Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam

15:58, 24/05/2007

Bác Hồ-tượng trưng cho tinh hoa, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam suốt mấy nghìn năm lịch sử. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn đề cao tinh thần đoàn kết các dân tộc, Người nói “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Trong qúa trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn quan tâm đến chính sách dân tộc: “Chính sách dân tộc của chúng ta nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Hình ảnh đó được khắc hoạ đậm nét nhất, ngay điểm đầu tiên khi du khách đặt chân tới thăm quan Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Đó là bức tượng bằng đồng: Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam, tượng trưng cho khối đại đoàn kết dân tộc. Trên tay Bác bế 3 đứa trẻ, tượng trưng cho 3 miền Bắc-Trung-Nam. Thể hiện tình yêu thương bao la của Người đối với thế hệ trẻ nói chung, các dân tộc nói riêng.

Chúng tôi đến thăm Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam đúng vào dịp các cán bộ nơi đây đang tập trung cho cuộc triển lãm chuyên đề “Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam”. Theo đồng chí Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng: Đây là hoạt động thiết thực nhất để kỷ niệm 117 năm ngày sinh của Người 19-5, kỷ niệm 60 Chủ tịch Hồ Chí Minh và TW Đảng về ATK Định Hoá lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007 và ngày bầu cử Quốc hội khoá XII. Triển lãm do Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, phối hợp cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng cách mạng Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Gồm 339 tài liệu, hiện vật trưng bày. Về hiện vật là các đồ dùng, kỷ vật của Người; tài liệu là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các dân tộc, nơi ở làm việc của Người, cũng như những lần Người đến thăm và làm việc ở các tỉnh, thành trong cả nước, đồng bào các dân tộc với Bác Hồ và cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, các hình ảnh của thời kỳ đổi mới... Nhìn tấm khăn quàng cổ do đồng bào Thái kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi nhớ lại lời nói của Người “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Lia hay Ê đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là anh em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, no đói giúp nhau”. Người dành cả tấm lòng hiền từ, ấm áp cho đồng bào, con cháu, già, trẻ, gái, trai, miền Bắc, miền xuôi, miền ngược. Các món quà mà nhân dân các dân tộc tặng Người đều mang ý nghĩa về mặt tinh thần chứ không phải giá trị vật chất.

Trong 99 kỷ vật của Người hiện đang lưu trữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chủ yếu là những chiếc khăn, bức thêu, túi, gối, thậm chí cả những chiếc thúng, chặn giấy, đôi đũa ngà, ấm nấu nước... tất cả món quà nhỏ bé đó đều xuất phát từ vạn tấm lòng của đồng bào các dân tộc tặng Người, như chiếc chậu rửa mặt của bà Hoàng Thị Ve, ở xóm Lam Sơn, xã Hồng Việt, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng trong thời gian Người về ở và hoạt động tại đây năm 1941. Hay như chiếc khăn do chi bộ Đồng Tiến, huyện Đồng Hỷ tặng. Rồi là hình ảnh Bác chụp trong các chuyến thăm bà con các dân tộc rất đỗi thân thương. Nếu không phải bộ quần áo kaki bạc mầu, thì Bác mặc bộ quần áo màu nâu, chân đi đôi dép cao su. Một con người mà cả cuộc đời hy sinh cho cách mạng, cho dân tộc, với hoài bão lớn lao mà rất đỗi giản đơn: “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Lần đầu tiên, các bảo tàng đồng tổ chức triển lãm “Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam” đúng vào dịp kỷ niệm 117 năm ngày sinh của Người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Qua triển lãm giới thiệu cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với tư tưởng, quan điểm của Người về vấn đề dân tộc, cũng như tình cảm và hoạt động của Người dành cho đồng bào các dân tộc, những đóng góp của nhân dân các dân tộc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược đại đoàn kết dân tộc và Đảng, Chính phủ ta tiếp tục phát triển các chính sách dân tộc. Động viên nhân dân các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thực hiện nghĩa vụ của mình trong kỳ bầu cử Quốc hội khoá XII. Dự kiến thời gian triển lãm được tổ chức trong 2 tháng từ 18-5-2007 đến 18-7-2007.