“Là người đã từng sống trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chứng kiến vô vàn nỗi đau thương, tủi nhục của người dân mất nước, tôi không thể chấp nhận quan điểm của một số người không coi trọng giá trị của độc lập tự do” - Bố tôi, một lão nông gần 90 năm tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng đã gọi điện nhắc tôi như vậy trong dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Sở dĩ bố tôi tức tốc gọi điện cho tôi bởi ông nghe được lời của mấy thanh niên “từ thành phố về quê tránh dịch COVID-19” nói rằng “nếu không có Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã giàu từ lâu, không phải chật vật đối phó với dịch Covid-19 như bây giờ”...
Từ hồi tôi còn bé xíu cho đến nay, năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng bảy, bố tôi lại chuẩn bị một mâm cỗ cúng giỗ ông nội, bà nội và bác của tôi với nghi thức rất đơn giản, chỉ có 3 bát cháo to với 3 quả trứng gà luộc. Bố tôi bảo do cả ông, bà và bác bị chết đói vào năm 1945 nên chỉ cúng như vậy mọi người mới thụ hưởng được. Khi ông, bà và bác tôi qua đời, bố tôi không được chứng kiến vì đang đi ở cho một địa chủ làng bên cạnh.
Vào một đêm tháng bảy mưa tầm tã, nóng ruột nhớ đến thầy (bố), bu (mẹ) và anh ở làng, bố tôi lấy trộm mấy củ khoai mang về thì thấy cả 3 người đã lạnh ngắt, không biết chết từ khi nào. Ở quê tôi (xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đã có nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương như thế. Sau khi bó manh chiếu đưa bố, mẹ và anh đi chôn, bố tôi trở lại nhà địa chủ lại bị thêm một trận roi thậm tệ vì trộm khoai, vì trốn việc, đến nay vẫn còn dị tật ở chân.
Cũng vì lẽ đó mà khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, bố tôi cùng với dân nghèo trong làng đã hăng hái tham gia và cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao của người dân tự do trong một đất nước độc lập... Giá trị của độc lập tự do theo cách hiểu của người nông dân như bố tôi đơn giản là không còn bị đói, không còn bị đánh đập...
Tôi sinh ra sau Cách mạng Tháng Tám, không được tận mắt chứng kiến nỗi nhục mất nước. Thế nhưng, mỗi khi nghe người già kể lại, xem bộ phim “Sao tháng Tám”, đọc các tác phẩm văn học của các nhà văn: Kim Lân, Tô Hoài... tôi lại rùng mình khi nhớ đến trận đói lịch sử năm Ất Dậu 1945. Trong “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân viết: “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào.
Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người...”.
Đặc biệt khi đọc cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam-những chứng tích lịch sử” của GS Nguyễn Văn Tạo và GS Furuta Moto (công bố năm 1995), nước mắt tôi tuôn chảy khi thấy tác giả miêu tả hình ảnh những trẻ em nhay vú mẹ đã chết, người đi lĩnh chẩn bế đứa con trên tay nhưng con đã chết... Hàng nghìn hộ chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ, hàng chục xóm làng chết cả xóm, cả làng...
Cách đây 5 năm, khi đào móng để xây dựng một khu đô thị lớn ở phố Minh Khai (Hà Nội), chủ đầu tư phát hoảng khi phát hiện ra hàng nghìn bộ hài cốt của người chết đói. Khu đô thị mới này ở gần Nghĩa trang Hợp Thiện là nơi an nghỉ của các nạn nhân trong nạn đói năm Ất Dậu 1945. Nghĩa trang có tấm bia đá khắc bài tế của giáo sư Vũ Khiêu với những lời ai oán: “Có cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất”. Tại đây còn có bể chứa xương người lớn nhất Việt Nam.
Nếu như nạn đói diễn ra chỉ một vài tháng trong năm thì nỗi nhục mất nước, mất tự do lại triền miên suốt năm, suốt tháng. Tính từ năm 1858 (năm thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược tại Đà Nẵng) đến ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, đất nước ta đã trải qua 87 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
Đó là quãng thời gian nước ta bị đô hộ dài nhất kể từ năm 938, khi Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, khôi phục nền độc lập. Nước Việt đã không còn trên bản đồ thế giới, đã bị chia làm 3 miền, đã bị lẫn vào địa danh “xứ Đông Dương thuộc Pháp”. Người dân một cổ hai tròng, sống đời nô lệ, đói rách lầm than, oằn lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, lao dịch, phu phen...
Cách mạng Tháng Tám thành công đã trả lại tên cho nước Việt Nam, trả lại nền tự do, độc lập mà dân tộc ta có quyền được hưởng. Bảo Đại-vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến, cũng đã phải thốt lên rằng: “Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”.
Ngay sau khi tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó cứu đói là nhiệm vụ hàng đầu và phong trào “diệt giặc đói” được triển khai ngay. Bằng nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, san sẻ lương thực, thực phẩm... chỉ trong một thời gian ngắn, nạn đói được đẩy lùi. Chiến thắng giặc đói là một trong những thành tựu lớn đầu tiên của Nhà nước cách mạng, đã thể hiện tính ưu việt của chế độ mới.
Cùng với “diệt giặc đói” là phong trào “diệt giặc dốt”. Từ chỗ 95% dân số không biết viết, không biết đọc, chỉ trong vài tháng, nhiều người đã xóa được mù chữ, tự mình đọc được lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I-Quốc hội đầu tiên của đất nước Việt Nam vào ngày 6/1/1946.
Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám đã mang lại sự hồi sinh cho đất nước Việt Nam, mở ra thời kỳ rực rỡ huy hoàng nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Kể từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, dân tộc Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ vĩ đại đã lập nên biết bao kỳ tích có tính lịch sử, từ một vong quốc nô bước lên vũ đài của những dân tộc có quyền tự quyết, là tấm gương soi sáng, cổ vũ các dân tộc bị áp bức, đô hộ vùng lên giành quyền độc lập, tự do và ngày nay đang nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19.
Có lẽ linh hồn của những người chết đói năm 1945 cũng được an ủi khi được chứng kiến những chiến công vang dội của Việt Nam chống giặc ngoại xâm, chống đói nghèo và lạc hậu từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám. Cách đây gần 80 năm, chắc chắn những người lạc quan nhất vẫn không thể tin rằng Việt Nam là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Năm 2020, trong dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước ta, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonnio Guterres đã gửi lời chúc mừng Việt Nam và nhấn mạnh: “Việt Nam là hình mẫu của các nước đang phát triển, các nước vươn lên từ đói nghèo, từ đổ nát chiến tranh và ngày nay đã trở thành một nước có thu nhập trung bình”.
Nếu không có Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam không thể có cơ đồ, vị thế, uy tín và tiềm lực như hiện nay. Ấy vậy mà vẫn còn có những người dám phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận thành quả của độc lập, tự do mà cả dân tộc Việt Nam chúng ta phải đổ không biết bao máu xương mới có được.
Những thanh niên “về quê tránh dịch COVID-19” kêu than “nếu không có Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã giàu từ lâu, không phải chật vật đối phó với dịch COVID-19 như bây giờ” như câu chuyện của bố tôi kể thật đáng trách. Thế nhưng đáng trách hơn lại là những người giáo dục, đào tạo những thanh niên này. Phải chăng đó là do hậu quả của một giai đoạn khá dài ngành giáo dục chưa thực sự coi trọng môn lịch sử, chưa chú trọng đúng mức đến việc tuyên truyền giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đó cũng là một dạng của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Cách đây gần 5 năm, ngày 30-10-2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và đề ra các giải pháp khắc phục. Trong Nghị quyết số 04-NQ/TW, Trung ương chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng-chính trị, đạo đức-lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
3 biểu hiện suy thoái đầu tiên là: Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Năm nay chúng ta đón Tết Độc lập của dân tộc trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang chung sức đồng lòng chống "giặc COVID-19". Thực tế, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi một số quan điểm kinh tế cũng như hành vi tiêu dùng của nhân loại, và trong gian khó càng làm tăng thêm ý nghĩa giá trị của độc lập, tự do. Nếu như trước đây, quan điểm tuyệt đối hóa lợi thế về chi phí, giá cả đã dẫn đến xu thế không cần bảo đảm cơ cấu kinh tế tự chủ về những sản phẩm thiết yếu như: Dược phẩm, khẩu trang, máy thở... có thể dựa vào nhập khẩu với giá rẻ hơn từ nước ngoài; thì nay, các nước đã chuyển sang xây dựng một cơ cấu kinh tế độc lập tự chủ về những sản phẩm sống còn này.
Duy trì độc lập trong thế giới phát triển rất năng động và đa dạng hiện nay đòi hỏi các dân tộc phải đoàn kết, đồng lòng xây dựng đất nước. Sự tự do của cá nhân cũng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật và các quy định trong cộng đồng để bảo đảm phòng, chống dịch.
Giá trị đích thực của độc lập, tự do mà Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đem lại là thiêng liêng và cao quý. Thời gian càng lùi xa thì tầm vóc và giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 ngày càng tỏa sáng. Bất cứ người Việt Nam yêu nước chân chính nào cũng đều cảm nhận được điều đó.
Nếu ai đó còn có tư tưởng bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ những giá trị tinh thần, niềm tự hào lớn lao của dân tộc, phủ nhận ý nghĩa thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do đối với nhân dân ta, hướng lái làm cho giới trẻ mơ hồ nhận thức thì cần xem xét lại bản thân mình. Nếu không xem lại được thì chắc chắn sẽ bị lịch sử phán xét và đào thải.