“Trên đường ta về lại Thủ đô/Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ” - Tố Hữu. Mùa Thu này, cảm xúc dâng trào trong mỗi tâm hồn Việt Nam. Chúng ta đang cùng nhân dân cả nước hướng về Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) bằng những hành động và việc làm thiết thực. Tôi trở lại Đại Từ tìm ký ức xưa vì sau 9 năm kháng chiến, Bác Hồ, Trung ương về đây làm các công việc cho ngày tiếp quản Thủ đô Hà Nội… Cũng những ngày ấy, nhà thơ Tố Hữu đã quyến luyến mà viết những bài thơ bất hủ: Việt Bắc, Ta đi tới…
Năm 2006, Di tích nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Thành Trúc (xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại, Đại Từ) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. |
… Với Việt Bắc, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 15 năm ở và làm việc: Trước Cách mạng Tháng Tám từ năm 1941 đến 1945; trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1947 đến 1954… Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung nói về mấy tháng cuối năm 1954, trong đó có ngày 18 và 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ nơi ở - căn nhà sàn đơn sơ trên đồi Thành Trúc của xóm Đầm Mua, xã Hùng Cường (Đại Từ) - nơi đặt “Phủ Chủ tịch” từ tháng 8 đến hết tháng 10/1954, về Đền Hùng cẩn cáo tổ tiên sau thắng lợi tại Điện Biên Phủ và trước khi trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội sau 9 năm xa cách.
ATK Đại Từ là nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ cùng các cơ quan đầu não của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đóng đại bản doanh sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5) và thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), mấy tháng trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Mấy tháng nhưng đã triển khai nhiều việc hệ trọng, quyết sách lớn trong đối ngoại, đối nội của ta. Báo chí mấy chục năm qua có nhắc nhưng chưa tương xứng với tầm vóc của địa danh về những sự kiện năm ấy, cũng như cuộc sống hôm nay ở vùng đất này.
Tháng 10 này, chúng tôi tìm về những địa danh xưa để ghi chép lại, với mong muốn một lần nữa giới thiệu về con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ nơi ở - căn nhà sàn trên đồi Thành Trúc - nơi đặt “Phủ Chủ tịch”, về Đền Hùng cẩn cáo tổ tiên sau thắng lợi tại Điện Biên Phủ và trước khi trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội... Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng, Chính phủ cùng các cơ quan đầu não từ Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang); Chợ Đồn (Bắc Kạn)... ATK Định Hóa (Thái Nguyên) chuyển dần về ATK Đại Từ tổ chức các công việc chuẩn bị cho ngày về tiếp quản Thủ đô... Đại Từ là vùng an toàn, nơi hội tụ nhiều thế mạnh, là nơi đi về của các đoàn quân, cơ quan của ta…
Chúng tôi cùng nhau đến Di tích lịch sử đồi Thành Trúc, xóm nhỏ Đầm Mua, Vai Cày… Mặc dù được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 2006 nhưng việc đầu tư cho quần thể quan trọng này còn rất đỗi khiêm tốn. Ngoài bia di tích ghi đầy đủ vị trí, dấu ấn lịch sử; nền ngôi nhà Bác Hồ ở tại đồi Thành Trúc vẫn đó, trong sự chờ đợi được đầu tư để xứng với tầm vóc cũng như sự trân trọng của hậu thế với lãnh tụ, với lịch sử...
Tác giả (bên trái) tại Di tích Đầm Mua, xã Bản Ngoại (Đại Từ). |
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký ngày 21/7/1954, ngay sau đó, Đội 36 Thanh niên xung phong do đồng chí Tạ Quang Chiến (ông Chiến là một trong 8 người được Bác Hồ đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) chỉ huy đã về xã Hùng Cường, nơi đất rộng, người thưa, có truyền thống yêu nước, dưới chân sườn Đông dãy Tam Đảo, xây dựng gấp một quần thể lán trại gồm: Khu nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ; Cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán Liên Xô, Trung Quốc cùng các cơ quan đầu não của kháng chiến tập kết về Đại Từ, thực hiện các công việc chuẩn bị cho tiếp quản Thủ đô.
Nơi Bác Hồ ở và làm việc trên đồi Thành Trúc thuộc xóm Đầm Mua; Cơ quan Chính phủ bên xóm Vai Cày; Cơ quan ngoại giao tại đồi Giang… Không chỉ mấy xóm của xã Hùng Cường, hầu hết các xã của Đại Từ năm đó đều là nơi tập kết, đủ thấy niềm tin tuyệt đối của lãnh tụ đối với nhân dân và cán bộ ATK Đại Từ khi ấy.
Sách tại Bảo tàng Hồ Chí Minh có ghi: Sau buổi nói chuyện lịch sử với bộ đội trên đền Hùng, Bác lại về sống tại căn nhà sàn đơn sơ tại đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua… Ngày 20-9, Bác tiếp Đoàn giáo phái miền Nam ra thăm miền Bắc, thăm Trường Tập huấn cải cách ruộng đất nằm ở xã bên; thăm Trung đoàn 600 vừa thành lập có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho Trung ương sau ngày tiếp quản Thủ đô…
Cũng tại xã Bản Ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Rôman Các-men nổi tiếng, có nhiều cảm tình với cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta. Ngày 10/10/1954, từ nơi làm việc - xóm nhỏ Vai Cày, ATK Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng: "...Cùng đồng bào Hà Nội thân mến! 8 năm qua Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào… Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà. Lòng vui mừng khôn xiết kể!..”. "...Chúng ta phải thực hiện chính sách công và tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi. Các bạn công nhân hăng hái sản xuất. Bà con công thương hăng hái kinh doanh. Chúng ta cần phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta”…
Ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà trên đồi Thành Trúc trở về Thủ đô Hà Nội theo con đường Bác lên chiến khu 9 năm trước...
Hôm nay, chúng tôi rong ruổi trên con đường qua các địa danh lịch sử mà lòng bồi hồi khôn tả. Đất nước đã trải qua gần nửa thế kỷ thống nhất, non sông thu về một mối; gần 40 năm đổi mới toàn diện để thực hiện di huấn của Bác - Xây dựng đất nước hơn 10 ngày xưa. Vẫn rừng cọ, đồi chè, nắng chói sông Lô như thế, song bây giờ thay đổi nhiều lắm. Đời sống của nhân dân vùng quê cách mạng đã giàu có nhiều, thay đổi nhiều. Mọi người dân Việt Nam đều chung sức, chung lòng cho một Tổ quốc Việt Nam bền vững và thịnh vượng.
Tôi tự thấy mình như những đứa con xa, nay về thăm lại nơi Bác Hồ kính yêu từng có những ngày ở và làm việc: “Nhớ Người những sớm tinh sương/Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi rừng núi trông theo bóng Người…” mà dâng tràn niềm vui.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin