Tu dưỡng đạo đức cá nhân

09:30, 03/05/2007

Khổng Tử - người sáng lập ra Nho giáo là nhà giáo dục và tư tưởng lớn của Trung Quốc thời cổ đại. Theo Hồ Chí Minh, "đạo đức của Khổng Tử là hoàn hảo, làm cho những người cùng thời và hậu thế phải cảm phục", và " học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân".

Như vậy, tu dưỡng cá nhân là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm "Đường kách mệnh", tác phẩm giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin có hệ thống đầu tiên ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đưa phần giáo dục đạo đức lên hàng đầu, trong đó trước hết phải xử lý mối quan hệ với chính mình, phải tu dưỡng cá nhân. Bởi vì, chỉ có ra sức học tập và rèn luyện thì mới trở thành người tốt hơn, đạo đức hơn, mới răn dạy được người khác.

Đã là con người thì đều có thiện, ác ở trong lòng. Người thường xuyên tự tu dưỡng khác với người không tu dưỡng, tương tự như sự khác biệt giữa người sống và người chết.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, cùng với khẳng định sức mạnh tập thể, thì vai trò cá nhân là cực kỳ quan trọng. Muốn vậy, cá nhân phải thường xuyên tự tu dưỡng đạo đức. Bởi vì, "đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

Hồ Chí Minh yêu cầu việc tu dưỡng đạo đức như chuyện rửa mặt hằng ngày, phải gắn với thực tiễn cách mạng, bởi đạo đức cách mạng là nhằm giải phóng con người và là đạo đức của những con người được giải phóng.

Điều này càng hết sức quan trọng và cần thiết đối với cán bộ, công chức, bởi vì theo tinh thần Hồ Chí Minh, đã là cán bộ, công chức thì dù ít, dù nhiều đều có quyền hành. Cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ.

Có quyền mà không chịu tu dưỡng, rèn luyện thì dễ trở nên hủ bại, dễ biến thành sâu mọt của dân, dễ "di công vi tư".

Tham nhũng, vì vậy, cần được hiểu là bệnh của cán bộ, công chức không chịu tu dưỡng đạo đức cá nhân. Quyền lực một khi được trao vào tay cán bộ, công chức không có đạo đức, thì quyền lực đó sẽ làm tha hoá con người, biến con người trở thành nô lệ của quyền lực.

Tư tưởng và tấm gương tu dưỡng, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học mẫu mực, sáng giá trong việc nâng cao đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, phục vụ nhân dân, đấu tranh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống như chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

Đứng ở đỉnh cao quyền lực 24 năm liền, nhưng Hồ Chí Minh không hành xử như một người có quyền lực. Người coi quyền lực thuộc về dân và do dân uỷ thác. Còn mình thì như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận, "bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui".

Mong muốn của lãnh tụ Hồ Chí Minh thật giản dị: Làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.

Mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức được điều đó ở Bác Hồ là việc làm quan trọng hàng đầu, rất khó khăn; còn tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thật sự làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn khó khăn hơn nhiều, nhưng lại là điều có ý nghĩa quyết định nhất.

Đây chính là ý nghĩa rộng lớn, sâu xa của cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.