Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022: Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội đều tăng

TNĐT (t/h) 16:45, 29/10/2022

Chiều 29-10, Văn phòng Chính phủ tổ chức tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, cùng những vấn đề mà dư luận xã hội và báo chí quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm - Ảnh: VGP

Buổi họp báo Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Theo thông tin tại buổi họp báo, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản tăng 2,14%. Trong tháng 10/2022, dưới sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản tốt. Tính đến ngày 17/10/2022, huy động vốn tăng 4,69%; tín dụng tăng trưởng 11,29% so với cuối năm 2021.

Về thu, chi ngân sách nhà nước: Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2022 ước đạt 1.464,3 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng chi ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 1.219,2 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, tăng 6,3%,

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng năm 2022 ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%; ngành khai khoáng tăng 5%.

Về các hoạt động dịch vụ, tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%); trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.675,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 467,1 nghìn tỷ đồng, tăng 51,8%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 19,7 nghìn tỷ đồng, bằng 291,6% cùng kỳ.

Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2%.

Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có gần 125.821 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 834.982 lao động, tăng 18,0%; có 52.664 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 49%; có 66.401 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 36,9%, có 40.308 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,2%, 15.426 doanh nghiệp làm thủ tục giải thế, tăng 13,4%.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2022 ước đạt 1.464,3 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng chi ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 1.219,2 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, tăng 6,3%.

Kinh tế Việt Nam dần hồi phục sau dịch COVID-19. Ảnh: Kinh tế đô thị

Trong cả nước, ước giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đến 31/10/2022 là 297.774,16 tỷ đồng, đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 55,8%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ là 40.387 tỷ đồng, tăng khoảng 16%. Đồng thời tính đến ngày 20/10/2022, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt hơn 22,46 tỷ USD, bằng 94,6% so với cùng kỳ. Uớc tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 17,73 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ.

Họp báo cũng đã thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022 diễn ra sáng 29-10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trong phiên họp này, Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành đó là: Càng khó khăn, càng có nhiều thách thức thì càng phải đoàn kết thống nhất, chia sẻ với nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức; phải giữ đoàn kết trong - ngoài, nội - bộ, trên - dưới; cùng với đó là bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống chính trị. 

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin khoa học, kịp thời, hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, nhưng phải linh hoạt và hiệu quả; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, góp phần để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận dễ dàng hơn nguồn tín dụng; hướng mạnh tín dụng vào sản xuất kinh doanh.

Bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); tăng cường quản lý, kiểm soát giá, xây dựng kịch bản điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và đời sống, nhất là các mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm.Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng đáp ứng nhu cầu cuối năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng cho xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước tăng trong dịp cuối năm. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động các nguồn, bình ổn giá cả thị trường, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, các công trình hạ tầng mang tính động lực cho phát triển. Bảo đảm chất lượng, tiến độ hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong năm 2022; kế hoạch đầu tư công năm 2023. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện các dự án luật, bảo đảm tiến độ, phù hợp tình hình thực tiễn. Rà soát các quy định, cơ chế, chính sách; sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định chồng chéo, thiếu hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn về bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch COVID-19 trong môi trường học đường, thúc đẩy tiêm chủng vắc-xin cho học sinh, sinh viên. Khẩn trương khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế. Có giải pháp hiệu quả nâng cao năng suất lao động.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tập trung vào triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý báo chí; chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch; xử lý nghiêm các vi phạm.