Đồi Khau Tý, thuộc xã Điềm Mặc (Định Hóa), là một ngọn đồi nhỏ, có dòng suối chảy quanh, xa hơn là những thửa ruộng bậc thang, nơi trồng cấy của đồng bào dân tộc Tày bản địa. Sau đồi và tiếp nối là những cánh rừng nguyên sinh um tùm, rậm rạp. Bí mật nhưng gần dân, tiến và thoái đều thuận. Chính vì điều này nên Khau Tý được chọn làm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc đầu tiên khi Người trở lại chiến khu Việt Bắc vào ngày 20/5/1947.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947. |
Sau này, khi nghiên cứu về những chỉ đạo, quyết định, tác phẩm của Bác thực hiện từ Khau Tý, nhiều học giả, nhà nghiên cứu cho rằng: Thiên nhiên, cảnh sắc, tình người có vai trò quan trọng để Người tĩnh tâm, dồn sức lực và tâm hồn vào công việc.
Một ví dụ là chỉ trong 5 tháng, từ căn nhà nhỏ trên đồi Khau Tý, Bác đã hoàn thiện, cho in và phát hành cuốn "Sửa đổi lối làm việc" - một cuốn sách chỉ gồm 100 trang, khổ 13x19, nhưng là cẩm nang, tác phẩm kinh điển dạy về công tác tổ chức xây dựng Đảng, rèn luyện phong cách và đạo đức cán bộ. Tất nhiên, để chỉ ra và “bốc thuốc” chữa các căn bệnh dễ mắc của cán bộ cách mạng, Bác đã trải qua nhiều năm nghiên cứu và chiêm nghiệm.
Nói về địa chỉ ra đời cuốn sách, cố lão thành cách mạng - nhà báo Hoàng Tùng từng viết: “Hoàn thiện Sửa đổi lối làm việc không phải từ một văn phòng sang trọng, đầy đủ tiện nghi mà trong một mái lán, trên một ngọn đồi trong cánh rừng già thưa vắng, ở một thời điểm đặc biệt cam go của cuộc kháng chiến…”.
…Đồi Khau Tý hiện nay đã được Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên đầu tư bước đầu, đạt yêu cầu ghi dấu một điểm di tích cách mạng và kháng chiến, nhưng chưa đạt điều kiện để trở thành là nơi nghiên cứu, học tập. Trong mạch chung của sinh hoạt Đảng hiện nay, tôi chọn Khau Tý để một lần nữa đọc và hiểu về tác phẩm kinh điển "Sửa đổi lối làm việc" của Bác và ngõ hầu phục vụ cho công cuộc làm trong sạch đội ngũ của Đảng hiện nay.
Rằng, ngày 20/5/1947, Bác đến ở Khau Tý, 5 tháng sau, tháng 10/1947, “Sửa đổi lối làm việc” được viết xong. Tác giả ký tên X.Y.Z. và chuyển Nhà xuất bản Sự thật in lần đầu năm 1948. Năm 1959, Nhà xuất bản in lại, tác giả ký tên thật là Hồ Chí Minh.
Chỉ 100 trang văn từ giản dị, rõ ràng, dễ hiểu, nhưng rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nung nấu nội dung từ rất nhiều năm. Tác giả cho rằng: Quy chuẩn về lề lối công tác thì có rồi, nhưng phải sửa lại, để ai cũng có thể làm được, quan trọng là phù hợp với bản chất thời đại mà cốt lõi là đạo đức công vụ cũng như đạo đức Đảng cầm quyền, cho thấy một tinh thần dân chủ, khoa học, bình đẳng trong hoạt động của cán bộ cách mạng, dân chủ lấy dân làm gốc. Bác từng nhắc cán bộ: “Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của Nhân dân, phải phục vụ Nhân dân vô điều kiện”.
Di tích lịch sử lán Khau Tý - nơi Bác Hồ ở và làm việc đầu tiên tại ATK Định Hóa. |
Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" nổi bật cách nhìn của Bác về 3 thế mạnh. Một là, dân ta rất tốt. Hai là, dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng, biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra. Ba là, lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Đây chính là ba cột chống vững chãi, tình cảm, trí tuệ, sức mạnh của dân để nâng đỡ tòa tháp dân chủ.
Bác chỉ ra rằng: Đảng, Chính phủ, cán bộ phải ứng xử thế nào cho tương xứng với lòng tốt của dân, với truyền thống dân tộc. Có thể khái quát lại thành nguyên lý: Muốn thành công phải gần dân, yêu dân, học dân, vì dân! …
Từ những căn bản ấy, khi triển khai vào cuốn "Sửa đổi lối làm việc" được thể hiện ở 6 nội dung lớn, là những vấn đề hệ trọng, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, và mỗi cán bộ, đảng viên không thể không nằm lòng.
Xin tóm tắt như sau, thứ nhất: Phải nhận thức và thực hiện có hiệu quả một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng là phê bình và tự phê bình. Phải khắc phục cho được tình trạng né tránh cũng như thiếu xây dựng, trung thực, công tâm trong tự phê bình. Trong phê bình chống thói trù dập, bệnh hẹp hòi, phê bình phải là động lực cho sự phát triển, chứ không phải để hạ thấp lẫn nhau. Phê bình phải đi liền với tự phê bình. Tự phê bình phải ráo riết và lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật để tự phê bình.
Thứ hai: Đảng viên, cán bộ phải nhận thức vai trò của lý luận, khắc phục cho được bệnh coi thường lý luận, lý luận suông, sách vở, giáo điều, phải học tập lý luận chính trị một cách thiết thực, tránh hình thức, qua lọa, đại khái.
Thứ ba: Người đề cao vai trò của đạo đức cách mạng và việc tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, khắc phục cho được các bệnh tham ô, lãng phí. Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì khó, chỉ cần thực hiện 5 điều răn: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.
Thứ tư: Bác chỉ ra rằng, phải đổi mới cách đánh giá bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Sử dụng cán bộ là sử dụng người có tài, có đức, có các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính.
Thứ năm: Vấn đề cách lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng ra quyết định đúng và kịp thời.
Thứ sáu: Tầm quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục. Tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục mang tính thuyết phục; cách nói và viết của cán bộ, đảng viên, phải khắc phục thói ba hoa, sáo rỗng, nói không đi đôi với làm…
Về Khau Tý, nơi ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử cách mạng và kháng chiến về lý luận và nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, trong rèn luyện cán bộ, đảng viên, thấy nơi này còn khiêm tốn. Mong rằng, lấy ngay những nội dung của cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc" mà soi chiếu sẽ tìm được cán bộ tốt. Cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng luôn coi "Sửa đổi lối làm việc" là cẩm nang, là nền tảng tư tưởng và chân lý trong rèn luyện, công tác.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin