Chuyện về nhà bác học được Bác Hồ đặt tên Đại Nghĩa

09:44, 03/05/2007

Đến thăm bà Nguyễn Thị Khánh dịp cuối năm, chúng tôi mới biết được biệt danh “Ông Phật làm súng”, đó là danh hiệu mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho Cục trưởng Cục quân giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, người con tài giỏi, trung thành với nước, với dân của đất Vĩnh Long Nam bộ.

Cách đây 10 năm khi đó Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa chưa lâm bệnh, chúng tôi được vợ Giáo sư, bà Nguyễn Thị Khánh dẫn lên lầu để gặp. Khi chúng tôi hỏi về quê hương, Giáo sư vẫn nhớ rất rõ khi những ngày tháng đầu tiên xa nhà và được về thăm lại dòng sông Măng Thít, thăm mẹ và quê nhà trước lúc lên đường đi học xa Tổ quốc.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa sinh ra ở quê ngoại, ấp 6, xã Xuân Hiệp, Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Cha Giáo sư là một thầy giáo yêu nước tên là Phạm Quang Mùi (1882 – 1920), khi về dạy học tại Vĩnh Long đã gặp và thành thân với mẹ Giáo sư là bà Lý Thị Diệu (1881 – 1941). Họ có 2 người con, và trong cảnh học hành tốn kém thời ấy, sau khi người cha mất sớm, người chị gái Phạm Thị Nhẫn phải xin nghỉ học nhường cho em mình - Phạm Quang Lễ (sau này là Giáo sư Trần Đại Nghĩa) học hành đến nơi đến chốn.

Cha ông là một người vốn thâm hiểu Nho giáo, khi chuyển sang học tiếng Pháp, rồi đỗ Thành chung, về Vĩnh Long dạy học. Ở Vĩnh Long lúc đó đều coi là người uyên thâm nho nhã, am hiểu thế sự, nhân uyên cuộc đời: “trên hiểu thiên văn,dưới tường địa lý, giữa biết lòng người”.

Ở lớp tiểu học, anh Lễ là người học giỏi nhiều môn, trong đó đặc biệt là môn toán, và là một học trò ngoan luôn làm những điều gì mà bạn bè nhờ giúp đỡ. Hè năm 1926, Lễ tốt nghiệp bậc tiểu học hạng Ưu, rồi thi đỗ hạng Ưu vào trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho, nay thuộc Tiền Giang. Anh được nhận học bổng trong 4 năm học tại đây, từ năm 1926 – 1930. Năm 1930, thi đỗ vào trường Trung học đệ nhị cấp, anh lên trường Petus Ký (nay là trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong –TP. HCM) và vẫn là học trò tuy nghèo nhưng học giỏi nhất lớp, đậu học bổng liên tục 3 năm liền. Đến 1933 thi đậu loại giỏi bằng tú tài Tây, thay vì phải thi tú tài bản xứ như bao học trò cùng lớp.

Cùng học với anh Lễ tại trường nổi tiếng Petrus Ký có các học sinh Phạm Văn Thiện (tức ông Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Tấn Ghi Trọng, Đặng Văn Chung…là những học trò xuất sắc của khoá học. Sau này Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Tấn Ghi Trọng kể, ông Phạm Hùng hoạt động Cách mạng từ những năm còn học ở ngôi trường này. “Có lần đang giờ học, anh bị mật thám Pháp đến bắt, mọi người mới biết được anh có chân trong lãnh đạo của một tỉnh ủy. Còn trong lớp chúng tôi, anh Lễ là học trò rất nghèo, nhưng ai có gì cần giúp là Lễ không lúc nào từ chối. Lễ học rất giỏi. Có lần lớp đang giải toán thì bí, thầy giáo cho Lễ lên bảng, Lễ giải tiếp bằng mấy cách khác nhau. Tiếng học trò Phạm Quang Lễ ở Vĩnh Long lên Sài Gòn học giỏi ai ai đều biết”.

Sau 2 năm đi làm ở Toà sứ Mỹ Tho để đỡ đần cho mẹ và chị gái khi đã mất cha; Phạm Quang Lễ gặp nhà báo Dương Quang Ngưu (1897-1938) một Việt kiều yêu nước từ Pháp về, vào làm việc ở Toà bố Mỹ Tho. Dương Quang Ngưu nói chuyện với Lễ, nhận thấy những tư chất thông minh hiếm có cùng quyết tâm đi xa hơn, học hành để giúp đời. Qua một người bạn của nhà báo này giới thiệu, được biết anh là con của thầy giáo Mùi, ông Ngưu đã vận động Hội Ái Hữu trường Chasseloup Laubat cấp cho Lễ một năm học bổng đi du học tại Paris. Ngày 5/9/1933 Phạm Quang Lễ xuống tàu tại bến Nhà Rồng bắt đầu xa quê hương, xa mẹ và chị gái ở Trà Ôn để sang Pháp du học. Tiếp tục học lên, nắm vững những tri thức khoa học quan trọng để về giúp nước, giúp đời là ý chí và lòng ham muốn cuả người học trò giỏi đó khi từ Nam Bộ sang Paris.

Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghiã nhớ lại, lúc đó từ cảng Sài Gòn sang cảng Marseille (Pháp) con tàu phải đi vòng qua nhiều nơi, mất hết 21 ngày, sau khi ghé nhiều nước châu Á, Phi, qua kênh đào Hồng Hải, kênh Suez, rồi vào Địa Trung Hải. Qua những nơi đó, anh thấy rõ hơn bao bất công; bộ mặt thật, tàn bạo của bọn chủ nô, chúa đất, giống như ở quê hương anh; và người dân lành các nước ấy cũng đều cực khổ như quê hương Việt Nam đang bị đô hộ.

Từ Marseille, Lễ đến Paris trên một chiếc tàu hoả tốc hành. Và để có đủ tiền cho 2 năm đại học tại Paris, trong khi học bổng của Chasseloup Laubat chỉ cấp cho 1 năm, Lễ phải dồn sức làm 16 tiếng/ngày cho đủ tiền trang trải mọi thứ cuộc sống. Mỗi ngày ở Paris xa vắng quê hương, là hình ảnh của người mẹ nghèo và người chị tất tả sớm hôm ở Trà Ôn – Vĩnh Long cứ hiện lên rõ mồn một trong tâm trí. Và thế là Lễ quyết chí đổ công, đổ sức học rút trong 2 năm làm một, để chỉ 1 năm thôi là Lễ đã đủ điều kiện vào trường Đại học tại Paris.

Xa Tổ quốc và quê hương 11 năm trời, song về tới Hà Nội anh chỉ nghỉ 7 ngày là lên xưởng quân giới Giang Tiên (Thái Nguyên) để bắt đầu nghiên cứu súng chống xe tăng, dựa theo mẫu Bazoka của Mỹ, cùng với chỉ 2 viên đạn do Thứ trưởng Tạ Quang Bửu cung cấp. Ngày 5/12/1946 Bác Hồ cho mời kỹ sư Phạm Quang Lễ đến nhà khách Chính phủ. Vừa thân mật, vừa trịnh trọng, Bác nói: “Kháng chiến sắp đến nơi rồi, hôm nay mời chú đến để giao nhiệm vụ cho chú là Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội diệt giặc”. Rồi Bác nói tiếp: “Việc chú làm là việc hệ trọng, vì thế từ nay, Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghiã. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam”. Thế là từ đó, Cục trưởng Cục Quân giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt nam có tên mới, một cái tên ý nghĩa: Trần Đại Nghĩa.

Từ đó ông lao vào tìm kiếm các phát minh khoa học về vũ khí cho quân đội ta. Người bạn đời của Giáo sư, bà Nguyễn Thị Khánh, một y sỹ chuyên lo cho các thương binh từ chiến trường cuả Cục Quân giới, nay sống tại Q. Tân Bình kể lại , có lần ngày nghỉ, Giáo sư được vợ giao việc trông con giùm, khi bà đi chợ về thấy con mặt mũi lấm lem, đang chơi nghịch một mình, còn Giáo sư thì mải mê đọc sách về vũ khí. Bị vợ la rầy, Giáo sư chỉ cười trừ, xin lỗi vợ. Quá mải mê bận bịu với vũ khí, đến nỗi Giáo sư thường quên cả nón, giày dép v.v… Nhiều lần trong rừng, mà Giáo sư bị mất mũ hoài, liên lạc của Cục Quân giới mua cho Giáo sư một chiếc mũ đội đầu, phải viết vào mũ: “Mũ này là của ông Trần Đại Nghĩa”, để nếu ai thấy ở đâu còn trả lại ông.

Qua hai cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã nghiên cứu, phát minh những loại vũ khí bí mật, giúp cho Quân đội ta đánh thắng giặc, bảo vệ đất nước.

Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã đi xa 10 năm nay, song mọi người vẫn nhớ, tận đến cuối đời, Giáo sư vẫn luôn chân chất, hiền lành, bao dung… với mọi người. Dù bao năm đi khắp khắp chân trời, góc bể; từ trời Tây về Hà Nội, lên chiến khu Việt Bắc, rồi là Viện sỹ, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam, song những kỷ niệm thời ấu thơ bên dòng sông Măng Thít, những kỷ niệm về cha, mẹ, và người chị gái thân yêu… không có lúc nào nguôi ngoai trong ông./.