Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với quan điểm “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả” dưới sự chỉ đạo của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đang nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ, ý chí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đông đảo quần chúng nhân dân và toàn xã hội.
Bộ Công an là đơn vị tiên phong trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn. Trong ảnh: Làm thẻ căn cước cho người dân tại Công an quận Tây Hồ (Hà Nội). (Ảnh THANH TRÚC) |
Bởi lẽ đây là yêu cầu có tính tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược giúp hệ thống chính trị đáp ứng được đòi hỏi của tình hình mới, mang lại cơ hội lớn để Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trên con đường hội nhập và phát triển, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Ngày 25/11 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp xem xét, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng, trong đó có nội dung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 5/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả”, trong đó chỉ rõ: “qua nhiều kỳ đại hội, nhất là trong các đại hội gần đây, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả”.
Qua đây phần nào cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng ta trong xây dựng hệ thống chính trị trước yêu cầu của tình hình mới. Nhiệm vụ này đã được tích cực triển khai trong một thời gian, tạo những chuyển biến tích cực trong hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên sự thay đổi này chưa đạt được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, như đồng chí Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ rõ: Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm”. Đây là một trong những nguyên nhân gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Thực tế này đặt ra nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương không chờ cấp tỉnh; cấp tỉnh không chờ cấp huyện; cấp huyện không chờ cơ sở. Điểm mới lần này đó là việc tinh gọn được làm từ cấp Trung ương, vì “Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn”.
Có thể thấy rằng việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ giải quyết được tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, tiêu tốn một nguồn ngân sách đáng kể cho việc chi trả lương để vận hành. Thống kê cho thấy, hiện nay ngân sách nhà nước đang phải dành tới gần 70% để chi thường xuyên (phần lớn là trả lương cho bộ máy), trong khi chi cho đầu tư phát triển chỉ còn khoảng 30%.
Theo các chuyên gia đây là con số khá thấp so với nhiều nước trên thế giới cũng như ở khu vực (nhiều nước hiện đang chi hơn 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội) do đó sẽ khó có thể tạo động lực đủ mạnh để phát triển đất nước đạt được mục tiêu như chúng ta kỳ vọng. Bên cạnh đó, bộ máy cồng kềnh cũng khiến cho hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước bị suy giảm, phân tán, có thể nảy sinh những điểm nghẽn gây khó doanh nghiệp, người dân, là nguy cơ gây ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí các nguồn lực xã hội.
Do đó, nếu bộ máy nhà nước được tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thì đối tượng được hưởng lợi đầu tiên chính là người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy chủ trương sắp xếp, tinh gọn hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân. Đông đảo cán bộ, công chức viên chức làm việc tại cơ quan Nhà nước đều nhận thức đây là chủ trương đặc biệt quan trọng, mang lại lợi ích lâu dài cho nên cần phải khẩn trương tiến hành, tạo ra sự đột phá mạnh mẽ để phát triển đất nước.
Tuy nhiên trước yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, một số cá nhân vốn có tâm lý ngại thay đổi, sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân đã nảy sinh tâm tư, muốn trì hoãn để đợi đến lúc mình “hạ cánh an toàn”. Hoặc có người ủng hộ cải cách, đổi mới, tinh gọn biên chế nhưng lại muốn thực hiện ở những bộ phận khác, “trừ mình ra”. Cần thấy rằng trong cuộc cách mạng này, sự thay đổi có thể gây xáo trộn, có thể tác động trực tiếp đến lợi ích của nhiều người, song nếu nhìn vào đại cục thì điều này là cần thiết cho sự phát triển của đất nước.
Do đó, mỗi cá nhân cần phải đặt lợi ích của đất nước, lợi ích của dân tộc lên trước hết, biết chấp nhận hy sinh những quyền lợi của bản thân mình, bởi điều đó sẽ góp phần kiến tạo những nền tảng vững chắc, những tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu mình. Nếu không dũng cảm thay đổi, quyết liệt thay đổi thì chính chúng ta đang làm mất cơ hội của bản thân trong việc góp phần xây dựng, phát triển đất nước, làm mất đi cơ hội của thế hệ kế cận trong tương lai.
Những ngày qua, chứng kiến sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy ngày càng hiệu lực, hiệu quả, với bản chất và mưu đồ luôn tìm mọi cách để chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch lập tức lên tiếng lu loa, xuyên tạc cho rằng cuộc cách mạng tinh gọn hệ thống chính trị ở Việt Nam chỉ là dân túy, mục đích nhằm “chia ghế” để “sau này có phiếu thông qua các quyết sách quan trọng”.
Tiêu biểu trong số đó là tổ chức khủng bố Việt Tân bóp méo rằng việc tinh giản biên chế ở Việt Nam chỉ là hình thức vì “mấy năm gần đây cứ ra rả, nhắc đi nhắc lại khẩu hiệu “tinh giản biên chế”, bởi bộ máy hành chính vừa nhiều vừa vô dụng, kém chất lượng…” nhưng thực ra chỉ là “giảm chỗ này, phình chỗ khác”, còn về bản chất thì “cơ cấu bộ máy, nhân sự không hề khác nhau”! Các đối tượng chống phá trắng trợn bịa đặt cho rằng do lực lượng công an “đông như quân Nguyên” không biết tinh giản như thế nào, nên phải đưa công an chính quy ở huyện về thay công an xã, công an xã không biết bỏ ở đâu nên nghĩ ra cách là thành lập lực lượng An ninh trật tự ở xã để đưa những công an viên bị cho nghỉ vào và số lượng gấp hai ba lần! Tiền lương gấp mấy lần lại thêm gánh nặng cho ngân sách. Đây hoàn toàn là những luận điệu bịa đặt trắng trợn hòng gây hoang mang dư luận, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trong khi đó, trên thực tế việc thực hiện sắp xếp bộ máy trong các bộ, ngành, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối cấp tổng cục thì Bộ Công an là đơn vị tiên phong. Số liệu thống kê cho thấy, tại Bộ Công an, đã giải thể 6 tổng cục, giảm 55 đơn vị cấp cục và 287 đơn vị cấp phòng; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại công an địa phương, sáp nhập 20 sở cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức thành một đầu mối đơn vị cấp phòng thuộc công an cấp tỉnh; sáp nhập một số đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ... qua đó đã giảm 532 đơn vị cấp phòng, giảm trên 1.000 đầu mối cấp đội. Bên cạnh đó, các bộ, ngành thuộc Chính phủ, tính đến hết năm 2023, cũng đã giảm được 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập (riêng trong năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập.
Số đối tượng tinh giản biên chế năm 2023 là 7.151 người. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân, không phát sinh khiếu nại, tố cáo, trật tự xã hội được bảo đảm.
Thực tế chứng minh việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã được triển khai trong nhiều năm qua, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta, chứ không phải là “làm cho có”, “mang tính hình thức”, “đấu đá nội bộ” như các thế lực phản động đang cố tình xuyên tạc, vu khống. Cụ thể như tháng 4/2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức với mục tiêu đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế.
Kết quả, chúng ta đã tinh giản được 11,67% biên chế trong giai đoạn này. Trong giai đoạn 2019-2021, trên cả nước đã có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lại, qua đó 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã, 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã được cắt giảm.
Trong số này khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị. Đã tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; việc chi ngân sách nhà nước giảm hơn 2.000 tỷ đồng.
Đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng bộ máy nhà nước được tổ chức, vận hành hiệu quả không chỉ đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, giải quyết các thách thức của nội tại, nâng cao năng lực quản lý và điều hành quốc gia mà còn tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới, phản ánh tầm nhìn chiến lược và trí tuệ của Đảng về lãnh đạo đất nước.
Xác định đây là công việc khó khăn, phức tạp do đó cần có quyết tâm cao độ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ và bứt phá của đất nước như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin