Đại hội lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng ta là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo thêm một mốc son mới trong tiến trình thực hiện sứ mệnh của Đảng và lịch sử dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.
Thêm một lần chúng ta khẳng định chân lý vững chắc, ở Việt Nam, Đảng với dân tộc, nhân dân là một. Đảng và mùa xuân dân tộc là giá trị văn hóa bất tuyệt, kế thừa truyền thống lịch sử và tinh hoa bản sắc của tiên tổ, ông cha. Đó là bức tường thành vững chãi ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng...
Hành trình lịch sử và giá trị bản sắc
Đại hội XIII của Đảng ta, ngày hội chính trị-văn hóa trọng đại của toàn dân ta, đã đặt vào hành trình lịch sử của dân tộc và của Đảng một mốc son chói lọi ngay trước thềm năm mới Tân Sửu 2021. Chính vì vậy, mặc dù phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và những khó khăn, thách thức mới của nền kinh tế nhưng trong đời sống văn hóa tinh thần của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Tết Tân Sửu 2021 là một cái Tết có ý nghĩa trọng đại. Thêm một lần nữa, linh khí tươi mới của đất trời vào xuân hòa quyện cùng hào khí của ý Đảng, lòng dân, làm cho niềm vui, niềm tự hào được nhân lên.
Báo cáo của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày, đã nêu rõ: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đang náo nức chờ mong, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đảng...
Đại hội đã thực sự là thành quả kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, hòa quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Suốt 91 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, dân tộc ta, nhân dân ta đã vượt qua bao gian nan, thử thách, đi từ vị trí thấp kém của một dân tộc thuộc địa, từ thân phận của những người dân nô lệ, vươn lên làm chủ đất nước, khẳng định vị thế của một dân tộc độc lập, tự do. Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đặc biệt kể từ ngày dân tộc ta có Đảng, rất nhiều sự kiện trọng đại của Đảng và đất nước đều gắn với mùa xuân.
Đó là ngày thành lập Đảng, đánh dấu sự chuyển mình bước sang trang mới của dân tộc vào ngày 3-2-1930 (mồng Năm tháng Giêng năm Canh Ngọ), khởi đầu một mùa xuân mới của dân tộc. 15 năm sau, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2-9-1945. Tết Bính Tuất năm 1946 là cái Tết đầu tiên toàn dân ta được đón Tết trong niềm tự hào của những người làm chủ đất nước. Trong thư gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước, Bác Hồ đã viết những vần thơ chúc Tết: “Trong năm Bính Tuất mới/ Muôn việc đều tiến tới./ Kiến quốc chóng thành công,/ Kháng chiến mau thắng lợi.”... Sự nghiệp kiến quốc, kháng chiến bền bỉ, trường kỳ, gian khổ, chúng ta phải đương đầu với hai cường quốc quân sự và kinh tế là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những mùa xuân dân tộc nối tiếp nhau trong khói lửa chiến tranh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ vào mùa xuân Giáp Ngọ năm 1954 làm nên một cơn “địa chấn” khắp địa cầu, đặt dấu chấm hết cho ách thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Xuân Mậu Thân 1968 ghi dấu ấn đậm nét vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc bằng Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân cả nước, tạo thế và lực rút ngắn khoảng cách đến ngày toàn thắng. Để rồi 7 năm sau, mùa xuân Ất Mão năm 1975, cả dân tộc ta ca khúc khải hoàn mừng thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ngày hội non sông mừng đất nước thống nhất...
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.
Mùa Xuân Đinh Mão năm 1987, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986). 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta, nhân dân ta đã thực hiện những bước tiến vượt bậc, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nên những thành tựu vẻ vang. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia trên thế giới, ngày càng khẳng định vị thế, đối tác quan trọng với bạn bè quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Khẳng định của người lãnh đạo cao nhất Đảng và Nhà nước ta chính là sự kết tinh niềm tin, niềm hạnh phúc, tự hào to lớn của nhân dân ta.
Trong tiến trình lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, đồng bào, chiến sĩ và kiều bào yêu nước khắp nơi trên thế giới lại hòa chung niềm hân hoan của ngày hội non sông mừng xuân, mừng Đảng. Linh khí mùa xuân hòa quyện với hào khí muôn dân, trở thành thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý, niềm tự hào của mọi người dân đất Việt. 91 mùa xuân kể từ ngày dân tộc ta có Đảng, độ lùi của thời gian càng sâu, dòng lịch sử càng dài, tình cảm thiêng liêng ấy trong các thế hệ đồng bào, chiến sĩ càng sâu đậm, kết thành giá trị bản sắc. Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân đều có trách nhiệm, bổn phận nâng niu, gìn giữ, bảo vệ, làm giàu thêm giá trị bản sắc ấy để Đảng trường tồn cùng mùa xuân dân tộc bất tuyệt.
Phản bác, bài trừ luận điệu xuyên tạc, phản động
Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm “Dân là gốc”. Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "Dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu... Đây là sự khẳng định mang tính chân lý, thể hiện bước phát triển mới về lý luận của Đảng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng những đánh giá, đúc kết bài học kinh nghiệm lãnh đạo đất nước trong 35 năm đổi mới của Đảng, kế thừa tinh hoa từ lịch sử dân tộc, kinh nghiệm của tổ tiên, ông cha. Quan điểm “Dân là gốc”, “Nhân dân là trung tâm” cũng chính là sự thể hiện sinh động tính hài hòa, thống nhất của giá trị văn hóa Đảng và mùa xuân dân tộc ở đất nước ta. Đây cũng là cơ sở, niềm tự hào chính đáng để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân đất nước và đông đảo kiều bào yêu nước đề cao tinh thần dân tộc, nâng cao ý thức cảnh giác, kiên quyết phản bác, đấu tranh làm thất bại các âm mưu kiểu “ngụy tư tưởng”, “ngụy lý luận”, “ngụy phản biện”... của các thế lực thù địch, phản động.
Trước Đại hội XIII của Đảng ta, các thế lực thù địch, phản động chĩa mũi nhọn tuyên truyền, kích động, xuyên tạc về văn kiện và công tác nhân sự của Đảng. Tại Hội thảo về nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch do Học viện An ninh Nhân dân (Bộ Công an) tổ chức ngày 29-12-2020, dẫn số liệu từ Bộ Công an cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, các đối tượng phản động lưu vong đã lập gần 150 hội, nhóm với hàng trăm nghìn thành viên, lập nhiều trang mạng, kênh youtube, tài khoản facebook, hơn 500 cuốn sách và khoảng 6.000 tài liệu để phát tán các thông tin xấu độc, xuyên tạc công tác chuẩn bị văn kiện và công tác nhân sự của Đại hội XIII.
Việc chúng ta tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng cũng chính là bằng chứng thất bại của các thế lực thù địch. Ngay sau khi đại hội công bố kết quả bầu cử BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư..., lập tức, nhiều kênh truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại thông qua một số đối tượng được khoác cái mác “nhà dân chủ”, “nhà nghiên cứu”... đã thực hiện các hình thức “bàn tròn”, “tọa đàm”, “phỏng vấn” bình luận về “tương lai của Việt Nam sau Đại hội XIII”. Một trong những luận điệu chúng tập trung xuyên tạc là coi Đảng Cộng sản Việt Nam như một đảng phái, nhằm tách rời Đảng với dân tộc, chia tách Đảng với nhân dân Việt Nam và kiều bào yêu nước.
Những luận điệu này không mới, nhưng đặt trong không khí mừng xuân, mừng Đảng đang bừng lên trong cả nước, chúng ta cần có thái độ kiên quyết phản bác, đấu tranh để bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ thành quả Đại hội XIII và môi trường văn hóa của toàn Đảng, toàn dân đón chào năm mới Tân Sửu 2021 với niềm tin mới, khát vọng mới. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân hãy nhuộm đỏ trang cá nhân của mình bằng màu cờ Tổ quốc, màu cờ Đảng cùng sắc đào, mai rực rỡ; ngăn chặn âm mưu lôi kéo, kích động của các phần tử cực đoan, các thế lực thù địch. Hiện nay, chúng lợi dụng tình hình khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để “ký sinh” tư tưởng cực đoan nhằm phá hoại bầu không khí ấm áp, lạc quan của mùa xuân Tân Sửu, mùa xuân dân tộc mừng Đại hội Đảng thành công, mừng đất nước đổi mới, hội nhập.
Hành trình cùng mùa xuân dân tộc, chúng ta kiên định đường lối đổi mới của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước đều cần phải nghiêm trị.