Trong số hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có khá nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều ý kiến nhất trí cho rằng, dự thảo mới đã bổ sung các quy định để tạo điều kiện thực hiện hiệu quả chính sách đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. |
Góp ý về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Điều 17 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đã giao Chính phủ quy định khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương cụ thể hóa chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Tiến sĩ Phạm S cũng đề nghị bổ sung quy định về hộ gia đình, cá nhân người đồng bào dân tộc thiểu số được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Ngoài ra, cần có quy định về hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khuyến khích các hộ dân là người dân tộc thiểu số ổn định đời sống, sản xuất. Cần có điều luật về quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế được tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép do thiếu đất sản xuất.
Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong cộng đồng dân tộc thiểu số quy định tại Điều 42, theo ông Nguyễn Tiến Thanh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nên quy định cho phép cộng đồng dân cư sử dụng đất được góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cần quy định rõ có sự tham gia trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Hội Nông dân thẩm định phương án góp vốn để tránh tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để chiếm dụng quyền sử dụng đất.
Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, dự thảo Luật đã quy định theo hướng ưu tiên giải quyết đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế, có trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất ở để làm nhà nhưng không có tiền để nộp. Do đó, cần bổ sung quy định đối với việc ghi nợ tiền sử dụng đất đối với trường hợp này.
Đối với việc công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, ông Yên đề nghị sửa điểm a khoản 2 Điều 137, "thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn chiếm tranh chấp đất đai", thành "thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp có nguồn gốc từ lấn chiếm đất của các nông, lâm trường sử dụng ổn định không tranh chấp đất đai".
Về việc thu hồi diện tích đất đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật bị lấn chiếm, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư không đúng quy định, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết: Thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP, tỉnh Kon Tum đã hoạch định lại diện tích đất bị lấn chiếm, diện tích đất của các đơn vị không sử dụng được giao về cho địa phương quản lý.
Hiện nay, việc giải quyết đối với diện tích đất này rất khó khăn, vì đa số người dân sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành, cần có chính sách, quy định cụ thể để giải quyết theo hướng: đối tượng nào được tiếp tục sử dụng đất, đối tượng nào không được sử dụng; hạn mức cho thuê, hoặc cấp quyền sử dụng ra sao...
Ông Nguyễn Ngọc Sâm kiến nghị, diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý phải tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính; cần bổ sung thêm quy hoạch về quy định hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp cho các hộ dân tộc thiểu số, nhằm khuyến khích các hộ dân là người dân tộc thiểu số ổn định đời sống, sản xuất, cho phép người dân nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng để hạn chế tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn) Đinh Thị Chuyên San đề xuất dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về thời gian được quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất đối với vấn đề đất đai liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Báo cáo mới nhất về kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2019 cho thấy, cả nước có 24.532 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở; 210.400 hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất... Nguyên nhân bởi việc giải quyết đất ở, đất sản xuất chưa tốt; thiếu quy định phù hợp phong tục, tập quán của một số dân tộc thiểu số trong sử dụng đất.
Thực tế tại nhiều địa phương cũng cho thấy tình trạng thiếu đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn diễn ra trong khi việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào di cư tự phát, mua-bán đất chưa được giải quyết thấu đáo. Theo ý kiến của các nhà khoa học, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần tạo điều kiện thực hiện hiệu quả chính sách đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin