Từ đội quân chủ lực đầu tiên là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng được xây dựng, trưởng thành trong chiến đấu, ngày càng lớn mạnh, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu.
Phát huy thành quả Cách mạng Tháng Tám, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nòng cốt cho toàn dân kháng chiến, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn những nỗ lực chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
1. Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, là lực lượng chủ yếu, chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 Ngay sau khi thành lập (22/12/1944), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với lực lượng ban đầu gồm 34 cán bộ, chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tổ chức thành công trận tập kích vào hai đồn Phai Khắt (25/12/1944) và Nà Ngần (26/12/1944), mở đầu truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khi thời cơ cách mạng chín muồi, ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập đã ra Quân lệnh số 1 phát động quân và dân Việt Nam vùng dậy giành quyền độc lập nước nhà. Chấp hành lệnh tổng khởi nghĩa và Lời kêu gọi của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, các ủy ban khởi nghĩa, các đơn vị giải phóng quân, du kích quân từ căn cứ địa Việt Bắc và các chiến khu khác nhanh chóng tiến về các địa phương phối hợp và hỗ trợ cho đội quân chính trị của quần chúng vùng lên giành chính quyền.
Chỉ trong vòng hai tuần lễ (từ ngày 13-28/8/1945), cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra sôi nổi trên phạm vi toàn quốc, giành được những thắng lợi căn bản và kiến lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã khẳng định các đội vũ trang và bán vũ trang thực sự là nòng cốt, hỗ trợ hiệu quả và tích cực cho lực lượng chính trị đông đảo của quần chúng cách mạng vùng dậy giành chính quyền; đồng thời, đánh dấu bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp Sau thất bại trong cuộc tiến công lên Việt Bắc, thực dân Pháp buộc phải chuyển sang đánh lâu dài với ta, lấy càn quét, mở rộng chiếm đóng và bình định làm biện pháp chủ yếu, kết hợp vơ vét sức người, sức của để duy trì chiến tranh. Thực hiện chủ trương “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, từ năm 1948, hàng trăm đại đội độc lập và đội vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng địch hậu, hỗ trợ nhân dân ở nhiều nơi, nhất là ở Đồng bằng Bắc Bộ đồng loạt nổi dậy phá tề.
Trên cơ sở hội đủ những điều kiện cần thiết, ngày 15/4/1949, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đại đoàn 308 - đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội quốc gia Việt Nam. Tiếp đó, sự ra đời của các đơn vị chủ lực cơ động mạnh cấp đại đoàn, trung đoàn đánh dấu bước phát triển nhanh chóng của quân đội ta đáp ứng bước đầu chủ trương tiến lên vận động chiến, góp phần làm nên thắng lợi của các chiến dịch Biên giới (16/9-14/10/1950), Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953).
Trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, lực lượng vũ trang ba thứ quân đã phát huy vai trò của từng thứ quân trong hoạt động tác chiến, kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Campuchia, tiến hành những đòn tiến công chiến lược, buộc địch phải bị động đối phó, căng sức chống đỡ trên các chiến trường Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào-Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào...
Bước vào trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, ta đã tập trung lực lượng chủ lực lớn, kết hợp cùng nghệ thuật chiến dịch đặc sắc, tiến công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của quân Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở các chiến trường phối hợp trên cả nước, hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
3. Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng được củng cố, tăng cường về mọi mặt, giữ vững vai trò nòng cốt, cùng cả nước đấu tranh hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và làm tròn nghĩa vụ quốc tế
Với thắng lợi của phong trào Đồng khởi (1960), cách mạng miền nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Ngay sau khi được thành lập (1/1961), Quân giải phóng miền nam vừa phát triển về quy mô, tổ chức, lực lượng, vừa tiến hành xây dựng, bảo vệ vùng giải phóng, tiếp thu nguồn chi viện từ miền bắc, kết hợp với hậu cần tại chỗ để thực hiện các trận đánh, chiến dịch có quy mô ngày càng lớn, tiêu biểu như: Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Khi Mỹ đưa quân viễn chinh Mỹ và đồng minh vào trực tiếp tham chiến ở miền nam, chỉ trong năm 1965, Quân giải phóng miền nam phát triển lực lượng lên tới 5 sư đoàn; đồng thời, đẩy mạnh tác chiến tập trung, giành được những chiến thắng liên tiếp trong cuộc đối đầu trực tiếp với quân Mỹ ở Núi Thành, Vạn Tường, Pleime... góp phần củng cố quyết tâm “đánh Mỹ” và khả năng “thắng Mỹ”.
Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, quân và dân miền nam đẩy mạnh thế tiến công, mở ra thời cơ thuận lợi để thực hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tiến lên giành thắng lợi to lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Paris (27/1/1973). Song hành cùng nhiệm vụ dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đoàn kết quốc tế trong sáng của Đảng trên tinh thần “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, sát cánh cùng quân dân Lào và Campuchia chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ.
Trên cơ sở cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng thuận lợi, cuối năm 1974, Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên sức mạnh của quân và dân cả nước để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy sức mạnh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy “thần tốc” trong mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Với 34 cán bộ, chiến sĩ trong đội quân chủ lực đầu tiên, Quân đội nhân dân Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng về tổ chức, lực lượng và trình độ tác chiến, trở thành lực lượng đi đầu, dẫn dắt và làm chỗ dựa cho phong trào toàn dân đánh giặc.
Tiếp tục phát huy truyền thống “quyết chiến, quyết thắng”, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tích cực xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, cùng các tầng lớp nhân dân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thiếu tướng, Tiến sĩ NGUYỄN HOÀNG NHIÊN
Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin