Hơn ai hết thầy thuốc phải có trái tim nhân hậu

10:29, 20/07/2008

Đó là tâm niệm của bác sỹ Đào Minh Nguyệt, Khoa Răng- Hàm- Mặt, Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên khi nói về nghề nghiệp của mình. Ngay khi còn là học sinh phổ thông, chị đã có ước mơ sau này trở thành bác sỹ để có thể giúp bệnh nhân vơi đi nỗi đau trong bệnh tật.

6 năm học tại Đại học Y khoa Thái Nguyên, chị luôn nỗ lực học tập, rèn luyện. Chị được kết nạp Đảng khi đang là sinh viên. Tốt nghiệp, chị được nhận vào công tác tại Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên. Với sự nỗ lực trong công việc, Nguyệt liên tục đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen "Bác sỹ trẻ sống đẹp vì cộng đồng".

Nguyệt tâm niệm: Bệnh nhân cũng giống như người thân ruột thịt của mình, phải hiểu và thông cảm với nỗi đau mà họ đang phải chịu. Vì thế, đối với người bệnh, chị luôn dịu dàng trong tiếp xúc, tận tình khi chăm sóc, ân cần, tỷ mỉ lúc dặn dò, luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2008 là năm cả nước đẩy mạnh việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hưởng ứng Cuộc Vận động này, Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên đã mở đợt nâng cao tâm lý tiếp xúc với bệnh nhân. Trong vai trò là Phó Bí thư Đoàn Bệnh viện, Nguyệt đã cùng BCH chỉ đạo các chi đoàn mở nhiều buổi toạ đàm trong đoàn viên, thanh niên để đưa ra các tình huống trong ứng xử trong công việc; cùng trao đổi những khó khăn để công tác phục vụ người bệnh đạt hiệu quả cao nhất. Ở khoa, Nguyệt cùng các đồng nghiệp nêu cao ý thức trong thực hành tiết kiệm vật tư, điện, nước, sử dụng thuốc hợp lý, rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả.

Trong Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng bộ Bệnh viện tổ chức, Nguyệt đã giành được giải Nhì và được Đảng bộ cử tham gia Hội thi cấp tỉnh. Làm thế nào để vừa phải hoàn thành công việc chuyên môn, vừa phải đảm bảo chăm sóc cho tổ ấm gia đình với 2 cậu con trai sinh đôi đang còn nhỏ với Nguyệt không hề đơn giản. Vì thế, Nguyệt phải tranh thủ mọi thời gian có thể để sưu tầm tài liệu, chuẩn bị nội dung. Nguyệt nhận ra rằng, điều quan trọng nhất không phải là kể được câu chuyện hay, rút ra bài học gì qua câu chuyện mà phải là việc áp dụng vào thực tế như thế nào? Qua câu chuyện “cái áo trấn thủ”, Nguyệt rút ra được bài học thật sự sâu sắc với những người làm nghề thầy thuốc: Nếu có tình yêu bao la sẽ tránh được những thói hư, tật xấu như: Cầu lợi, kể công, phân biệt đối xử giữa giàu nghèo, sang hèn, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc, qua loa, tắc trách trong phục vụ, đố kỵ kèn cựa với đồng nghiệp. Và những điều này đã luôn được Nguyệt áp dụng vào thực tế công việc hàng ngày.

Với tuổi đời còn trẻ (sinh năm 1980), Nguyệt đang ấp ủ tiếp tục theo học cao học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh- một nghề luôn được cả xã hội coi trọng.