“Sửa đổi lối làm việc”- 75 năm vẫn còn nguyên tính thời sự (*)

09:15, 12/05/2022

Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1947, trong khi thực dân Pháp ráo riết mở cuộc tấn công lên Việt Bắc, tại căn lán nhỏ trên đồi Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thiện cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Tác phẩm có ý nghĩa không chỉ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà trường tồn theo thời gian, đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị lịch sử, tính thời đại, tính thời sự.

“Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm đặc biệt quan trọng về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Qua công cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền non trẻ mới được hai năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra các khiếm khuyết trong tổ chức, bộ máy, những nhược điểm trong phương thức, lề lối làm việc, nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và sự nghiệp cách mạng.

Thực tiễn cách mạng đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng là vô cùng cấp thiết, phải thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của tổ chức Đảng và toàn dân tộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi. “Sửa đổi lối làm việc” nhằm giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, sửa chữa khuyết điểm về cách thức tổ chức, lề lối, tác phong làm việc, tư tưởng, đạo đức, lối sống, từ đó nâng cao năng lực công tác, sức chiến đấu, sức mạnh đoàn kết, nêu cao đạo đức cách mạng, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, đáp ứng nhiệm vụ mà Đảng và dân tộc giao phó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”. “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”.

 Người chỉ rõ: “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích: đánh đuổi thực dân Pháp và làm cho nước thống nhất và độc lập. Vì vậy mỗi một đồng chí và toàn cả đoàn thể phải: sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí. Cuộc trường kỳ kháng chiến này tức là dân tộc cách mệnh đến trình độ tối cao. Trong lúc này tư tưởng và hành động của mỗi một đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to; sai một ly đi một dặm. Vì vậy chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm…” .

Người thường nói: “Nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy. Và cả vùng đó tỏ ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ. Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó, như đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi… Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn”.  Phải hiểu rõ: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”; phải đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” .

Có thể nói, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” thể hiện tư tưởng đổi mới đầu tiên của Bác trong điều kiện Đảng cầm quyền, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tác phẩm được coi là cuốn cẩm nang, kim chỉ nam hành động của Đảng và dân tộc trong công tác xây dựng Đảng.

Với tác phẩm này, Bác đã trang bị cho cán bộ, đảng viên và toàn Đảng những thước đo, chuẩn mực đạo đức để rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, khả năng tập hợp, thu hút, dẫn dắt, lãnh đạo nhân dân từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng.

Ngay tại thời điểm ra đời, tác phẩm đã đi vào thực tiễn chỉ đạo cuộc trường chinh cách mạng, trường kỳ kháng chiến của Đảng và dân tộc, tạo nên phong trào sửa đổi lối làm việc và thi đua ái quốc rộng khắp trên cả nước, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Tác phẩm có ý nghĩa không chỉ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà trường tồn theo thời gian, đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị lịch sử, tính thời đại, tính thời sự, nhất là hiện nay Đảng ta đang đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tự hào là nơi ra đời tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thái Nguyên cùng các địa phương trên cả nước đang từng ngày phấn đấu, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, giàu mạnh. Lời Người dạy trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” mãi là tài sản vô giá, ngọn hải đăng soi sáng toàn Đảng, toàn dân tộc nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng nỗ lực rèn luyện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực sự trở thành Đảng cầm quyền “đạo đức”, “văn minh”…

(*) Đầu đề do Toà soạn đặt.