Làm thế nào để cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có hiệu quả? (từ nay đến Đại hội toàn quốc lần XI của Đảng, năm 2011). Phó trưởng Ban Tư tưởng - văn hóa T.Ư Đào Duy Quát (ảnh) trao đổi khá thẳng thắn với các phóng viên.
- Đối tượng chủ yếu, theo thứ tự, là: cán bộ, đảng viên, công chức và đoàn viên thanh niên.
* Với việc xác định đối tượng vận động như vậy, phải chăng Đảng đã nhìn thấy nguy cơ thoái hóa đạo đức từ chính một số cán bộ, công chức, đảng viên trong hàng ngũ của mình?
- Đại hội Đảng lần X đã xác định nhiệm vụ lịch sử quan trọng trước hết là phải làm sao phấn đấu đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững trong một thời gian ngắn, có thể phải là 3-4 năm tới. Muốn vậy, Đảng phải thật sự nâng cao năng lực lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, cũng có nghĩa là phải nâng cao đạo đức và trí tuệ của toàn Đảng, bắt đầu từ mỗi đảng viên. Sau 20 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng đã đưa dân tộc giành được những thành tựu hết sức to lớn về kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời Đảng cũng đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng. Nếu không giải quyết được nguy cơ này, sẽ đụng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
* Làm thế nào để cuộc vận động có hiệu quả, không mang tính hình thức?
- Không có luật nào giám sát tốt bằng quần chúng nhân dân. Quần chúng có quyền giám sát xem anh có vi phạm lối sống đảng viên, công chức hay không. Nếu “tự nhiên” anh xây biệt thự, tổ chức Đảng cơ sở có quyền gọi anh đến hỏi về nguồn tài chính, nếu không chứng minh được, anh có thể phải nhận kỷ luật Đảng; về phía chính quyền, anh cũng có thể đối diện trước pháp luật. Sức mạnh của hệ thống quản lý lối sống này, một khi được thiết lập, có thể ngăn chặn được hành vi vi phạm đạo đức khi nó chưa xảy ra.
Đảng muốn các đảng viên và thanh niên thấy rõ việc học tập đạo đức của Bác Hồ chính là học lý tưởng sống, lẽ sống, khát vọng sống của Bác. Cả cuộc đời Bác chỉ có một lẽ sống là phấn đấu giành độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội hạnh phúc. Mỗi người trẻ cũng phải có một lẽ sống nào đó, phải có khát khao hạnh phúc nào đó, và phải phấn đấu để đạt được điều đó, bằng lao động, bằng tri thức, bằng sự quyết tâm.
Theo tôi, học tập đạo đức Bác Hồ là giản dị như vậy. Chúng ta cần những người mang đạo đức Bác Hồ ở ngay bên cạnh mình, những con người cụ thể, bình dị, những người anh hùng bình dị kiểu như chị Phạm Thị Huệ…
Trong cuộc vận động này, trọng tâm sẽ là những câu chuyện về những tấm gương cụ thể ấy, phải cho mọi người, nhất là những người trẻ, có niềm tin vào những con người tốt đẹp có thật trong xã hội. Học tập đạo đức Bác Hồ không phải như một thánh nhân, mà như một người bình thường, với một số phận cụ thể, tên tuổi địa chỉ cụ thể. Có như vậy cuộc vận động mới thật sự có ý nghĩa và đi vào được lòng dân.