Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự vừa được Quốc hội thông qua quy định, việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự phải không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm bí mật nhà nước; phù hợp với quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. |
Thống nhất quy định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự liên quan thu hồi đất quốc phòng
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 24/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự án luật này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 470 đại biểu trên tổng số 471 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,14 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Theo quy định tại Điều 12 về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự phải không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm bí mật nhà nước; phù hợp với quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Luật quy định rõ các trường hợp công trình quốc phòng và khu quân sự được chuyển mục đích sử dụng, bao gồm: Chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cần chuyển mục đích sử dụng để phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ nhu cầu dân sinh; còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng nằm trong phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Bộ Quốc phòng thống nhất bằng văn bản về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. |
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng nội dung và kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật; Chính phủ đã có văn bản nhất trí với dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý. Ngày 23/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo đầy đủ số 693/BC-UBTVQH15.
Đối với quy định về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 12, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để thống nhất quy định về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự liên quan đến việc thu hồi đất quốc phòng được quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý điểm a khoản 3 Điều 12 dự thảo Luật này như sau: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác đối với trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này, đồng thời xem xét, chấp thuận việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất có công trình quốc phòng và khu quân sự được chuyển sang mục đích khác”.
Việc quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự trong phạm vi Bộ Quốc phòng, vẫn sử dụng cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng tại điểm b khoản này được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở luật hóa các quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền của Bộ trưởng Quốc phòng trong quản lý, sử dụng tài sản công đã thực hiện ổn định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 24/11/2023. |
Tạo cơ sở pháp lý thiết lập, bố trí trang, thiết bị quân sự và khu quân sự trên không
Về phá dỡ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 13), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “do yêu cầu bảo đảm bí mật Nhà nước mà”, bỏ cụm từ “hoặc bán, thanh lý” tại cuối điểm c khoản 1 Điều này và chỉnh lý lại như sau: “Không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng do yêu cầu bảo đảm bí mật Nhà nước mà không được chuyển mục đích sử dụng;” để rõ ràng, cụ thể hơn về trường hợp không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà không thể chuyển mục đích sử dụng, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Tiếp thu ý kiến đại biểu về xác định phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 17), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “hoặc khoảng không của khu quân sự khi được thiết lập trên không” vào cuối điểm b khoản 1 Điều này để thống nhất với khoản 2 Điều 2 dự thảo luật, phù hợp với thực tiễn và tạo cơ sở pháp lý khi thiết lập, bố trí trang, thiết bị quân sự và khu quân sự trên không. Đồng thời, qua rà soát, để bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản 2, 3 và khoản 4 như dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Đối với chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự (Điều 18), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, thực tế hiện nay, hệ thống ăng-ten quân sự có nhiều chủng loại, các chướng ngại vật ăng-ten cũng rất đa dạng; dự thảo luật chỉ quy định chế độ bảo vệ đối với hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự thực hiện nhiệm vụ của cấp chiến dịch, chiến lược mà không điều chỉnh đối với hệ thống ăng-ten thông tin liên lạc của Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và tương đương.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm cụ thể, rõ ràng, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý khoản 4 Điều 2 và điểm a khoản này như dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều, sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin