềm lực để đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa gắn với lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại các điểm di tích, tạo thành các sản phẩm đặc sắc thấm đượm nét riêng của chiến khu xưa.