Đại hội X của Đảng tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Với sự tác động của toàn cầu hóa kinh tế, mặt trái của kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, thì những thách thức đối với giá trị văn hóa, đạo đức cũng gia tăng; chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, lối sống vì đồng tiền, làm giàu bằng mọi giá, các tệ nạn xã hội, những yếu tố làm băng hoại đạo đức xã hội… có điều kiện phát triển. Trong điều kiện đó, nếu chúng ta không chú trọng đến vấn đề rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của mỗi con người, nhất là của cán bộ, đảng viên thì sự tác động, ảnh hưởng này sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Say sưa tìm kiếm sự phát triển kinh tế mà không quan tâm đúng mức đến vấn đề đạo đức trong chiến lược phát triển thì đó là một hành động tự làm suy yếu sức mạnh của bản thân mình.
Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà Đảng ta phát động, trong tình hình đó, càng có ý nghĩa to lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta di sản tư tưởng và đạo đức vô cùng quý giá. Việc học tập và làm theo đạo đức, tấm gương Hồ Chí Minh là trách nhiệm và tình cảm của tất cả mọi người, của mọi cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên có trọng trách càng cao thì yêu cầu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh càng phải cao. Không làm được điều đó thì cuộc vận động chỉ mang tính hình thức, không thể đạt kết quả mong muốn.
Không tạo ra được một xã hội lành mạnh về đạo đức, lối sống thì xã hội sẽ mất động lực phát triển. Không xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức thực sự mẫu mực, thực sự là tấm gương sáng dẫn dắt đạo đức xã hội, để cho tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hoành hành, thì chúng ta không thể vững vàng hội nhập với thế giới, và đó là nguy cơ đe dọa đến sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của đất nước.