Việc sáng lập nền báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để có vũ khí đấu tranh, giáo dục, thuyết phục quần chúng của người làm cách mạng, của phong trào cách mạng. Chính vì thế nên Bác hoạt động báo chí rất dũng cảm và đã để lại một di sản đồ sộ cả về lý luận và tác phẩm báo chí.
Phóng viên, cộng tác viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp tại Định Hóa. Ảnh: T.L |
Nói về những tính chất, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của báo chí thì vô cùng rộng lớn và phong phú. Chúng tôi giới thiệu chủ yếu trong bài viết này là tính chiến đấu và nhiệm vụ cổ vũ nhân tố mới - những nhiệm vụ cốt lõi mà Bác luôn nhắc.
Về tính chiến đấu: Ngay từ khi ra đời, các tờ báo do Bác sáng lập đều đề cao sức chiến đấu để đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thiết lập quyền làm chủ của nhân dân theo con đường xã hội chủ nghĩa, bình đẳng, ấm no, tự do, hạnh phúc.
Thực tế chứng minh: 100 năm kể từ khi ra đời, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cam go, hào hùng, chúng ta đã huy động nhiều mặt trận: Đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, tư tưởng, văn hóa, ngoại giao, kinh tế… Báo chí là một mặt trận cụ thể.
Với báo chí, phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8/9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh thêm: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy cũng là vũ khí sắc bén của họ”. Còn trong Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi ngày 24/4/1965, Bác Hồ viết: "Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: báo chí cách mạng là một bộ phận của cuộc chiến đấu cách mạng và bản chất chiến đấu của sự nghiệp cách mạng quyết định tính chiến đấu của sự nghiệp cách mạng. Một tờ báo không có tính chiến đấu là một tờ báo không có linh hồn. Một tờ báo chỉ nói những điều vô thưởng, vô phạt, những điều ở ngoài lề cuộc sống… thì chưa được coi là tờ báo cách mạng.
“Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu” (Bác phát biểu tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 4-1959)…
Có thể cô đọng quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chiến đấu của báo chí cách mạng gồm 4 nội dung: Báo chí là một mặt trận; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người làm báo; bài báo là tờ hịch cách mạng.
Về tuyên truyền nhân tố mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng tích cưc, đồng lòng thì việc gì cũng thành công. Việc cổ vũ nhân tố mới, phát huy gương người tốt, việc tốt là nhiệm vụ, cũng là lợi thế của báo chí cách mạng…
Ngay từ năm 1924, sau khi dự mít tinh của sinh viên Trường Đại học Phương Đông, Bác viết thư gửi Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản: “Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Nghĩa là những tấm gương cụ thể luôn luôn có giá trị thuyết phục rất lớn.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đối với công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt những tấm gương người tốt, việc tốt, những nội dung mới. Bác nhắc, tư tưởng chủ đạo về cổ vũ cũng phải “Nói đi đôi với làm”, người hô hào cũng phải là một tấm gương. Việc cổ vũ nhân tố mới, phải đi liền với phê phán các hành vi tiêu cực.
Ngay từ năm 1947, tại lán Khau Tý đơn sơ thuộc xã Điềm Mặc (Định Hóa), Bác đã hoàn thiện và cho in cuốn Sửa đổi lối làm việc ký tên XYZ, phê phán các bệnh: Tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi, bệnh địa phương, bệnh óc lãnh tụ; quan liêu, tham ô, lãng phí, bảo thủ… đến ngày nay còn nguyên giá trị thực tiễn.
Ngày 3/2/1969, Báo Nhân Dân đăng bài báo: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đây là bài báo hết sức quan trọng của Bác gửi hậu thế trước lúc đi xa. Bác luôn đề nghị khi viết về cổ vũ nhân tố mới thì phải viết cho hay, cho chân thực, hấp dẫn…
Tôi nhớ lại lần gặp ông Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cách đây 5 năm, ông Thắng kể: Nhật ký của bố tôi (nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) ghi: “Ngày 24/4/1949, giảng về viết kịch tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở Đại Từ”. Thì ra, trong chương trình học của Trường, Bác đã chỉ đạo rõ các chuyên đề. Viết về đường lối kháng chiến có giảng viên Trường Chinh; về quân sự có giảng viên Võ Nguyên Giáp; về đối nội, đối ngoại có giảng viên Xuân Thủy; về văn hóa, văn nghệ có các giảng viên Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân...
Tư tưởng của Bác là trong báo có văn, trong văn có báo, như vậy tác phẩm mới sâu sắc, hấp dẫn. Bác cho rằng: Không chỉ nêu lập trường và mục đích viết báo mà còn phải có phương pháp lấy tư liệu, xác định đề tài, thể hiện bài viết. Mục đích cuối cùng là thuyết phục, hấp dẫn người đọc, người nghe, người xem, cổ vũ mọi người làm theo...
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên điện tử, kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo; điều kiện làm việc vô cùng tiện ích. Nhưng, trí tuệ nhân tạo không thay được cảm xúc của con người. "Nhà báo AI" không bao giờ có thể “ba cùng” với người lao động để phản ánh tâm tư, tình cảm của cuộc sống lên mặt báo.
Cách đây tròn 75 năm, ngày 9/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lá thư thứ nhất cho học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Người viết: ”Muốn viết bài báo khá thì cần gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực...”.
Tấm gương lao động nghề báo, tư tưởng hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường để báo giới phục vụ tốt nhất cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin