Một cuộc xâm lăng âm thầm, có vẻ tĩnh lặng đang diễn ra nhanh chóng, quyết liệt trên lĩnh vực văn hóa. Nhiều quốc gia “giật mình” bởi sức tàn phá từ các loại “vũ khí văn hóa” đối với an ninh quốc gia, tương lai dân tộc.
Trong bối cảnh hiện nay, câu tuyên ngôn bất hủ của đại văn hào Nga M. Gorki: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi: Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!” chưa mất tính thời sự, là lời cảnh tỉnh, nhắc nhở mỗi quốc gia trước mối họa “xâm lăng văn hóa”.
Cảnh báo về nguy cơ xâm lăng văn hóa, nhà sử học người Israel-Yuval Noah Harari cho rằng, các sản phẩm văn hóa thông qua nhiều con đường khác nhau, nhất là internet, mạng xã hội, đang “là một vùng đất tự do và vô luật làm xói mòn chủ quyền quốc gia, phớt lờ các biên giới, phá hủy quyền riêng tư và đem lại mối đe dọa an ninh toàn cầu có thể nói là đáng sợ nhất”. Các sản phẩm văn hóa một khi trở thành vũ khí trong tay các thế lực muốn xâm lăng thì sự nguy hiểm tăng lên gấp bội.
Lấy văn hóa nước khác để tự đồng hóa mình
Trong kỷ nguyên số, khi sự giao lưu và trao đổi văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa kéo theo sự giao thoa, trao đổi, tương tác rất mạnh, văn hóa được xem là vũ khí hữu hiệu khi nó trở thành công cụ, vũ khí mềm, là “củ cà rốt” mà những nước lớn, các thế lực thù địch sử dụng để tiến hành cuộc xâm lăng mềm, xâm lăng bằng văn hóa, nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Với mục tiêu đạt tới là đồng hóa văn hóa, tiến tới nô dịch văn hóa và bước cuối cùng là thay đổi văn hóa, suy nghĩ, hành động tại các nước đối tượng mà họ hướng tới.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, làm gì có cuộc xâm lăng văn hóa nào, làm gì có chuyện giới trẻ bị đồng hóa văn hóa. Chúng tôi giải trí với trò chơi, phim ảnh, sách báo, mạng xã hội của nước ngoài đều đã được cấp phép; chúng tôi ăn uống các loại bánh trái, hoa quả, thực phẩm của nước ngoài cũng đều được sự cho phép của cơ quan chức năng; quần áo, kiểu tóc của chúng tôi, muốn học theo ai là do sở thích cá nhân... Chúng tôi theo chân các thần tượng nước ngoài là tôi muốn học hỏi để được thành công như họ...
Trẻ em tỉnh Hòa Bình được gia đình giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa từ những bộ trang phục. Ảnh: Hoa Huyền |
Giải thích về “lý sự” của một số bạn trẻ đang mang suy nghĩ trên, TS Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Các bạn trẻ Việt Nam đang sống trong thời đại công nghệ số với tâm lý thích khám phá, thích thể hiện cái tôi cá nhân của mình, thích cái mới và thích sự thay đổi, nhưng lại chưa có đủ độ chín chắn, chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ bản lĩnh để có thể phân biệt được đâu là những giá trị tích cực, đâu là giá trị tiêu cực từ bên ngoài đưa vào Việt Nam. Thế nên, một cách vô thức bị tác động, ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa ngoại lai. Các thế lực thù địch đã triệt để khai thác tác động tiêu cực của mạng xã hội, sử dụng nó trở thành một phương tiện thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Thử hỏi, với một quốc gia hơn 100 triệu dân, nếu ai cũng sùng ngoại, sính ngoại như vậy, cũng hành xử như vậy, quốc gia ấy có phải bản sao của một nước khác không? Trong khi tại chính các nước phương Tây, như Mỹ đã đưa ra cảnh báo đỏ sẽ cấm hoạt động đối với mạng xã hội TikTok do nghi ngại vấn đề an ninh quốc gia. Ở Pháp cũng cấm trẻ em dưới 16 tuổi không được tiếp cận mạng xã hội. Một số nước khác thì ban hành những quy định nghiêm khắc đối với việc sử dụng mạng xã hội nếu vi phạm, truyền tải nội dung thông tin không đúng đắn, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, xúc phạm tôn giáo chính thống, kêu gọi biểu tình, lập hội nhóm bất hợp pháp, trò chơi bạo lực; xuyên tạc lịch sử thông qua các sản phẩm phim ảnh, văn học, sách giáo dục...
Ngẫm lại ở ta, đi đâu cũng gặp cảnh từ anh bán cơm tới chị bán hàng, từ nhà chờ xe buýt cho tới góc khuất một công sở... tay cầm điện thoại mà trên loa phát ra tràn ngập các phim ngắn về tổng tài, kiều nữ, anh hùng; các đoạn video, bài viết dạy dỗ, hướng dẫn “nuôi con kiểu Nhật”, “dạy con theo cách của người Do Thái”, “phong cách thời trang Hàn Quốc”, “truyện tranh Nhật Bản”... hình ảnh khoe tiền, khoe của, ăn uống vô độ, ứng xử bất kính... Rồi cứ đến dịp các ngày lễ của nước ngoài, như Halloween-lễ hội hóa trang; Valentine-ngày lễ tình nhân, lễ Giáng sinh... thì các nam thanh nữ tú lại xúng xính váy áo cũn cỡn, lố lăng, phản cảm “check in”, chờ dịp để khoe mẽ lối sống ảo.
Trong lĩnh vực truyền thông, khán giả truyền hình và những người tham dự các sự kiện mấy năm gần đây, đặc biệt là trên các kênh truyền hình cấp tỉnh chỉ biết thở dài ngao ngán khi chứng kiến tên không ít chương trình giải trí cũng nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh, rồi diễn viên, người dẫn chương trình thì khoe mẽ trình độ ngoại ngữ “nửa Tây, nửa ta” khiến bao người ngao ngán... Thật buồn, khó chịu và cám cảnh, lo ngại cho sự quý giá của tiếng Việt và văn hóa dân tộc.
Sự lai căng đã tới mức phải báo động
Trong cuốn “Internet và sự tác động đến văn hóa Việt Nam”, TS Từ Thị Loan chỉ ra: Sự lai căng văn hóa đang có những tác động tiêu cực đến quan niệm về đạo đức, ý thức đạo đức. Tác động nổi bật nhất về vấn đề này là tư tưởng đề cao các giá trị vật chất trước các giá trị tinh thần, giá trị đạo đức. Những cảnh sống xa hoa, giàu sang trong các bộ phim và MV ca nhạc, những thông tin về cung cách tiêu xài khủng của các đại gia, phong cách ăn mặc sang chảnh của các “sao”, thói ăn chơi thời thượng, “chịu chơi” và “chịu chi” của những người nổi tiếng ở nước ngoài đã tác động không nhỏ đến nhận thức, tư tưởng của cộng đồng cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ. Từ đó hình thành ở họ tư tưởng coi trọng vật chất, coi nhẹ đạo đức, đề cao hình thức, biểu hiện bề ngoài mà không chú trọng đúng mức đến phẩm chất đạo đức, cái đẹp bên trong”.
TS Từ Thị Loan nhận định, những tác động tiêu cực của truyền thông mới cũng góp phần cổ xúy các hành vi vô văn hóa, phản đạo đức, vi phạm các chuẩn mực xã hội, như: Kích động dâm ô, đồi trụy, những biểu hiện suy đồi...
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì nhận định: Tâm lý sùng ngoại, muốn chứng minh mình tiên phong trong xu hướng khiến giới trẻ Việt Nam tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách dễ dãi. Hơn nữa, sự phát triển và phổ biến các phương tiện truyền thông mới đã khiến cho hiện tượng lai căng văn hóa lan truyền nhanh chóng mà không bị kiểm soát, kích thích và thu hút sự tò mò của giới trẻ. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh cụ thể, một số bạn đã có những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ, hành vi và lối sống. Việc bắt chước những trào lưu như thần tượng thái quá các ngôi sao; sử dụng ngôn ngữ nước ngoài vô tội vạ... đã gây ra những hậu quả hết sức tai hại, hình thành nên những nhận thức mới, thói quen mới, tạo ra những định hướng giá trị xa lạ với văn hóa truyền thống, có nguy cơ trở thành những bản sao của văn hóa nước ngoài. Điều đó khiến giới trẻ mất phương hướng trong việc xây dựng và hình thành nhân cách con người Việt Nam, không có sự tự tin để hội nhập quốc tế. Nguy hiểm hơn, lai căng văn hóa sẽ khiến văn hóa đất nước nói chung dễ bị phai nhạt, mất sức sống, ảnh hưởng đến sức mạnh chung của quốc gia.
Cuộc xâm lăng mềm xuyên biên giới, xuyên quốc gia
Phải khẳng định, trong thời đại số, mỗi một phút, một giờ lại có hàng vạn thông tin được chia sẻ thông qua mạng xã hội và các kênh giao tiếp văn hóa phi chính thức khác nhau, cho thấy mức độ nhập khẩu văn hóa không kiểm soát lớn như thế nào.
Không phải tự nhiên chỉ một thời gian ngắn mạng xã hội phát triển ở nước ta, không ít người giờ đây chỉ yêu thích các sản phẩm văn hóa từ nước ngoài, biến họ trở nên khác hẳn, sùng ngoại, “đặc sệt” phương Tây, với đặc trưng là thích quan tâm tới bản thân hơn là chia sẻ với cộng đồng; thích kiểu ăn mặc khác lạ, lối sống thực dụng chứ không thích lối sống gia đình theo nếp nhà truyền thống với các giá trị gia đình; tinh thần chia sẻ với xóm làng, cộng đồng. Nguy hại hơn, họ xa rời trách nhiệm với Tổ quốc, họ trốn tránh nghĩa vụ công dân, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi, đòi hỏi tự do dân chủ một cách vô độ, tuyệt đối, muốn làm gì thì làm theo kiểu phương Tây.
Văn hóa lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên được các đội cồng chiêng của các thôn, xã tại Gia Lai thường xuyên luyện tập, biểu diễn. Ảnh: Hoa Huyền |
Những biểu hiện nguy hiểm ấy đang bào mòn chất văn hóa Việt, khiến họ dần quên đi những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, quên đi mình là ai. Thật nguy hiểm khi hàng triệu người đang dùng mạng xã hội hay các sản phẩm văn hóa độc hại đang không nhận ra mình dần bị đồng hóa văn hóa theo “kế hoạch” đã được tính toán của các nước lớn; các nước phương Tây thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” và làn sóng xâm lăng văn hóa êm dịu, tĩnh lặng, bất bạo lực.
Không khó để nhận ra, “kế hoạch” của các thế lực này đã thành công một phần nào đó. Nhìn các sản phẩm văn hóa trên các trang mạng xã hội, hay một số trang điện tử, báo điện tử với nội dung đánh vào tâm lý người Việt trẻ, như scandal của văn nghệ sĩ; những cuộc đấu khẩu, chửi rủa, bạo lực; cuộc sống của các ca sĩ, ban nhạc nước ngoài, video clip bói toán, dạy nấu ăn, dạy làm giàu, dạy ứng xử mà cốt truyện, những nhân vật đều thuộc về một quốc gia khác... Tóm lại, từ việc nhỏ nhất cho đến việc lớn, đều bị văn hóa ngoại chi phối.
Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo: Không ít giá trị văn hóa Việt Nam đã và đang bị thay đổi trong đời sống hằng ngày ở từng con người, mỗi gia đình. Trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều người đã đón nhận những yếu tố văn hóa ngoại lai một cách không chọn lọc, không biết nhận diện, phân tích và bỏ đi những cái xấu, cái không phù hợp. Nhiều người khác thì dễ dãi tiếp thu, vay mượn vốn văn hóa của nước ngoài để giúp mình tưởng như đã đạt tới cột mốc là công dân văn minh toàn cầu; chăm chăm mượn cái của nước khác, người khác mà tưởng rằng đó là tiêu chuẩn của giá trị. Họ không hiểu thế nào là tiếp thu những mặt tích cực; thế nào là bị đồng hóa, bị nô dịch văn hóa.
Như vậy, nhiều người đang tự mình tan ra, dần mất bản sắc văn hóa dân tộc, bị đồng hóa văn hóa từ chính những biểu hiện trong lối sống, lối ứng xử, trong cách tiếp nhận và thay đổi quan niệm về giá trị vật chất, tinh thần họ đang học theo. Nếu “căn bệnh” sùng bái văn hóa ngoại lây lan từ cá nhân sang gia đình, rồi ra cộng đồng và các tầng lớp xã hội thì lúc đó, xã hội đã thực sự bị xâm lăng văn hóa. Nỗi lo xâm lăng văn hóa càng được nhân lên khi internet, mạng xã hội dưới sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... ngày càng trở nên phổ biến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin