Đề cao trách nhiệm nêu gương

09:38, 28/11/2020

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát (KTGS). Với phương châm giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không ngại va chạm, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, công tác KTGS, thi hành kỷ luật của Đảng được các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt, toàn diện. Qua đó, không chỉ kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, mà còn chủ động phòng ngừa những vi phạm, đảm bảo tính kỷ cương trong Đảng.

Theo báo cáo của UBKT Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 7.189 tổ chức đảng và 2.621 đảng viên là cấp ủy viên các cấp và giám sát chuyên đề đối với 2.853 tổ chức đảng và 2.247 đảng viên. Qua đó, phát hiện 5 tổ chức đảng có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, 11 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật; chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 18 tổ chức đảng và 5 đảng viên. UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra 343 đảng viên, 83 tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm và kết luận có 243 đảng viên có vi phạm. Việc thi hành kỷ luật Đảng được tiến hành kịp thời, nghiêm túc.

5 năm qua, các tổ chức đảng có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật đối với 26 tổ chức đảng và 1.111 đảng viên, trong đó khiển trách 21 tổ chức và 613 cá nhân, cảnh cáo 5 tổ chức và 270 cá nhân, cách chức 33 cá nhân, khai trừ Đảng đối với 195 trường hợp. Với những hành động cụ thể, kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, có hành vi sai phạm, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, uy tín của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Tuy nhiên, mỗi lần các cơ quan chức năng công bố kết quả xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm thì ngay lập tức các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước đã triệt để sử dụng Internet, mạng xã hội để đăng tải, phát tán tin, bài, video xấu độc, phủ nhận, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cho rằng Đảng phải chịu trách nhiệm về “tình trạng yếu kém” của đất nước… gây mất niềm tin trong nhân dân.

 Làm gì để hạn chế những sai phạm của cán bộ, đảng viên? Nhiều năm công tác trong lĩnh vực kiểm tra, ông Dương Trường Giang, nguyên Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh cho rằng: Cấp ủy các cấp phải tăng cường hơn nữa việc quản lý đảng viên “hai chiều” tức là cả 8 giờ làm việc tại cơ quan và 16 giờ ở nơi cư trú, có như vậy mới hạn chế thấp nhất việc cán bộ, đảng viên vi phạm. Cấp ủy đảng, UBKT các cấp cần chủ động xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ KTGS hàng năm phù hợp với địa phương, đơn vị. Kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, giám sát phải mở rộng, để chủ động phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để phát huy, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm ngay từ lúc mới manh nha.

Đặc biệt là phải đề cao được trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Hơn ai hết, từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cấp ủy viên. phải phát huy vai trò gương mẫu trong sinh hoạt Đảng, trong thực hiện nghị quyết của cấp ủy; thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình; tích cực học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy định của cấp trên; hiểu đúng, nói và làm theo nghị quyết của Đảng; nêu gương sáng về đạo đức, lối sống; nói đi đôi với làm để cấp dưới và quần chúng tin tưởng, noi theo.

Cách đây 8 năm, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tiếp đến, tại Hội nghị TW 8 (khóa XII) đã thống nhất ban hành Quyết định số 08-Qđi/TW Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Lần này, Trung ương đã nâng tầm từ quy định của Ban Bí thư lên quy định của Ban Chấp hành Trung ương. Đây là quy định có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị. Theo đó, điểm cốt lõi của quy định là cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu.

Điều đó cho thấy, hơn lúc nào hết công tác quản lý đảng viên toàn diện đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm nhằm phát huy vai trò nêu gương của mỗi đảng viên. Làm sao để từ lời nói đến mỗi hành động, việc làm của người đảng viên ở cơ quan đến nơi cư trú mọi người đều có thể học được, chứ không phải là những điều quá cao xa. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải nêu gương, trước hết về đạo đức cho tất cả cán bộ, đảng viên. Bởi theo Người “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Bác còn căn dặn: “... Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”…